Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nhớ những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn

Minh Luân| 30/04/2013 10:35

Trong cuốn nhật ký được ghi chép cẩn thận từ ngày 25-5-1975 đến ngày 30-4-1980, nhà báo Trần Thanh Phương đã dành phần lớn thời gian thuật lại những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn.


Trong cuốn nhật ký được ghi chép cẩn thận từ ngày 25-5-1975 đến ngày 30-4-1980, nhà báo Trần Thanh Phương đã dành phần lớn thời gian thuật lại những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn. Đó là những tháng ngày đặc biệt và ông tự hứa với lòng mình sẽ ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe và xúc động nhất. "Những ngày ấy, gặp ai tôi cũng muốn chào, muốn nói một câu gì đó. Dường như bất cứ thứ gì từ xa lạ, lần đầu gặp, tôi cũng đều cảm nhận một cảm giác thân quen đến khó tả".

Nhà báo Trần Thanh Phương bên tủ sách quý về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.



Ông Phương nhớ như in hình ảnh một em nữ sinh khoảng 16, 17 tuổi tự nguyện mang băng đỏ, đứng giữa ngã tư đường phố để giữ trật tự giao thông ngày 25-5-1975, khi ông cùng đồng đội tiến vào tiếp quản Sài Gòn. Cũng có thể là một người ăn xin, một trẻ bụi đời, một người mang bệnh cùi nằm trước cửa chợ, một nhóm thanh niên đang ngồi chích xì ke ở bến Bạch Đằng... Ông bảo, vào lúc ấy, chỉ cần bước ra đường phố là bất cứ ai cũng có thể thấy ngay bao cảnh như vậy. "Tôi nhớ khi Sài Gòn vừa được giải phóng, nhiều người vừa sợ vừa cảm tình, vừa gần gũi, nhưng cũng lại vừa xa lạ. Người ta gọi anh em cán bộ, bộ đội bằng "ngài", bằng "ông", bằng "bà". Cá biệt có người còn nói "phía bên này", "phía bên kia". Có người còn nói "ngoài họ" (ý chỉ miền Bắc), "trong mình" (miền Nam)... Thật ra, vì quá ngỡ ngàng trước một chiến thắng lớn, những từ ngữ quen thuộc, bình thường trước đây ít ai kịp sửa. Người ta trao đổi với nhau một cách quen miệng như thế".

Đối với những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó trở lại tiếp quản Sài Gòn, nhà báo Trần Thanh Phương nhắc lại từng cái tên, từng kỷ niệm chi tiết trong nhật ký của mình. Trong đoạn trích đề ngày 26-5-1975, ông chép lại câu chuyện của Nguyễn Thanh Dũng, nguyên cán bộ quân đội xuất ngũ trở về Sài Gòn, nơi có cha mẹ, các em và bà con thân tộc của anh, nhưng chiến tranh đã thay đổi tất cả. "Về đến Đa Kao (phường Đa Kao, quận 1 ngày nay - PV), nơi Dũng chào đời, thì ngôi nhà xưa của anh không còn nữa. Mảnh đất ấy giờ là một tòa nhà cao tầng. Những cánh cửa sắt từ lầu một đến lầu ba khóa chặt lại. Hỏi những người xung quanh thì được biết, toàn bộ gia đình anh đã di tản ra nước ngoài ngày 30-4-1975. Dũng như một cái cây bị tróc gốc".

Trong mấy buổi sáng liền, đến tận ngày 22-7-1975, ngay trước Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay), nhà báo Trần Thanh Phương chứng kiến cảnh một bà lão hết đứng nhìn các chiến sĩ làm công tác bảo vệ, lại nhìn vào khoảng trống trước dinh, nước mắt ràn rụa. Nhiều người qua đường không ai hiểu sự tình ra sao. Khi các anh bộ đội hỏi tại sao bà buồn, bà mới nói: "Đến đây thấy các con mà má khóc. Má có bốn người con, ba trai một gái đều đã hy sinh cho cách mạng. Chồng má cũng thoát ly kháng chiến, bị bắt và chết trong tù. Bây giờ đất nước hòa bình, độc lập, được gặp lại bộ đội, nhìn Sài Gòn giải phóng, má nhớ các con má quá!... Các con hãy để cho má khóc một chút". Nghe bà lão nói, hầu hết các chiến sĩ đều đứng lặng, không ai nỡ hỏi người mẹ anh hùng ấy thêm câu nào nữa, kể cả tên, tuổi, quê quán của bà.

Tình quân dân

Trong lần ngồi tại một quán kem ở đường Công Lý nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đầu tháng 6 năm 1975, nhà báo Trần Thanh Phương nghe được cuộc trò chuyện giữa ba cô gái Sài Gòn vừa ăn kem vừa nhận xét về các anh bộ đội giải phóng. Cô thứ nhất ấn tượng hôm cách mạng vào giải phóng thành phố: "Tao cứ ngây người ra mà nghĩ bụng: Việt cộng là như vậy đó sao? Coi hiền khô hà! Mà lại đẹp trai nữa, còn nhỏ xíu, tuổi như tuổi ba đứa mình vầy nè, mà sao đánh giặc giỏi quá. Nghe rậm rịch có mấy bữa, thế mà đánh tuốt vô Sài Gòn luôn! Chẳng ai ngờ được, thiệt tài ghê!". Còn cô thứ hai thì nhắc lại chuyện bộ đội tiến vào Sài Gòn với quần áo ướt nhẹp và còn phải mang theo nào là gạo, xoong chảo… "Đi tiếp quản thành phố mà còn phải chở gạo theo ăn! Má tao thương mấy ảnh chỗ này nhiều nhất". Riêng cô thứ ba tiếp lời hai bạn mình: "Quân quốc gia bảo bà con nên tìm cách rời khỏi Sài Gòn. Ai ở lại sẽ bị Việt cộng giết. Nhưng đi đâu bây giờ, tiền thuê xe cho một gia đình mất cả trăm ngàn đồng. Thế là gia đình tao ở lại. Má tao giấu mấy đứa nhỏ dưới hầm trước nhà và dặn chúng nó không được kêu la gì hết. Bộ đội hành quân ngang qua, mấy đứa nhỏ nín thở ngồi im. Tự dưng thằng em út tao khóc ré lên. Thế là bị lộ. Cả nhà bò ra khỏi hầm, không dám nhìn ai hết. Bỗng một anh bộ đội bật khóc, rồi dắt mẹ và mấy đứa em tao đứng dậy". Khi tình cờ nghe được câu chuyện thú vị giữa ba cô gái, trước khi rời khỏi quán, nhà báo Trần Thanh Phương còn nghe tiếng ba cô gái cười rúc rích, mà ông miêu tả lại: "Họ cười thật hồn nhiên. Rất tiếc là mấy cái loa trong nhà hàng phát nhạc to quá, tôi không nghe trọn hết câu chuyện hấp dẫn của ba cô gái xinh đẹp kia. Đó là ngày 19-6-1975".

Rong ruổi trên những đường phố Sài Gòn sau giải phóng, đến đâu người phóng viên trẻ cũng bắt gặp những cử chỉ, hành động quý mến của người dân Sài Gòn dành cho những anh bộ đội Cụ Hồ. Cho đến tận hôm nay, trong ký ức của ông Phương vẫn còn như in câu chuyện về bà chủ cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn. Một phụ nữ ngoài 40 tuổi, không giấu giếm, đã kể lại vào giai đoạn Mậu Thân năm 1968, gia đình bà đã nuôi cán bộ cao cấp của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam một thời gian… "Mấy phen vợ chồng tôi sắp bị lính chính quyền Sài Gòn hốt vô Chí Hòa vì tội chứa cộng sản đó. Phải tốn cả mấy trăm ngàn mới thoát được", bà chủ cửa hàng vải nói. Ông Phương bảo, vào thời gian ấy, câu chuyện của bà chủ cửa hàng vải không biết có chính xác không, nhưng đã làm ông rất xúc động.

Thêm một câu chuyện khác mà nhà báo Trần Thanh Phương chép lại trong nhật ký vào ngày 18-8-1975 cũng khiến chúng tôi hết sức xúc động. Một họa sĩ tên Hà Trung đến cơ quan văn hóa thành phố tha thiết xin được vẽ không lấy tiền chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và những khẩu hiệu, áp phích nhân dịp lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ông Phương còn nhớ rõ lời đề nghị của người họa sĩ này: "Lần đầu tiên Sài Gòn ăn một cái Tết Độc lập trong đất nước độc lập, tôi muốn đóng góp sức mình trong ngày vui ấy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nhớ những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.