(HNM) - Tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến, cụ về hưu với cuộc sống thanh bạch của một nhà chí sĩ. Sinh thời, người trí thức được xếp vào bậc
Dẫu hoạn lộ thăng trầm cụ không một lời than phiền hay oán trách, cụ vẫn ung dung, điềm đạm tiếp tục sống và nghiên cứu. Đầu năm 2011, cụ đã ung dung về với tổ tiên khi tròn trăm tuổi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tặng hoa GS Vũ Đình Hòe trong sinh nhật tròn 100 tuổi của ông (9-2010). Ảnh: Minh Quyên |
Những quyết định tạo nền móng cho giáo dục Việt Nam
Cụ Vũ Đình Hòe, một người Hà Nội khả kính, người đại diện của quốc dân được đồng bào Thủ đô “chọn mặt gửi vàng” bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên ngày 6-1-1946. Cụ Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1912 trong một gia đình nhà Nho tại làng Hoa Đường (nay là làng Lương Ngọc), xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Gia đình cụ là dòng dõi nối đời làm nghề thầy, mà cụ là nhà giáo thế hệ thứ bảy.
Có lẽ với mười lăm năm dạy học, thêm vai trò Chủ nhiệm Báo Thanh Nghị và Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc kỳ, nên ngay sau Cách mạng tháng Tám, khi về đến Hà Nội, Bác Hồ đã mời cụ Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy chỉ có sáu tháng ở cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, cụ Vũ Đình Hòe đã làm được nhiều việc quan trọng, đáng kể là ba chủ trương mang tính “tạo nền” cho giáo dục cách mạng Việt Nam: Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học. Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. “Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp trước đây bằng nền giáo dục mới theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học” (Vũ Đình Hòe: Hồi kí - NXB Hội Nhà văn 2004, tr.738).
Sang năm 1946, tình thế cách mạng trong nước có nhiều biến động. Thực dân Pháp sau khi gây hấn ở miền Nam đang đánh dần ra miền Bắc, quân đội Tưởng Giới Thạch sách nhiễu, phản động Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội quấy rối. Với chủ trương liên hiệp các đảng phái cùng phụng sự Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhượng bộ cho Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội mà đứng đầu là Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh 70 ghế trong Quốc hội không phải qua bầu cử, đồng thời cho họ giữ 7 ghế bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và giao cho cụ Vũ Đình Hòe đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay cho luật sư Vũ Trọng Khánh (2-3-1946).
Lời tuyên thệ của vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Ngày 30-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đến dự buổi lễ tuyên thệ của những thẩm phán đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân. Tại buổi lễ, đã có 38 thẩm phán được Hội đồng tuyển lựa đề nghị. Bộ Tư pháp duyệt y, hai ông Chánh nhất (Nguyễn Huy Mẫn) và Chưởng lý (Vũ Trọng Khánh) của Tòa Thượng thẩm được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm, tuyên thệ (Vũ Đình Hòe: Hồi kí - NXB Hội Nhà văn 2004, tr.745).
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Ðình Hòe tuyên bố nhận lời tuyên thệ thiêng liêng trước Tổ quốc của những thẩm phán mới được bổ nhiệm: “Tôi thề sẽ trung thành với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tôi thề sẽ mang hết sức và công tâm ra phụng sự chức vụ của tôi, sẽ giữ khẩn mật những cuộc thẩm nghị và luôn luôn cư xử cho xứng đáng là một vị thẩm phán cương trực và đủ tư cách”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn dò 40 thẩm phán vừa tuyên thệ là thẩm phán của dân, xử án vì dân. Hãy luôn luôn làm đúng những khẩu hiệu mà tự mình đã viết: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”...
Từ lớp thẩm phán đầu tiên ấy, Bộ Tư pháp, với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác tư pháp, đã không ngừng đóng góp tâm sức, lực lượng vì sự nghiệp xây dựng nền pháp luật và tư pháp nhân dân, tập hợp những luật gia, luật sư yêu nước dưới ngọn cờ pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nguyện tận tụy phấn đấu theo tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư vì công lý, công bằng cho mọi người dân trong một nhà nước độc lập, dân chủ”.
Có lẽ những lời nhận xét sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự đánh giá cao nhất công lao suốt 15 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ năm 1946 đến khi Bộ được giải thể vào năm 1960) của cụ Vũ Đình Hòe: “Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ bộ trưởng, thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ chịu khó tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Ðó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta”.
Quốc hội và Hiến pháp 1946
Một sự kiện trọng đại của Việt Nam năm 1946 là bản Hiến pháp đã được nhà trí thức Đỗ Đức Dục - Thuyết trình viên Hiến pháp 1946 - gọi là “tinh thần lãng mạn cách mạng, cái khí thế của nhân dân ta, của dân tộc ta lúc đó như chim đại bàng vừa thoát xiềng vỗ những sải cánh đầu tiên chuẩn bị vượt nghìn trùng gió bão để bay tới những chân trời xán lạn của mai sau”. Nhưng để đi đến sự nhất trí của Quốc hội vào ngày 8-11-1946 đã trải qua những cuộc thảo luận sôi nổi, thậm chí không kém phần gay cấn. Nếu như ngày 2-11-1946, Quốc hội đã thông qua tám điều thì chiều ngày 3-11-1946 Quốc hội thông qua điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Lập tức các ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội như Lê Văn Hòe, Lê Huy Vân, Khuất Duy Tiến, Trần Kim Xuyến và ba đại biểu nữ trong đó có Giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên là Hiệu trưởng Trường nữ học Trưng Vương phát biểu ráo riết...
Sau khi điều 9 được thông qua, Quốc hội lại thảo luận về điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều này cũng gây ra cuộc bàn cãi giữa các vị đại biểu, tuy không quá sôi nổi như vấn đề phụ nữ nhưng cũng không kém gắt gao. Mới 22 tuổi, là đại biểu trẻ nhất trong Quốc hội, ông Nguyễn Đình Thi đứng lên: “Cái thời kì cá nhân là một cái gì tối cao, cả xã hội phải phụng sự cá nhân không thể tồn tại được. Bây giờ cá nhân chỉ là một bộ phận xã hội, cá nhân có nhiệm vụ xã hội. Tự do riêng bây giờ chỉ có thể có trong tự do chung”. Còn nhiều vị đại biểu khác cũng phát biểu ý kiến… Sau đó, cuộc tranh luận tạm dừng để các đại biểu sửa soạn đón Chính phủ mới. Cuối cùng, khi công bố Hiến pháp năm 1946, điều thứ 10 đã được thông qua với nội dung như sau: “Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận - Tự do xuất bản - Tự do tổ chức và hội họp - Tự do tín ngưỡng - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên, rồi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đến cuối đời, cụ Vũ Đình Hòe vẫn đau đáu nỗi niềm với Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Mười ngày trước khi về cõi vĩnh hằng, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thế Giới Mới về những ước nguyện đầu xuân về giáo dục, cụ vẫn rất minh tuệ: “Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu xuân về giáo dục. Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi. Một mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ cộng hòa đầy khó khăn gian khổ, đó là: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hòa tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau”.
Giáp Tết Nguyên đán Tân Mão, cụ Vũ Đình Hòe, người thầy của nhiều nhà trí thức, nhiều chiến sĩ cách mạng đã ung dung về nơi tiên cảnh, hưởng thọ bách niên. Dẫu rằng cụ đã đến tuổi đại thọ nhiều người mơ ước, nhưng sự ra đi của cụ đã khiến bao người hụt hẫng.
Tôi xin phép được mượn một đoạn trong bài Nghĩ về một “Thế hệ vàng” của nhà sử học Dương Trung Quốc để thay cho lời kết bài này: “Nếu có một “thế giới bên kia”, thì tôi tin chắc rằng một trong những người mà cụ Hòe mong sớm gặp nhất chỉ sau ông bà, tổ tiên, chính là Cụ Hồ. Đó chính là người đã giương ngọn cờ “Đại Nghĩa” tập hợp được “Thế hệ vàng” tụ nghĩa để làm nên một giai đoạn lịch sử huy hoàng khó có thể lặp lại của dân tộc ta”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.