Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Kiểm soát phải thực chất

Ngọc Quỳnh| 28/10/2016 07:10

(HNM) - Để từng bước chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng thuốc thú y, nhiều ý kiến cho rằng phải kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu nhập khẩu tới hoạt động buôn bán và quy trình sử dụng. Việc kiểm soát phải đi vào thực chất, tránh tình trạng lập nhiều đoàn công tác rồi kiểm tra theo kiểu “đánh trống ghi tên” không hiệu quả.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất thuốc thú y. Ảnh: Trung Kiên


Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh các đối tượng vì lợi nhuận mà buôn bán, lưu hành các loại thuốc ngoài danh mục. Về lâu dài, các địa phương cần xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho chủ cửa hàng, cán bộ thú y cơ sở...

Kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc

Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các loại thuốc thú y ở các công ty do Cục Thú y cấp phép lưu hành trên thị trường để hạn chế việc bán thuốc kháng sinh sai mục đích. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra đối với các công ty sản xuất thuốc theo công nghệ “cuốc xẻng”, nếu phát hiện vi phạm, ngoài xử phạt hành chính, phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất. Sau thời gian quy định, cần tái kiểm tra; nếu chưa sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần tịch thu giấy phép kinh doanh và yêu cầu ngừng hoạt động...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các cơ sở sản xuất thuốc thú y phải đổi mới công nghệ sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trước xu thế hội nhập. Để cơ sở chăn nuôi trong nước dùng thuốc thú y do Việt Nam sản xuất thì các cơ sở sản xuất phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu về dược học, giỏi về kỹ thuật chăn nuôi, thành thạo kỹ thuật phòng trị bệnh, đủ năng lực chuyên môn để tư vấn kỹ thuật giúp cơ sở chăn nuôi phát triển, đồng thời sẵn sàng ký hợp đồng bảo hộ, bảo lãnh an toàn dịch bệnh cho cơ sở chăn nuôi, đồng hành cùng họ trong kiểm soát dịch và chữa bệnh cho đàn gia súc gia cầm.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hệ thống quản lý, bổ sung một số quy định cần thiết nhằm hạn chế và chấm dứt việc tùy tiện sử dụng thuốc thú y của người chăn nuôi, đặc biệt các loại vắc xin và chế phẩm sinh học độc hại. Ngoài ra, cần sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y vi phạm; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định về hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc thú y nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y hoạt động theo quy định của pháp luật. Các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán, hành nghề thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...

Nâng cao trình độ cho cán bộ thú y cơ sở

Bên cạnh các biện pháp kiểm soát thuốc thú y bán trên thị trường, việc nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn, nhân viên thú y cơ sở có vai trò quan trọng. Muốn vậy, Nhà nước cần tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức về kinh doanh và sử dụng thuốc thú y tới người chăn nuôi, người sản xuất và người kinh doanh.

Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân, các địa phương cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, từng bước hạn chế và tiến tới đề ra lộ trình cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi vì mục đích kích thích tăng trưởng. Người dân phải nhận thức đầy đủ vai trò của cán bộ thú y đối với chăn nuôi và chịu sự kiểm soát chặt chẽ các công đoạn sản xuất do cán bộ thú y hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là quy trình chăm sóc dinh dưỡng, kỹ thuật sử dụng thuốc, vắc xin và các chế phẩm sinh học…

Khi sử dụng thuốc thú y, người chăn nuôi nên lựa chọn các sản phẩm có uy tín, chất lượng và được cơ quan nhà nước cấp chứng chỉ cơ sở thuốc thú y đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP)… nhằm tránh rủi ro, thiệt hại không đáng có. Bên cạnh đó là phân định trách nhiệm cho cán bộ thú y trong việc kê đơn điều trị cho đàn vật nuôi và chỉ được bán thuốc kháng sinh theo đơn. Chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không bán các loại thuốc cấm, thuốc thú y ngoài danh mục…

Từ thực trạng tùy tiện sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có mối liên kết chặt chẽ trong kiểm soát cơ sở sản xuất thuốc thú y và các hộ chăn nuôi. Làm tốt công tác này sẽ kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Kiểm soát phải thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.