Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Lực lượng thiếu, phương tiện kém

Nhóm PV Phóng sự Điều tra| 19/03/2011 05:20

(HNM) - Tây Bắc với

Công an Mộc Châu triệt phá một vụ vận chuyển ma túy trá hình dưới hình thức rước dâu.


Những "nút cổ chai"
Thượng tá Bế Thế Quyết, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Công an Sơn La) trầm ngâm:
- Sơn La có 250km đường biên giới, có 5 huyện, 17 xã trọng điểm về mua bán, vận chuyển ma túy, giáp với tỉnh Hủa Phăn của Lào. Ngoài hai cửa khẩu quốc tế Pa Háng và Chiềng Khương, tuyến biên này còn có rất nhiều đường tiểu ngạch. Ma túy thường được tập kết tại các "trung tâm" phía Lào, rồi tỏa đi các nơi. Có rất nhiều đường mòn, lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết. Trong một vụ án cách đây chưa lâu, sau nhiều ngày ròng rã mật phục, anh em đã tìm ra được một điểm cao, có thể quan sát được tất cả đường mòn tỏa ra các hướng, từ đây mới phát hiện được đường đi lối lại của tội phạm ma túy. Cũng tại điểm cao này, bao bì vận chuyển ma túy của đối tượng được bỏ lại nhiều như... bao bì trong sân xí nghiệp sau buổi dỡ hàng.

"Địa bất lợi" cũng là khó khăn chung của lực lượng chức năng các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên. Để dễ hình dung, có thể ví von thế này: Các "cửa" Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên chính là những "nút cổ chai" của "cao tốc vàng trắng" nối dài từ khu vực tam giác vàng, qua Luông Nậm Thà, Bo Kẹo và dọc sông Mê Kông chảy về Luang Prabang (Lào). Chỉ riêng Điện Biên đã có đường biên giới dài hơn 400km. Tại đây, xuất hiện rất nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy. Cụ thể, theo Đồn phó Đồn Biên phòng 425, các tuyến mua bán, vận chuyển ma túy từ nội địa Lào ra sát biên giới nước ta bao gồm: Xốp Hùm, Xốp Nạo - Na Luông - Việt Nam; Xốp Hùm - Xốp Nạo - Pa Hốc - Việt Nam. Từ Na Luông, ma túy được vận chuyển đến Thanh Chăn, Pa Thơm (Điện Biên). Vào Điện Biên trót lọt, ma túy lại tiếp tục hành trình của nó. Trong năm 2010, Xốp Hùm, Xốp Nạo - Na Luông - Việt Nam được xem là nóng bỏng nhất với nhiều hoạt động diễn ra gay gắt, quyết liệt. Còn tại hai điểm nóng Hang Kia, Pà Cò ở Hòa Bình, chỉ cần "rộng cẳng chân", kẻ phạm tội đã vọt sang bên kia biên giới hoặc ngược lại.

Đại tá Lê Quang Đán, Trưởng phòng Ma túy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên kể: Không ít lần đánh án, anh em nằm mật phục nhiều ngày liền. Sự kiên nhẫn, sức lực cứ vơi dần mà nghi phạm bặt bóng chim tăm cá. Cuối cùng anh em bảo nhau, "cá rô" không bắt được thì "săn sắt" cũng hay. Thế nhưng khi lực lượng xuất kích, nghi phạm lại chạy thoát vì chúng thông thạo đường ngang lối tắt hơn.

Đối tượng liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi
Cách tổ chức của tội phạm ma túy ngày càng chặt chẽ, cùng với đó quy mô của những chiếc "vòi bạch tuộc" này cũng lớn dần. Theo Thượng tá Bùi Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Tây Trang, các đối tượng thường giả làm người đi nương, làm thuê, thăm thân... mọi giao dịch đều được cảnh giới, bảo vệ. Những đối tượng bên kia biên giới, nhất là đối tượng đã bị khoanh vùng, hết sức cảnh giác với người Việt Nam sang mua ma túy. Tuyến đi của đối tượng thường xuyên thay đổi, đi một đường, về một nẻo. Đáng chú ý, kẻ phạm tội còn lợi dụng cả người già, trẻ em để vận chuyển ma túy. Thông thường, đi trong rừng, mỗi tên đi cách nhau khoảng 100m và thuê người đi trước thám thính. Điểm tập kết hàng cũng thường xuyên thay đổi. Lấy hàng về, kẻ đi mua lại pha trộn với tạp chất, ép lại thành bánh nhỏ và vận chuyển tiếp. Có những điểm anh em biên phòng biết là ban ngày chúng mua bán, ban đêm "sản xuất" song lại thiếu cái cần nhất là tang chứng, vật chứng, các điều kiện cần thiết để tiếp cận…

Theo Đại tá Lê Quang Đán, tại Lào, các đối tượng phạm tội ma túy hoạt động với tính chất, quy mô rất lớn. Chúng thường là những con "cá to" trong các đường dây ngoại biên. Khi giao dịch, có nhiều người cùng tham gia, phân công nhiệm vụ từng công đoạn rõ ràng. Mỗi lần vận chuyển, số lượng "hàng" lên tới hàng chục bánh hêrôin, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp. Mặt khác, lợi dụng kẽ hở pháp luật (cần tang chứng, vật chứng), đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới thường cầm "hàng" trên tay, mỗi tốp 2 đến 5 người. Đối tượng đi sau cầm "hàng" để khi bị phát hiện sẽ kịp phi tang, chối tội. Cũng trên tất cả các tuyến, đối tượng đều có người cảnh giới trong vai chăn thả gia súc, làm nương. Còn tại bản, chúng bố trí người bám chặt đường qua lối lại, sẵn sàng cảnh báo người lạ xuất hiện. Trong nước, thủ đoạn vận chuyển của tội phạm tinh vi không kém như sử dụng nhiều xe, nhiều người đi lại liên tục để "gây nhiễu", đánh lạc hướng, thậm chí cản đường khi lực lượng chức năng tổ chức vây bắt. Thậm chí ma túy được để trong các gói thuốc Bắc trong những chuyến xe ca về xuôi hoặc được kẻ buôn bán xé lẻ, cất giấu ở những nơi khó ngờ như dưới vườn, bờ tường, trên cây và cả chỗ… công cộng.

Thách thức lớn nhất đối với anh em chiến sĩ là hầu hết đường dây ma túy hoạt động khép kíp trong nội bộ gia tộc. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, chậm rãi nhấp ngụm trà mà khuôn mặt Thượng tá Hà Công Cận, Trưởng Công an huyện Mai Châu đầy ưu tư: Ở không ít điểm nóng về mua bán, vận chuyển ma túy, do mối quan hệ thân tộc, rất ít người dân chịu đi tố giác tội phạm. Đã thế, họ còn hình thành mạng lưới bảo vệ tụ điểm mua bán hoặc kẻ phạm tội. Còn Thượng tá Bế Thế Quyết cười buồn khi kể không ít lần anh em đã bắt được nghi phạm song bị họ hàng thân thích của chúng kéo ra đông, có vũ khí, đánh tháo. Gần đây nhất, khi bắt được nghi phạm, để tránh bị sểnh, anh đã cử một tốp ra làm nghi binh dụ kẻ đánh tháo, trong khi bí mật cử một chiến sĩ to khỏe bịt mồm nghi phạm, cõng chạy ra hướng khác.

Nỗi niềm không của riêng ai
Tội phạm ma túy được trang bị với nhiều loại vũ khí như AK, K59, lựu đạn, mìn... Phương tiện "hành nghề" của chúng cũng "ăn đứt" lực lượng công an, biên phòng. Chẳng hạn, chúng tự mua sắm các thiết bị truyền phát tín hiệu công nghệ cao, có ô tô đời mới trong khi anh em chỉ có xe Uaz. Thậm chí, có đội ma túy, chỉ được cấp một cái xe Win. Đã thế, lực lượng lại mỏng, phải dàn căng ra nhiều địa bàn trọng điểm, tuyến đường nóng. Thượng tá Hà Công Cận tiếc hùi hụi: Một vụ, anh em đang đón lõng trên đường, phát hiện đối tượng tình nghi, ra tín hiệu dừng, kiểm tra. Đối tượng không chấp hành mà lao thẳng vào lực lượng chức năng. Sau khi nhảy ra tránh, anh em lập tức lao lên xe Uaz đuổi theo. Lần lần, anh em cũng phát hiện ra chiếc Santa Fé của đối tượng nhưng đã được... bỏ lại bên đường. Đối tượng chạy thoát, tang vật cũng chẳng thấy đâu.

Và đấy cũng là "nỗi niềm" chung của những anh như Bế Thế Quyết, Lê Quang Đán...

Trong các chuyến đi vào những điểm khét tiếng về buôn bán, vận chuyển ma túy như Hang Kia, Pa Thơm, Na Ư, thi thoảng chúng tôi lại gặp những ngôi nhà mới dựng rất hoành tráng, những chiếc xe hơi chễm chệ giữa những bản nghèo. Ở nơi lúa chỉ cấy được một vụ, ngô người dân không chịu trồng, không có du lịch hay hoạt động thương mại nào chính đáng, nhiều hộ vẫn bị thiếu đói, những tài sản ấy từ đâu ra?

Một cảm giác thấp thỏm cứ lởn vởn trong chúng tôi, giống hệt tâm trạng hôm vào Hang Kia và lời của một cán bộ công an cứ văng vẳng: Các điểm nóng ma túy giờ mới chỉ tạm yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Lực lượng thiếu, phương tiện kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.