(HNM) - Hệ giá trị được rèn giũa bao năm qua nay phải đối mặt với luồng gió mới ầm ào thổi từ bên ngoài, sự vận động nội tại có xu hướng dịch chuyển về phía mà người ta gọi là
Những dịch chuyển đáng lo ngại
Giới trẻ Hà Nội bây giờ có lối sống hiện đại hơn cha anh nhiều lắm. Sự tiện nghi, phương tiện tiếp nhận thông tin thời thượng đã hình thành nên một trào lưu tiêu dùng văn hóa mới. Người ta sống nhanh hơn, thoáng hơn, như thể không đủ thời gian cho những gì quá sâu sắc. Những rock, rap, live show, chương trình tạp kỹ ở dạng chuẩn thế giới hay biến thể "theo kiểu Việt Nam" được số hóa, theo sóng truyền hình ùa vào mỗi nhà, trở thành "món ăn nhanh" phổ biến. Nhiều "con nhà có điều kiện" năng lui tới những tụ điểm giải trí "nặng về nhìn, nhẹ về nghe", nơi mà mức độ tiêu tiền được cho là quyết định đẳng cấp. Họ học rất nhanh lối "thực hành nghệ thuật" nửa vời của những "ngôi sao trẻ" phần nhiều được biết tới sau khi dồn tiền ra cho được album và cậy nhờ truyền thông "cho lên báo".
Chương trình hòa nhạc “luala concert” thu hút được đông đảo khán giả.
Những bài học từ thần tượng giờ mang tính hai mặt rất rõ, có cả sự tích cực từ những người làm nghệ thuật nghiêm túc lẫn cách ứng xử bon chen, bất kể cách thức tốt - xấu để được nhiều người biết tới. Hà Nội là nơi gặp gỡ của nhiều xu hướng nghệ thuật, từ cao cấp đến bình dân, cả nghiêm túc và chớt nhả. Thủ đô không chỉ là đất diễn của những người thực tài thường muốn làm những chương trình nghệ thuật đích thực vì "không muốn hổ thẹn", như ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, như đội ngũ nghệ sĩ của các nhà hát kịch nói, chèo, múa rối… có bề dày truyền thống, mà còn là nơi tung hoành của nhiều "sao thị trường" khác. Trong "thế giới phẳng", chốc lát lại rộ chuyện ca sĩ này chê ca sĩ kia trình độ kém, đi lên bằng cách bám đại gia. Thi thoảng lại có người mẫu "tố" đồng nghiệp khác. Lối ứng xử thực dụng có thể dẫn người ta đến những hành động kỳ quặc. Cô người mẫu Hà thành từng bỏ sân khấu trong một cuộc thi khi biết mình không được lọt vào vòng trong, vài hôm sau lên tiếng chê bai giám khảo "này nọ". Trọng Tấn, Anh Thơ bỏ dở chuyến lưu diễn tại Lào... Những điều ấy cho thấy một bước lùi trong văn hóa ứng xử với nghệ thuật, đến mức mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn phải thốt lên "chẳng nhẽ văn nghệ sĩ chúng tôi lại bê bối thế sao, chẳng nhẽ showbiz Việt chỉ toàn hở hang, lộ hàng, cãi vã, thậm chí là bán dâm thế sao?".
Thế giới giải trí đang dịch chuyển, nét tích cực xen lẫn vấn đề gây nghi ngại. Những "fan cuồng" trở thành đề tài nóng hổi trong trường học, nơi công sở và làm điên đầu nhiều gia đình. Những hành động khóc lóc vật vã, chen lấn đến ngất xỉu để có được tấm vé vào xem thần tượng biểu diễn, thậm chí là nhiếc móc mẹ cha vì bị cấm đoán. Thói quen bày tỏ sự hưởng ứng thái quá nhiều khi đáng xấu hổ, thể hiện sự thiếu hiểu biết. Ta có nao lòng khi buổi hòa nhạc hồi tháng 7 vừa rồi của Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker tại Hà Nội xuất hiện tiếng vỗ tay, tiếng huýt gió, tiếng hú hét lúc cao trào? Ta nghĩ sao khi nhận ra lúc ấy chỉ huy dàn nhạc và các nghệ sĩ ngỡ ngàng xen bối rối? Ta có nghĩ NSND Đặng Thái Sơn quá ngoại giao khi chia sẻ "ở Hà Nội tôi mới biết rằng im lặng đúng là vàng"? Sự thể đến mức nào mà nhạc sĩ Trần Tiến "không dám đọc báo, không muốn lên mạng"?
Niềm tin vẫn còn
Nhưng giữa những bồn chồn, nghi ngại vẫn còn có niềm tin.
Hà Nội vẫn có nhiều khán giả tuyệt vời, vẫn có những người âm thầm hướng đến nghệ thuật đích thực, vì nghệ thuật không vụ lợi. Hà Nội thanh lịch ngày càng có nhiều chương trình thính phòng, giao hưởng. VietnamNet góp "Điều còn mãi", nhiều người quan tâm đến mức "phe" hét giá vài triệu đồng/vé. Những đêm nhạc của Phú Quang vẫn có sức hút đặc biệt dù giá vé cao. Nhiều nghệ sĩ và dàn nhạc nổi tiếng thế giới chọn Thủ đô là điểm đến thường xuyên. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam lên lịch chương trình cả năm, muốn có vé phải đặt trước. Chương trình "Luala concert" - đưa cả dàn nhạc ra ngoài trời biểu diễn miễn phí, nay đã có lượng khán giả ổn định. Phim điện ảnh "bom tấn" được phát hành ở Hà Nội cùng thời điểm với thế giới, khán giả tự làm mới mình, ứng xử văn minh trong những rạp chiếu đa năng hiện đại đang xuất hiện ngày một nhiều.
Văn nghệ sĩ Thủ đô lâu nay vẫn được coi là những người hoạt động "thuần" nghệ thuật. Với họ, đi vào bản chất, mang nghệ thuật đến đúng nơi cần là cách ứng xử văn hóa. Nhạc sĩ Nguyễn Cường mới thành lập CLB thính phòng "Đồ Mi Son", ông muốn giới thiệu đều đặn dòng nhạc này đến với khán giả. Ca sĩ Thái Thùy Linh mời đồng nghiệp "Mang âm nhạc đến bệnh viện", góp một phần xoa dịu nỗi âu lo của bệnh nhân, động viên cán bộ ngành y… Những việc có ích, kể ra không hết được.
Dòng chảy nghệ thuật ở Hà Nội đang trong kỳ chuyển tiếp mà ở đó nét xưa vẫn còn, mạnh mẽ một cách kín đáo. Sự va đập giữa truyền thống và hiện đại, giữa thanh lịch và ồn ào, giữa những giá trị ảo và cái đẹp đích thực là một phần tất yếu trong lòng Thủ đô đang chuyển mình. Từ sâu kín còn mãi mạch nguồn văn hóa kinh kỳ đã được thử thách qua nhiều thế kỷ biến động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.