(HNM) - Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền tỉnh có hai chủ trương: bỏ tấm khố đàn ông - vì
Cồng chiêng, nét văn hóa đặc sắc của người Êđê và núi rừng Tây Nguyên. |
Điều thứ nhất cho thấy ngay là thích hợp, giờ người ta chuyển sang mặc quần cả, tấm khố từ sợi bông có tua, hoa văn "chỉ vận khi biểu diễn". Điều thứ hai, xét về mặt kinh tế nói chung có lợi. Gia đình trẻ khỏe tách ra không dựa dẫm, tha hồ trồng cây gì nuôi con gì tự ý, không phải hỏi ý người già. Cà phê, ca cao, cao su, trâu bò lợn sinh ra nhà gạch, xe máy, chiếc đầu máy để nghe cả nhạc sến lẫn "rốc Nguyễn Cường". Nhưng mặt khác, "tiêu, điều" (hồ tiêu, đào lộn hột) lên, lại làm tiêu điều nhiều giá trị văn hóa, đạo đức phải nghìn năm mới có được. Di sản độc đáo nhà dài "cưa" ra thành vài ngôi ngắn. Người mẹ già, vốn có vị trí rất cao trong tập mẫu hệ, phải khó khăn mới tập hợp được con cháu cùng công của để làm các nghi lễ. Trong từng gia đình nhỏ, uy quyền đàn bà cũng kém dần. Ché, gùi, cuốc xẻng, xà gạt, khung dệt, lợn gà trâu bò và đất đai chia ra được, nhưng ghế kpan, chiêng, voi thì không thể. Gia đình, cái thành tố bền chắc và thiêng liêng từ bao đời rời rã ra, ganh tỵ xuất hiện, như chị tách ra thì không được hưởng những thứ em gái út - sẽ ở lại cùng bố mẹ - được hưởng.
Dường như đã biết tiếc những giá trị bị mất, những năm gần đây, chính quyền hạn chế việc cắt ngắn nhà dài. Nhưng quá trình phân rã vẫn diễn ra trong cộng đồng vốn có tính gắn kết rất cao. Chẳng hạn việc vay vốn ngân hàng để làm ăn, khi bổ theo hộ nhỏ thì uy quyền của người đứng đầu hộ to bị ảnh hưởng, có khi mất đoàn kết. Tám kì lễ trong vòng đời người giảm đi, vì cha mẹ không đủ lực lo, người nhà khác, họ khác ít sang vui cùng, có nghĩa là keo sơn trong buôn kém hẳn. Điều này ít nhận thấy trong vùng gần thành phố nhưng ở nơi thật hẻo lánh, nó làm giảm sức đề kháng của con người trước bao mối nguy: sạt đất, thú dữ, mùa màng thất bát…
Thôn Kmrơng Prong (Rừng lớn) B của xã Ea Tu, cách trung tâm Buôn Ma Thuột hơn chục cây số, còn giữ được bến nước, cây thiêng, chứ chưa "trọc lóc" như buôn du lịch Akô Dhông. Vài ba phụ nữ xuống bến giặt, rồi gùi nước về nhà, nước đựng trong chai nhựa chứ không phải quả bầu khô. Nhà Y Jui Êban trước dài 74 mét, nhất buôn, nhưng "sau khi quy hoạch lại sau định canh định cư phải cắt đi một nửa, gỗ còn lại chỉ làm ván". Đã hơn trăm tuổi, di sản sống này qua ba lần sửa lớn, năm 1983 ngôi mái bằng tranh "bước" sang lợp tôn, kể thì nóng nhưng bền hơn. Bước lên bậc thang không chạm bầu vú, trăng non là tới gian gah có ghế kpan nguyên tấm vững chãi dài gần chục mét, bếp lửa, trống da trâu đực, trống da trâu cái, hàng ché cao tới ngực. Một gia đình lớn, sung túc, thời đông đúc nhất tới 40 người sum vầy. Sau khi tách ra, rồi lại sẻ cho con gái, giờ ông Y Jui Êban còn 1,2ha cà phê, năm vừa rồi thu 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí, chưa kể những bơ, xoài, sầu riêng, ca cao trồng xen và gà lợn tha thủi trong vườn.
- Bố tôi tên Y Wi Êban, mới mất lúc 86 tuổi, lo chuyện làm ăn, giao tiếp, còn mẹ quản lý chiêng ché, tài sản. Hồi trước làm thật nhiều lễ cúng, như vào vụ, đuổi thú, thổi tai cho con lúc ra đời, mừng thọ. Nay thì chỉ còn cúng bến nước vào tháng ba, xã và dân cùng góp. Thầy cúng cuối cùng đã chết, phải mời thầy bên Kô Tam sang.
Y Jui Êban vừa kể, vừa cho tôi xem bộ chiêng cổ bảy chiếc, nào chiêng ông, chiêng bà, nào chiêng con gái, con trai, cháu, cất rất kỹ. "Không trưng ra được, sợ mất hoặc họ cứ hỏi mua. Giờ chỉ đánh khi xã có hội, ngoài nhà cộng đồng xây bê tông".
- Tôi tưởng chiêng Êđê chỉ đánh trong nhà dài thôi chứ…
- Tôi theo Tin lành, bị cấm hút thuốc, uống rượu, cúng lễ, đánh chiêng, nên nhà dài này không nghe chiêng từ trước năm bảy nhăm rồi. Các nghi lễ nghĩ thì có nhớ nhưng trở lại tốn kém lắm, ché rượu cần trăm bạc rồi, trâu bò hay heo mời cả làng ba bốn ngày. Trồng lúa một vụ năm theo được, nhưng chăm cà phê phải tưới tắm bón phơi xay xát rất bận.
"Vậy là ngoài lý do thay đổi tập quán canh tác, công cụ lao động thì tôn giáo, tín ngưỡng cũng góp phần "thổi" bay văn hóa bản địa có bề dày cả nghìn năm. Oái oăm thật!". Tôi mang sự nuối tiếc ấy sang Kmrông Prông A bên cạnh. Thôn này cũng còn bến nước, cây thiêng nhưng gần đường nhựa, "hiện đại" hơn, có hàng quán bán kem, mì chính, cà phê. Già làng Y - Yơh Kbuôr, 71 tuổi, "tóm tắt": "Thôn này Tin lành, Công giáo, Phật giáo, đa thần bản địa có cả, trong nhà có khi mỗi người theo một đằng. Ngoài cúng bến nước không thể bỏ, các lễ khác giữ được nhiều hơn bên thôn B. Lễ tang không để chết quá 48 tiếng mới chôn nhưng không thể không ăn tại mồ được, người buôn xa mang túi gạo tới, mình phải mời rượu thịt chứ".
- Cồng chiêng có lạnh ngắt như bên thôn Tin lành không bác? - tôi hỏi.
- Bỏ thế nào được. Tôi vừa làm mừng thọ, tốn kém đấy nhưng vợ vui lắm, con ở xa cũng về. Làng bảo "Aê Huy (ông thằng Huy) chết cồng chiêng dám nghỉ quá". Tiếng chiêng báo người chết làm mình buồn, báo tin mừng mình cũng sang. Thanh niên nghe peng peng thấy vui, nhưng không biết ý nghĩa. Tôi còn là Chủ tịch Hội đồng Già làng xã Ea Tu, hằng năm tổ chức hội cồng chiêng cho cả sáu thôn.
- Ô, thế nay có luật pháp thì già làng còn uy quyền gì không ạ?
- Còn chớ. Chồng hay rượu, vợ đòi ly dị, tôi sang nói đánh vợ là xấu, bỏ nhau khổ con, họ nghe, làm cam kết trước mọi người, giờ đã êm ấm. Già làng mà có uy tín nói còn hiệu quả hơn cán bộ xã. Cán bộ hay nói trên luật pháp, mà đánh vợ nhiều lần nhưng chưa trọng thương thì chưa ra tòa được. Cho nên kết hợp phong tục, luật tục với luật pháp có cái hay, ngăn chặn được tội lớn khi nó còn nhỏ.
Những câu già Y - Yơh Kbuôr nói làm tôi nghĩ đến câu chuyện Bruno kể. Nhà anh bên nước Bỉ, hàng xóm có anh chồng vũ phu, một lần cô vợ la thét to, Bruno sang can thiệp bị cự nự là phải gọi điện trước, cho phép mới được vào nhà, nếu không sẽ là xâm phạm không gian riêng tư. Luật sư,
cảnh sát cũng xác nhận điều ấy, trừ phi chuyện đóng cửa bảo nhau đi đến mức quá thể đáng. Nước Bỉ của Bruno nói riêng, Âu Mỹ nói chung có nền pháp trị lâu đời, tinh vi, rất tôn trọng tự do cá nhân. Nhưng "mức" nào là quá đáng kể cũng khó xác định. Thành ra, luật tục Tây Nguyên, tính cộng đồng "nghĩ ngợi nói năng như nhau" trong nhiều trường hợp có tác dụng ngăn ngừa, bảo vệ đạo đức trong buôn làng rất lớn. Người Kinh ở đô thị nói riêng, nhân loại nói rộng ra, có nên học theo, áp dụng lấy không là một câu chuyện khác, vì không gian văn hóa, quan niệm đạo đức rất khác, nhưng không thể phủ nhận rằng luật tục, vai trò già làng ở Tây Nguyên duy trì một môi trường sống rất nhân văn. Động tý đã đưa nhau ra pháp đình, nặng nề thay!
Sự pha trộn
Một già làng Êđê khác, Y Kroa Ksor, 67 tuổi, lại cho biết thêm về sự "phối kết hợp" kiểu trên. Luật tục định: Anh chặt cây tre hay lấy gà, lợn dưới 50 cân của người khác phải một đền ba, gia đình đôi bên tới dự, có công an, trưởng thôn ký vào biên bản, xong uống rượu đoàn kết. Đây là phạm vi quyền hạn của già làng và cũng chỉ trong nội tộc Êđê với nhau. Nếu người Kinh, Tày, Nùng ăn cắp thì phải lên xã, phạt gấp rưỡi, thường là đưa tiền. Một anh ngụ cư kể người Êđê lạ lắm, có ba ngọn tre cụt mình chặt, nó giận, đòi chém, không cho đi qua đất, nhưng khi đem xị rượu, con gà bằng nắm tay đến lại cho không, chả bắt đền nữa. Nghĩa là trong cuộc chung sống, anh "mới" với anh "cũ" đụng nhau nhiều vấn đề về quan niệm đạo đức, giới luật, có thể xé ra rất to hoặc thu lại bằng không. Nó cho thấy sự chân phác, sòng phẳng, tử tế của người bản địa, lại cũng là chỗ dễ bị lợi dụng.
Buôn Jun của già Y Kroa Ksor thuộc xã Dliêya, huyện Krông Năng. Cách thành phố Buôn Ma Thuột 60 cây số, nghĩa là xa hơn Ea Tu rất nhiều, mà gương mặt buôn làng mang một vẻ trù mật, thịnh vượng hẳn. Buôn Ea Kanh bên cạnh chỉ còn cái tên Êđê, vì 96% dân là Tày, Nùng từ Cao Bằng vào, đa phần chiếm mặt lộ. Những ngôi nhà tầng điệu đà kiểu dáng. Những ngôi lúp xúp đơn giản. Nhưng đừng tưởng nhà nghèo, tiền gửi trong két bên anh em cả, con học Buôn Ma Thuột, trường quốc tế trong Sài Gòn, vài tháng đáp máy bay về thăm. Xe khách Cao Bằng 10 ngày 3 chuyến đi 3 chuyến về. Kinh - Thượng, anh nào cũng có đầu máy vừa chở hàng, xát cà phê vừa tưới tắm vườn đồi. Con phố gần ủy ban xã có chợ, hàng quán, chi chít hiệu sửa, bán máy móc sản xuất.
Tất cả đều từ cà phê mà ra. Những người Cao Bằng, Nghệ An vào, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Phú Yên lên sành sỏi, cơ chỉ, mạnh mẽ, có thể gọi là "công nhân nông nghiệp" được. Người Êđê chân phác cố nhiên không bằng, nhưng dù sao đời sống vật chất đã cao hơn trước rất nhiều. Học cách làm ăn của "người mới", di ra những khu định cư, cạnh nhà gạch, thể nào họ cũng làm ngôi nhà sàn có bếp lửa, gian gah bên cạnh, dù không gian truyền thống không được "chuẩn". "Chuẩn" thế nào được khi gỗ lạt ngày càng hiếm. Thời xã quy hoạch khu trung tâm có chợ búa, mặt đường, những "lô đất vàng" chả mấy người nhận. Không có tập quán thương nghiệp thì kém giàu, dĩ nhiên, nhưng sống theo tập tục vẫn thích và nó đã "ăn" vào đời sống đồng bào dân tộc, nhiều di sản cũng do đó mà giữ lại được.
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.