Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Những “cơn lốc” sân khấu cổ vũ đổi mới

Nguyễn Ngọc Tiến| 04/01/2011 07:02

(HNM) - Năm 1984, các đoàn kịch trong cả nước tất bật chuẩn bị cho Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985. Hội nghị Trung ương 6 (tháng 7-1984), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 12-1984) với những quan điểm mới về phát triển kinh tế như luồng gió mới, gây hưng phấn và giúp sân khấu tạo ra những"cơn lốc" lôi cuốn khán giả.

Một cảnh trong vở kịch “Tôi và chúng ta” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Hoàng Quân Tạo) do Đoàn kịch nói Hà Nội dựng.

Đã nói được những vấn đề... nổi gai ốc
Đoàn Kịch nói Hà Nội dựng vở “Tôi và chúng ta” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Hoàng Quân Tạo). Đây có lẽ là vở đầu tiên cho hàng loạt kịch bản cổ vũ cho công cuộc “đổi mới”. “Tôi và chúng ta” phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở Xí nghiệp Thắng Lợi, giữa hai lực lượng bảo thủ và đổi mới. Phía bảo thủ, đại diện là Phó Giám đốc Nguyễn Chính, Quản đốc phân xưởng Trương cùng sự hỗ trợ của Trần Khắc, đại diện Ban Thanh tra Bộ khư khư giữ lấy các nguyên tắc, quy chế cứng đờ, lạc hậu, kiên quyết không chấp nhận đổi mới. Phía đổi mới gồm Giám đốc Xí nghiệp Hoàng Việt, Thanh (Kíp trưởng phân xưởng 1), kỹ sư Lê Sơn cùng đa số anh chị em công nhân với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phá bỏ các quy định giáo điều, lạc hậu để xí nghiệp thoát khỏi trì trệ đi lên. “Tôi và chúng ta” khẳng định: Không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, không thể giữ mãi các nguyên tắc và phương pháp của thời cũ trước sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của xã hội. Lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam, nhân vật trong kịch là Ủy viên Trung ương giữ chức vụ Bộ trưởng. Vở diễn giành được Huy chương Vàng tại hội diễn, đó là phần thưởng xứng đáng nhưng xứng đáng hơn là vở diễn thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả Thủ đô, đặc biệt là giới trí thức. “Tôi và chúng ta” diễn ngày 3 suất ở Hà Nội ròng rã hàng tháng trời và khi vào TP Hồ Chí Minh, buổi diễn nào rạp cũng kín chỗ và người ta đã phải kê thêm ghế ở lối đi. Những lời khen ngợi trên báo và dư luận xã hội khiến Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đi xem.

Tháng 12-1984, Nhà hát Kịch trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) dựng “Nhân danh công lý” (tác giả Võ Khắc Nghiêm - Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Ông Doãn Hoàng Giang nhớ lại: “Khi đọc kịch bản của Võ Khắc Nghiêm, người tôi nổi gai ốc vì vấn đề không mới ngoài xã hội nhưng quá mới đối với sân khấu cho dù kịch bản chưa hoàn chỉnh”. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, kịch bản dám đưa chuyện con một cán bộ cao cấp trong ngành công an lộng hành, bất chấp pháp luật. Vở diễn đã đưa ra thông điệp: Tội ác phải bị trừng trị, dù người đó là ai. Nườm nượp người xếp hàng đi xem “Nhân danh công lý” và nhà hát diễn ngày 3 suất cũng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khán giả nên Ban Giám đốc quyết định dựng cho kíp diễn thứ 2. Hai đoàn thay nhau đi diễn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - đồng chí Phạm Hùng - đã đề nghị đạo diễn Doãn Hoàng Giang vào TP Hồ Chí Minh dựng cho Đoàn kịch kim Cương để khán giả thành phố đông dân nhất nước không phải chờ đợi đoàn diễn của Nhà hát Kịch.

Một vở khác cũng gây xôn xao dư luận là hài kịch trữ tình “Mùa hè ở biển” (tác giả Xuân Trình, đạo diễn Phạm Thị Thành, Đoàn kịch Hà Nam Ninh). Nhân vật chính là ông Đoàn Xoa, lạc hậu trong suy nghĩ dẫn tới những việc làm trái quy luật khách quan. Sự cổ hủ trong quan niệm của Đoàn Xoa đã làm cho vợ ông đau khổ và cô con gái 29 tuổi suýt ế chồng. Đoàn Xoa là hiện thân của không ít cán bộ ở nông thôn thời kỳ đó. Ngôn ngữ hài kịch nhưng sau lại gợi những suy nghĩ về thời cuộc với những gì họ phải nếm trải. Trong hội diễn 1985, không thể không nói đến vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” (tác giả Tào Mạt, Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần). Vở diễn tham dự hội diễn ở TP Vinh và dù Vinh không phải là đất chèo nhưng khán giả đã dỡ cả ngói ở rạp chui xuống xem. “Lý Nhân Tông kế nghiệp” không đơn thuần diễn tả một ông vua mới chớm tuổi thành niên đã phải vượt qua những thử thách, mà thử thách lớn nhất là sự phản nghịch ngay trong triều đình của những kẻ vừa là thầy vừa là cận thần của mình. Vở chèo cũng là lời cảnh tỉnh đối với một số cán bộ tha hóa biến chất.

Tiếp đó là vở diễn “Khoảnh khắc và vô tận”, được cho là tập II của “Tôi và chúng ta” (đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Đoàn kịch Hà Nội). Thu hút khán giả ở Hà Nội trong thời gian dài và đặt chân đến TP Hồ Chí Minh, đoàn đã được Phó Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Duy Liên tiếp đón ân cần. Sau 2 tháng chỉ diễn tại Hội trường Liên hiệp Công đoàn thành phố, ngày 12-4-1987, Đoàn kịch đã đón khán giả thứ 100.000. Ngoài ra còn rất nhiều vở diễn khác phản ánh các vấn đề bức thiết trong xã hội đều của Lưu Quang Vũ như: “Nếu anh không đốt lửa”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát kịch), “Lời thề thứ 9” (Kịch nói Quân đội và Nhà hát Tuổi trẻ), “Quyền được hạnh phúc” (Kịch Hà Nội), “Đợi đến mùa xuân” (tác giả Xuân Trình) do 6 đoàn cùng dựng...

Một cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” - tác giả Lưu Quang Vũ.

Những người cổ vũ “đổi mới”
Trong giai đoạn đó, sân khấu đi tiên phong trong các loại hình nghệ thuật cổ vũ cho “đổi mới”. Và người cổ vũ hăng hái nhất là tác giả Lưu Quang Vũ. Hội nghị Trung ương 8 (Khóa V) họp từ ngày 10 đến 17-6-1985 đã quyết định phải “đổi mới”. Cụ thể là xóa bỏ tình trạng quan liêu bao cấp, phát triển nền kinh tế theo thị trường hàng hóa là động lực cho Lưu Quang Vũ viết “Khoảnh khắc và vô tận”. Đoàn kịch Hà Nội dàn dựng kịch bản này và một lần nữa vở diễn lại gây dư luận ồn ã trong công chúng, nó đánh thức khát khao đổi mới của mọi tầng lớp trong xã hội mà trước đó ai cũng mong muốn nhưng chỉ dám phàn nàn, kêu ca hoặc phiếm chỉ, ám chỉ; không dám công khai. Tháng 12-1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra tại Hà Nội, Đại hội đã đề ra chủ trương “đổi mới”: Xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ chủ trương đến chính sách và từ chính sách đến cuộc sống là con đường gian nan, đầy rào cản. Chính những gian nan và rào cản lại là cảm hứng cách mạng để Lưu Quang Vũ cho ra đời hàng loạt kịch bản. Ông viết “Nếu anh không đốt lửa”, kịch bản này là câu chuyện về một thanh niên trước làm thủy thủ sau lên bờ làm công nhân ở một xí nghiệp đóng tàu. Sau một cuộc gặp bất ngờ với một cô gái có tính cách “nam nhiều hơn nữ”, anh nảy ra ý định ứng cử vào ban lãnh đạo đúng lúc nhà máy đang thực hiện bầu cử tự do để thay thế lãnh đạo cũ. Cuối cùng, anh được công nhân ủng hộ. Vở kịch khiến khán giả suy nghĩ về lựa chọn những người lãnh đạo quản lý, những người có tư tưởng đổi mới và vì tương lai của đất nước. Cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sỹ cả nước tháng 10-1987 với quan niệm cởi mở (người ta gọi là cuộc gặp “cởi trói” cho văn nghệ sỹ, trí thức) thúc đẩy Lưu Quang Vũ viết “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vào năm 1988. Khi “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” ra rạp, khán giả nô nức đi xem và trong giới hoạt động sân khấu chia thành hai phe. Phe ủng hộ trong đó có khán giả cho rằng đó là vở diễn hay, việc lấy cái nọ ghép vào cái kia một cách phi lý là trái quy luật tự nhiên sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực. Phe phản đối cho đó là vở diễn mang tính thương mại. Song mặc các ý kiến tranh luận trên báo, vở diễn vẫn thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trí thức. Ròng rã trong nhiều tháng liền, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đứng vững tại Nhà hát Lớn. “Đó là những tháng ngày không thể nào quên”, NSND Trọng Khôi, người đóng vai ông hàng thịt tâm sự. Cơn sốt kịch Lưu Quang Vũ từ Bắc vào Nam. Không chỉ kịch nói, người ta còn chuyển thể thành chèo, cải lương.

NSƯT Hoàng Quân Tạo nhớ lại: “Hôm duyệt “Tôi và chúng ta”, tôi vô cùng lo lắng, dù được Thành ủy Hà Nội ủng hộ nhưng vở diễn có thể bị dừng lại. Nhờ mối quan hệ sẵn có, tôi đã mời đồng chí Hoàng Tùng (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) đến xem. Đồng chí Hoàng Tùng lại mời đồng chí Tố Hữu (khi đó là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cùng dự. Đêm duyệt kết thúc, khi ban lãnh đạo đoàn tiễn các vị lãnh đạo cấp cao ra ô tô, đồng chí Tố Hữu nói: “Vở diễn nói chung tốt”. Nhận xét của đồng chí Tố Hữu như một quyết định không chữ ký, cho phép đoàn được diễn cho công chúng. “Lời thề thứ 9” của Kịch nói Quân đội (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Xuân Huyền) cũng may mắn gặp được các vị lãnh đạo có tâm và trách nhiệm trước Đảng, trước dân, từ đồng chí Lê Khả Phiêu (khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sau này là Tổng Bí thư) đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Thượng tướng Nguyễn Quyết. Xem xong vở diễn, đồng chí Nguyễn Quyết đã chỉ thị cho đoàn đi diễn phục vụ bộ đội. Và trong một thời gian ngắn, Kịch nói Quân đội đã diễn 300 đêm, một kỷ lục chưa từng có của đoàn kịch này.

Những câu chuyện trên chỉ là vài chi tiết trong nhiều chuyện về các vị lãnh đạo đã có những quyết định đúng đắn, kịp thời với những vở kịch cổ vũ cho đổi mới. Bây giờ kể lại nghe thấy bình thường, song trong thời gian trước Đại hội Đảng VI và cả sau đại hội, chuyện không đơn giản chút nào.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Những “cơn lốc” sân khấu cổ vũ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.