Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Tăng hàm lượng “chất xám” cho nền kinh tế

Nhóm PV Nội chính| 18/07/2013 06:24

(HNM) - Chương trình số 03-CTr/TU hướng tới mục tiêu thay đổi về chất của nền kinh tế Thủ đô, trong đó chú trọng phát triển kinh tế tri thức ở tất cả ngành, lĩnh vực, đặc biệt là tăng sản phẩm sử dụng kỹ thuật công nghệ, hàm lượng chất xám cao.



Triển khai trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới khủng hoảng, có những chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn, song giá trị mà Chương trình này đem lại không chỉ duy trì tăng trưởng mà còn ở sự chuyển dịch hợp lý của cơ cấu kinh tế Thủ đô.

Sự thay đổi về chất

Chương trình số 03-CTr/TU về "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, bền vững" đề ra 3 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh đối với mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Dấu ấn tích cực nhất trong hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 03 chính là tăng hàm lượng "chất xám" cho kinh tế Thủ đô. Thông qua những chương trình nhánh, đề án cụ thể hóa Chương trình, thành phố đã khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Tính trung bình, mỗi năm Hà Nội đưa vào ứng dụng trên 100 đề tài nghiên cứu khoa học.

Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Thanh Hải


Một trong những đơn vị thực hiện tốt định hướng của thành phố là Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông. Năm 2011, công ty thành lập Trung tâm R&D (Nghiên cứu và phát triển) với khoản đầu tư 20 tỷ đồng, chuyên nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, trung tâm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, giúp Rạng Đông bán được 29,5 triệu bóng đèn CFL; 18,7 triệu bóng đèn huỳnh quang... Rạng Đông quyết định mỗi năm trích 20% lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cùng với Rạng Đông, còn có thể kể đến các DN như: Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển với việc cải tiến lò, nâng công suất gấp 10 lần so với thiết kế ban đầu; Công ty Xuân Kiên Vinaxuki ứng dụng công nghệ robot trong dây chuyền đột dập, hàn, cắt vỏ xe ô tô; Công ty Sơn Kova ứng dụng công nghệ nano chế tạo sơn xây dựng cao cấp; Công ty Ngọc Khánh chế tạo dây điện chuyên dụng cho công nghiệp ô tô…

Cùng với đó Hà Nội phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và có trình độ cao. Đến nay, thành phố công nhận 57 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 48 doanh nghiệp thuộc các ngành cơ khí - điện tử, hóa nhựa, dệt may - da giày, chế biến lương thực, thực phẩm... Nhờ những hỗ trợ thiết thực của thành phố như ưu đãi về thuế, xúc tiến thương mại, các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được vị thế ngay cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều sản phẩm khác đã đáp ứng yêu cầu khắt khe của những đối tác nhập khẩu khó tính như Nhật Bản, EU. Số DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố hằng năm đóng góp 27% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 9% kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố.

Không chỉ sản phẩm công nghiệp, không ít thương hiệu xuất xứ từ vùng nông thôn, ngoại thành đã được xác lập như "Sữa bò Ba Vì", "Gốm sứ Kim Lan", "Nhãn muộn Đại Thành"… Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cho sản phẩm giá trị cao đã hình thành và được nhân rộng như nuôi lợn rừng; nuôi bò thịt; trồng hoa, rau, quả…

Đi cùng với công nghiệp, nông nghiệp, Hà Nội chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ, chất lượng cao. Cho đến nay, hệ thống ngân hàng đã duy trì tốt việc huy động nguồn vốn bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, số vốn huy động năm sau cao hơn năm trước, tăng trung bình 18,3%/năm. Các dịch vụ ngân hàng như thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng tự động, dịch vụ thẻ, đặc biệt là thẻ quốc tế Visa, Master, JBC và các điểm ATM, điểm chấp nhận thẻ thanh toán tăng lên đáng kể. Điều đó khẳng định quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, tự động hóa, từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ trình độ, chất lượng cao đang được hiện thực hóa.

Như vậy, đến hết năm 2012, với dân số chiếm 7,84%, TP Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu, 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp, 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước.

Đòi hỏi trách nhiệm cao hơn


Thực hiện Chương trình số 03, trong hơn 2 năm qua, 10 sở của thành phố đã và đang chủ trì triển khai 49 chương trình nhánh, đề án cụ thể hóa; trong đó có 31 chương trình, đề án do UBND TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. 23/49 chương trình nhánh, đề án của Chương trình phối hợp với 4 chương trình khác của Thành ủy. Có 26 chương trình nhánh, đề án mang tính riêng biệt của Chương trình số 03 tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tiết kiệm năng lượng.

Các đề án, chương trình đã tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn như kinh tế tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa xứng với tiềm năng... để có biện pháp chỉ đạo nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình, thành phố gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và dự báo khả năng khó hoàn thành các chỉ tiêu vào năm 2015. Đó là các chỉ tiêu tăng trưởng GRDP (12-13%/năm), vốn đầu tư xã hội (tăng 17,5-18,5%/năm), tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (14-15%/năm), xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, áp dụng công nghệ thân thiện môi trường trong các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, tỷ lệ thu gom rác… Do vậy, nhiệm vụ thực hiện Chương trình số 03 trong nửa sau nhiệm kỳ 2010-2015 sẽ rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành toàn thành phố cần nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt từng chỉ tiêu.

Điều đáng mừng là liên tục từ đầu năm 2013 tới nay, các cấp, ngành thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều phần việc, chương trình nhánh, đề án cụ thể hóa Chương trình số 03. Thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, UBND TP ban hành Chỉ thị 13 chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện 6 nhiệm vụ, duy trì họp giao ban hằng quý để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đầu tháng 5-2013, UBND TP đã ban hành Kế hoạch 77/KH-UBND nhằm phát triển dịch vụ trình độ, chất lượng cao trên 8 lĩnh vực gồm du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ, y tế, tài chính - ngân hàng, giáo dục và đào tạo, vận tải công cộng. Thành phố cũng đang hoàn thiện văn bản triển khai Luật Thủ đô nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ với những ưu đãi lớn như miễn thuế thu nhập DN 4 năm, ngân sách hỗ trợ toàn bộ thuế thu nhập năm thứ 5, giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; hỗ trợ đến 40% giá trị hợp đồng mua các bí quyết công nghệ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Tăng hàm lượng “chất xám” cho nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.