(HNM) -
Làm thận trọng, nghiêm túc
Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm và có hướng dẫn về phương pháp, cách làm, BTV Thành ủy đã nghiêm túc tiếp thu để triển khai kiểm điểm một cách thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, tập thể BTV Thành ủy đã nghiêm túc tiếp thu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị kiểm điểm. Đồng chí yêu cầu phải quán triệt và thực hiện thật tốt 4 nhiệm vụ: Đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, là việc làm thiêng liêng và hệ trọng, liên quan đến những vấn đề sống còn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị cực kỳ hệ trọng, là một công việc khó, nhưng trong quá trình kiểm điểm, cần tránh tình trạng nể nang, né tránh, qua loa. Thực hiện đúng nội dung, phương pháp, phương châm, nguyên tắc và cách làm đã nêu trong nghị quyết. Điều quan trọng là cần đề ra phương hướng, giải pháp sửa chữa khuyết điểm. Với vị trí, vai trò của Thủ đô, Đảng bộ TP Hà Nội cần thực hiện thật tốt các nội dung yêu cầu, làm gương cho các đảng bộ khác noi theo.
Sự quan tâm, động viên, cũng như yêu cầu của Tổng Bí thư đối với Đảng bộ TP vừa đòi hỏi Hà Nội phải làm nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả, tạo nên sự chuyển biến thực sự, trước hết là của BTV Thành ủy.
Việc kiểm điểm được tiến hành theo trình tự tập thể trước, cá nhân sau; trong tiến trình kiểm điểm cá nhân, Bí thư Thành ủy kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến các Phó Bí thư, các ủy viên BTV Thành ủy. Đây cũng là đợt kiểm điểm với thời gian dài nhất, 10 ngày. Điều quan trọng, không phải "đóng cửa" để kiểm điểm, BTV Thành ủy vẫn chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Mọi vấn đề đều được đặt lên bàn nghị sự, đều được trao đổi, kiểm điểm công khai, dân chủ, thẳng thắn, với phương châm "soi để sửa lại mình", tự phê bình và phê bình đúng nguyên tắc, trên tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chân thành, xây dựng, cầu thị; vừa có tình, vừa có lý; vừa phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân về khuyết điểm trên các lĩnh vực phụ trách, xử lý nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm. Tất cả phải đặt lợi ích chung lên trên hết.
Nỗ lực của toàn Đảng bộ
Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nhiều ý kiến nhận xét, phân tích có chiều sâu; làm rõ thêm cả phần ưu và khuyết điểm; nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất thêm giải pháp khắc phục, sửa chữa. Với hơn 7 triệu dân, hơn 34 vạn đảng viên, Đảng bộ Thủ đô có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Các ý kiến cũng đi sâu phân tích những thuận lợi, đồng thời nêu lên những khó khăn, thách thức, đòi hỏi của Thủ đô sau mở rộng đang trong quá trình xây dựng, phát triển, đô thị hóa rất nhanh.
Hà Nội là nơi làm việc của TƯ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể TƯ, tập trung đông đảo đội ngũ trí thức, nhà khoa học, cán bộ lão thành cách mạng. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát thường xuyên của Trung ương là thuận lợi rất to lớn. Song do tính chất của địa bàn Thủ đô cũng là nơi các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội trong và ngoài nước tập trung sự chống phá. Chưa kể các vấn đề phức tạp khác như khiếu kiện đông người, hoạt động của các loại tội phạm, các hoạt động biểu tình tự phát… Trong bối cảnh cùng thời điểm TP phải giải quyết rất nhiều việc lớn, việc khó, phức tạp, trong đó có việc chưa có tiền lệ như triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; chưa kể phải đối mặt với khó khăn do khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới, giá cả, lạm phát tăng cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Sự kiện hợp nhất mở rộng Thủ đô tạo nên cho Hà Nội một tầm vóc mới, diện tích tăng gấp hơn 3 lần, dân số tăng gần gấp đôi, có thêm tiềm lực để xây dựng Thủ đô "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Song tình hình đó cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Đó là quy mô công việc rất lớn, là số lượng cán bộ tăng thêm, là phải thống nhất những chủ trương, chính sách không đồng bộ giữa những địa phương vừa hợp nhất… khiến cho không ít người băn khoăn, lo ngại và là thử thách rất lớn đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BTV Thành ủy, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển, chính trị trên địa bàn luôn ổn định; các giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11 của Chính phủ được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh, nhưng Hà Nội vẫn duy trì tốt vị trí "đầu tàu" của khu vực và cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn của Hà Nội hôm nay có nhiều khởi sắc, văn minh, hiện đại. An ninh, quốc phòng của thành phố luôn được giữ vững trong mọi tình huống; trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của TP luôn được chú trọng. Bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp của thành phố vận hành trơn tru, hiệu quả ngay từ ngày đầu. Thành công của Đại hội Đảng bộ hợp nhất đầu tiên là minh chứng rõ nhất cho tinh thần đoàn kết, dân chủ, thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân vì sự phát triển của Thủ đô.
Phần kiểm điểm, đánh giá ưu điểm là rất cần thiết, khẳng định sự cố gắng vượt bậc và những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, BTV Thành ủy đã dành phần lớn thời gian cho việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung nghị quyết, với tinh thần thật sự nghiêm túc, thẳng thắn và cầu thị. Ưu điểm, thành tựu là sự động viên, khích lệ, song điều quan trọng hơn trong lúc này là yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, vào những thiếu sót khuyết điểm; nhất là những yếu kém, khuyết điểm mà nhân dân, cán bộ, đảng viên đang trông đợi cần phải sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.