Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Quyết tâm dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

Lê Hương - An Trân| 05/01/2011 07:27

(HNM)- Với phương châm, xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, vừa bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Đảng bộ TP Hà Nội đặt ra quyết tâm lớn trong nhiệm kỳ 2010-2015 có 40% số xã đạt chuẩn NTM.


Chuẩn bị điều kiện và nguồn lực

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội có 62% dân số sinh sống ở khu vực ngoại thành. Vì vậy, thật dễ hiểu khi ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định, xây dựng NTM là một nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn 2010-2015, TP phấn đấu có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2020 là trên 70% và đến năm 2030 hoàn thành việc xây dựng NTM. TP đã quyết định dành 32 nghìn tỷ đồng cho chương trình, ngay trong năm 2011, sẽ có khoảng 3.000 tỷ đồng TP dành cho việc triển khai xây dựng NTM đồng loạt tại 401 xã bao gồm, hoàn thiện quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng một số hạ tầng cơ bản như đường giao thông, hệ thống điện, công trình văn hóa, y tế, giáo dục.


Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.   Ảnh: Bá Hoạt


Tại xã Hồng Dương, đơn vị làm điểm xây dựng NTM của huyện Thanh Oai, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Gia Sướng cho biết, từ tháng 5-2010, xây dựng NTM chính là chủ đề xuyên suốt các cuộc họp của Đảng ủy. Một ban chỉ đạo được thành lập, tổ chức nhiều đợt khảo sát, xây dựng đề án, phác thảo lộ trình và nguồn kinh phí hơn 230 tỷ đồng bảo đảm thực hiện 19 tiêu chí. Tuy nhiên, do công việc này hoàn toàn mới mẻ, xã Hồng Dương và nhiều xã khác rất bỡ ngỡ, đề án xây dựng xong thiếu tính khả thi, phải điều chỉnh.

Từ làm điểm tại xã Hồng Dương, Huyện ủy Thanh Oai đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm chỉ đạo các xã triển khai bài bản hơn. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phan Chu Đức cho biết, huyện đã tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm của xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Sau đó, Huyện ủy tổ chức một lớp tập huấn chuyên đề về NTM, đồng thời yêu cầu cấp ủy cơ sở phải đề cao trách nhiệm, phát huy nội lực là chính và sẽ xem xét trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, đề án của các xã đã xác định vai trò chủ lực của chính cán bộ và người dân địa phương, khắc phục được tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào huyện và TP.

Được huyện Sóc Sơn chọn làm điểm xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình Trần Văn Mùi chia sẻ, để có nguồn lực, xã kiến nghị với TP, huyện cho đấu giá các diện tích đất xen kẹt và huy động nguồn lực của nhân dân. Tiêu biểu như thôn Hương Đình Đoài, 210 hộ dân đã cam kết hiến đất mở rộng đường làng và mỗi hộ tự nguyện đóng góp 25 ngày công để xây dựng các hạng mục công trình.

Theo tính toán của Huyện ủy Thanh Trì, mỗi xã cần 150-200 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Bí thư Huyện ủy Triệu Đình Phúc cho biết, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của TP, các địa phương đã lên kế hoạch huy động tối đa nguồn vốn từ nhân dân (ngày công, hiện vật, tiền) và thực hiện phương châm để dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát. Mặt khác, huyện đang rà soát, lựa chọn các khu đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất. Hiện huyện có 16ha đất đã đầu tư hạ tầng đang tổ chức đấu giá tạo nguồn lực xây dựng NTM. Nếu được phép giữ lại toàn bộ 100% số tiền thu từ đấu giá QSD đất để đầu tư xây dựng NTM, cùng với việc tích cực huy động từ các nguồn lực khác, huyện sẽ bảo đảm hoàn thành 70% khối lượng của đề án và chỉ đề nghị TP cấp 30% (khoảng 800 tỷ đồng trong 5 năm tới).

Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn, cái khó nhất khi xây dựng NTM không chỉ là nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội mà làm sao trong vài năm có thể nhanh chóng giảm được tỷ lệ lao động nông nghiệp. Đơn cử như xã Đồng Tân (đơn vị làm điểm của huyện Ứng Hòa) hiện tại hầu hết lao động ở khu vực nông nghiệp, làm sao đến năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn 20%? Đây cũng là băn khoăn của xã Liên Mạc, huyện Mê Linh và nhiều xã khác trên địa bàn TP.

Trong 5 năm qua (2006-2010) TP đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đến năm 2010 số lao động đã qua đào tạo khoảng 630.000 người, đạt tỷ lệ 29% tổng số lao động. Cơ cấu lao động cũng chuyển biến tích cực theo cơ cấu kinh tế nông thôn với lao động nông nghiệp chiếm 52% trong tổng số lao động nông thôn (giảm 9% so với năm 2006).

Tuy vậy, theo Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Việt, để xây dựng NTM, Hà Nội phải cần sự nỗ lực rất lớn để giảm lao động nông nghiệp còn dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 45%. Toàn TP phải có quyết tâm chính trị cao và cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của tất cả các ngành, các cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Quyết tâm dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.