Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Ngày ấy bên những bờ sông ở Hải Phòng

Nguyễn Ngọc Tiến| 29/08/2011 06:28

(HNM) - Sau 6 ngày đêm lênh đênh trên biển, ngày 16-10-1962, Phương Đông I đã cập bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau an toàn cùng với số vũ khí. Hỏi chuyện những con người quả cảm đi trên những chuyến tàu chở vũ khí vào Nam năm xưa, các ông cũng chỉ biết tàu do những người thợ Hải Phòng đóng nhưng không biết nhà máy nào...

Từ tàu gỗ mang tên Phương Đông

Một ngày đầu năm 1962, lãnh đạo Xưởng đóng tàu I, được giao nhiệm vụ đóng 4 con tàu đánh cá vỏ gỗ cỡ nhỏ. Tàu không dùng động cơ sản xuất ở Liên Xô như các tàu thông thường mà sử dụng động cơ Grey Marin 220 sức ngựa của Mỹ và động cơ Suda của Tiệp Khắc vì Suda có hình dáng khá giống với Grey Marin. Đã thế, tàu lại được đóng theo kiểu tàu đánh cá của ngư dân miền Nam đang sử dụng. Yêu cầu của lãnh đạo ngành giao thông vận tải là phải bảo đảm về thời gian, chất lượng và đặc biệt là tuyệt đối giữ bí mật. Xưởng đóng tàu I có từ thời Pháp với cái tên là Lục Lộ thủy, chuyên sửa chữa các loại tàu thủy, ca nô xà lan, ô tô, cần cẩu. Năm 1955, sau khi tiếp quản Lục Lộ thủy, ngành giao thông đã đổi tên thành Ty Xưởng máy và sau đó là Xưởng đóng tàu I trực tiếp do Bộ Giao thông - Bưu điện quản lý. Số cán bộ công nhân của xưởng có lúc lên tới 700 người, nhưng hầu hết cán bộ, công nhân đều ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Và cán bộ công nhân tham gia đóng 4 con tàu gỗ phần lớn là đảng viên.

Tàu vận tải của Lữ đoàn 125 nhận hàng tại bến Đá Bạc - Hải Phòng vận chuyển vào chiến trường miền Nam, năm 1966. Ảnh tư liệu

Ngày ấy, đế quốc Mỹ chưa đánh bom miền Bắc nên xưởng làm 3 ca liên tục. Nhân viên bếp ăn tập thể gánh cơm canh ra tận nơi. Công nhân làm ca 2, ca 3 được bồi dưỡng thêm cốc sữa. Ai mệt, lãnh đạo nhà máy lập tức lệnh cho y tế cơ quan tiếp nước để phục hồi sức khỏe. Dù không biết nhưng con tàu họ đang đóng dùng vào nhiệm vụ gì nhưng ai cũng có linh cảm đó là việc quan trọng. Tan ca, họ lại nhập vào màu áo thợ trên phố và tuyệt nhiên không hé lộ bất cứ điều gì ngay cả với người thân. Tháng 8-1962, công việc đóng 4 chiếc tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và được bàn giao cho Đoàn 759 (sau là Lữ đoàn 125).

Cho đến hôm nay, sau 50 năm, ông Ngô Văn Tân, thủy thủ tàu Cà Mau vẫn chưa quên được cảm giác khi ông cùng đồng đội bước chân lên tàu Phương Đông I, chuyến tàu không số đầu tiên vận chuyển 33 tấn vũ khí vào Nam. Đó là cảm giác lo âu, trách nhiệm, nhưng phải giấu kín trong lòng. Tối ngày 11-10-1962, các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà trong Quân ủy Trung ương tới tận bến chia tay những con người dũng cảm chấp nhận hiểm nguy mà không được phép khen ngợi công khai. Đồng chí Bông Văn Dĩa, Bí thư chi bộ, thay mặt anh em đọc lời tuyên thệ trước giờ xuất phát. Gần tối, tàu bắt đầu rời Đồ Sơn, bóng đêm trùm kín cả những con sóng dữ dội, cao ngất. Ông Tân kể: " Sau khi vật lộn với 2 cơn bão lớn cấp 8 và cấp 10, tàu của chúng tôi bị hỏng chân vịt, thuyền trưởng Lê Văn Một ra lệnh thả trôi. Lương thực và nước ngọt đã cạn, anh em phải uống cả nước tiểu của chính mình để giảm cơn khát. Tàu bị trôi dạt một ngày một đêm, xa xa đã thấy tàu chiến của địch. Anh em được lệnh chuẩn bị tinh thần vì có thể hy sinh. Đúng lúc nguy nan đó, đồng chí thợ máy Năm Sao nảy ra sáng kiến đục một lỗ giữa chân vịt để tránh nước vào. Lạ thay, chân vịt lại quay. Tất cả chúng tôi ôm nhau mừng rơi nước mắt".

Ngày con tàu Phương Đông I vào đến Cà Mau an toàn thì cũng là ngày tại Đồ Sơn, tàu Phương Đông II được lệnh xuất bến, mấy ngày sau tàu tới được Cà Mau giữa ban ngày cùng với số vũ khí. Tiếp theo là chuyến thứ 3 khởi hành ngày 14-11-1962 và chuyến thứ tư khởi hành ngày 14-12-1962. Cả 4 chuyến tàu vỏ gỗ "không số" đều vào tới Cà Mau và chuyển được hơn 100 tấn vũ khí cho chiến trường Khu IX... Xưởng đóng tàu I bây giờ thuộc Công ty Đóng tàu thuyền Hạ Long. Vẫn ở vị trí cũ bên bờ sông Cấm như ngày nào nhưng khung cảnh đã khác xưa. Nhà xưởng mọc lên nhiều hơn, máy móc thiết bị một thời đóng những con tàu lịch sử không còn...

Đến đóng tàu sắt

Đường vào Nhà máy Đóng tàu Tam Bạc phải qua nhiều con phố hẹp, hai bên nhà cao tầng san sát. Nhà máy ngày nào tấp nập giờ không có tiếng ồn của máy dập vỏ tàu, tiếng xì xì của máy cắt tấm tôn dày cộp, không có ánh lửa hàn chói mắt, tất cả im lặng. Vẫn là con sông Tam Bạc như xưa, nước đục ngầu và lặng sóng, chẳng còn gì của một thời...

Di tích lịch sử điểm xuất phát của những chuyến tàu không số tại Hải Phòng.

Những chuyến tàu vỏ gỗ không số bí mật vận chuyển trót lọt nhiều chuyến vũ khí vào Cà Mau đã khẳng định chủ trương mở tuyến vận tải bí mật trên biển của Đảng là đúng đắn. Để tăng năng lực vận chuyển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, Quân ủy Trung ương quyết định trang bị tàu vỏ sắt cho Đoàn 759. Và nhiệm vụ đóng tàu vỏ sắt được giao cho Xưởng đóng tàu III. Trước 1954, xưởng có tên là Công ty Sà lan và kéo Đông Dương gọi tắt là Sa-rích. Sau ngày ta tiếp quản Hải Phòng năm 1955, Sa-rích đổi thành Xưởng đóng tàu III và phần lớn là cán bộ chiến sĩ quân giới chuyển ngành hầu hết quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ông Lê Đăng Ninh sinh năm 1941, hiện sống tại khu tập thể Nhà máy Đóng tàu Tam Bạc kể: "16 tuổi tôi đã theo cha làm nghề đóng tàu, 21 tuổi đi bộ đội và xuất ngũ năm 1963. Vì từng đóng tàu nên tôi chuyển ngành về Xưởng III. Một hôm, cán bộ phòng tổ chức cho gọi tôi lên giao nhiệm vụ lắp toàn bộ các loại ống trên con tàu vỏ sắt mà xưởng đang đóng. Tôi không biết tàu này đóng cho đơn vị nào, dân sự hay quân sự nhưng tôi mang máng đó là một con tàu quan trọng vì trước khi vào khu vực sản xuất, bảo vệ kiểm tra rất nghiêm ngặt". Nhưng điều làm ông Ninh ngạc nhiên là chỉ có hai người miền Bắc tham gia đóng con tàu này, còn lại là công nhân quê Quảng Nam, Quảng Ngãi. "Chúng tôi làm 3 ca, thậm chí xưởng còn cho để nhà vệ sinh lưu động ngay nơi sản xuất". Tàu lắp máy của Nga ký hiệu BAD 6 và chiếc kia là BAD 12. Khoang chở hàng có đáy và có thể chở được 150 tấn. Song có điểm khác biệt là khoang chở hàng có cửa mở dưới đáy tàu. "Sau này tôi mới biết có cửa dưới đáy tàu là để khi có chuyện xảy ra sẽ mở cửa cho vũ khí sẽ rơi xuống biển đồng thời qua cửa đáy nước ùa vào làm tàu chìm nhanh hơn", ông Ninh cho biết. Cũng theo ông Ninh, hai bên mạn tàu có hai ống sắt và sau này ông mới hiểu đó là ống đựng thuốc nổ để phá tàu xóa dấu vết khi cần thiết. Lần đầu tiên, công nghệ hàn vỏ thay cho công nghệ tán ri-vê được thực hiện để tiến độ nhanh hơn đồng thời kéo dài tuổi thọ cho tàu. Tàu đóng xong được đưa ra thử tải ở Bạch Long Vĩ và qua mấy ngày kiểm tra, nhà máy đã giao tàu ở khu vực Hòn Dáu. Ngày 17-3-1963, chiếc tàu sắt tốc độ 9,5 hải lý/giờ, dài 30 mét, rộng 5,8 mét chiều cao mạn 2,9 mét chở theo 44 tấn vũ khí đã rời Đồ Sơn vào Trà Vinh, chuyến đi an toàn và cập bến ngày 23-3-1963. Sau đó, 5 tàu vỏ sắt do Xưởng đóng tàu III đóng lần lượt hạ thủy và tiếp tục lên đường. Chỉ trong vòng một năm, Đoàn 759 đã chạy 23 chuyến vào Nam bộ, chở được 1.318 tấn vũ khí cho chiến trường.

Lớp cán bộ, công nhân đóng những con tàu lịch sử ngày ấy đã nghỉ hưu từ lâu và rất nhiều người trong số họ đã không còn. Một vài người mà chúng tôi may mắn gặp được đều cho rằng đó là việc làm bình thường khi Tổ quốc có chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Ngày ấy bên những bờ sông ở Hải Phòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.