(HNM) - Jerusalem, trong tiếng Arab là Al-Quds có nghĩa là Thiêng liêng. Ngay từ tên gọi đã phủ lên thành phố cổ kính này một màu sắc huyền bí.
Tương truyền, từ nhà thờ Al-Aqsa có vòm đá thiêng, nhà tiên tri Mohammed đã bay lên trời để nhận những lời răn dạy của Thượng đế. Cũng ở nơi này, nhà thờ Holy Sepulchre là nơi Chúa Jesus yên nghỉ rồi Phục sinh để trở thành đấng cứu thế. Cách đó không xa, Bức tường Than khóc, phần còn sót lại của ngôi đền đã bị phá hủy, được xem như thánh địa của người Do Thái. Là điểm phát tích của ba tôn giáo lớn (Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo), có lẽ không còn mảnh đất nào trên thế giới có thể kỳ lạ hơn Jerusalem. Mỗi địa danh, dù vẫn còn nguyên trạng hay chỉ là phế tích, mỗi con đường, dù đã trầm mình trong thăng trầm của thời gian, mỗi viên đá, dù đã hao mòn để chứng kiến lịch sử nhiều bi thương của thành phố... đều ẩn chứa trong đó những điển cố đã trở thành huyền thoại.
Nhà thờ Vòm đá thiêng liêng của người Hồi giáo tại Đông Jerusalem. |
"Đến Jerusalem là chạm vào lịch sử", câu nói của Đại sứ Saadi Salama khiến chúng tôi càng háo hức. Và quả thực, khi bước qua cánh cổng chính mang tên Damascus để vào cổ thành tại Đông Jerusalem, chúng tôi ngỡ rằng đang ở trong một câu chuyện thần thoại. Trái với những kiến trúc hiện đại hơn bên ngoài, khu thành cổ 4000 năm tuổi được bao quanh bởi bức tường thành bằng đá cao vút dường như không bị thay đổi theo thời gian. Những gian hàng lưu niệm được xây hoàn toàn bằng đá, những con đường hẹp lát đá nhấp nhô khiến không gian đặc quánh những giá trị văn hóa và lịch sử này mang một vẻ đẹp hoang sơ nhưng sâu lắng và cực kỳ cuốn hút. Tất cả như tái hiện một đời sống xã hội, tinh thần vô cùng phong phú của những cư dân cách đây từ 4 thiên niên kỷ.
Với một tỷ lệ dày đặc các nhà thờ, đền thờ, thánh đường, tu viện… Jerusalem còn được gọi là Thành Thánh. Với người Hồi giáo, lời thỉnh nguyện ở Jerusalem có giá trị bằng 500 lần nơi khác, trong khi những tín đồ Kitô giáo tin rằng việc cầu nguyện tại thành phố thánh thiêng này sẽ giúp tội đồ có sự ân xá kéo dài đến trọn đời. Không chỉ đối với những khách hành hương sùng đạo, Jerusalem cũng đánh thức giấc mơ khám phá của khách du lịch khắp thế giới. Trung bình, mỗi năm Jerusalem đón khoảng 2 triệu người nước ngoài tới viếng thăm, tất nhiên chủ yếu là đi qua đường Israel. Thế nhưng, thành phố thiêng liêng này lại là lãnh địa cấm đối với những người Palestine sống tại những khu vực khác thuộc vùng lãnh thổ Palestine và những người Palestine lưu vong.
Kể từ sau cuộc chiến Trung Đông 1967, Jerusalem đã trở thành hoài niệm và nỗi khát vọng của hàng triệu người Palestine. Duy trì một hệ thống quy định ngặt nghèo, toàn bộ người Palestine nếu muốn vào Đông Jerusalem, kể cả thăm người thân, đi lễ hay du lịch đều phải được sự đồng ý của chính quyền Israel. Không có một tiêu chuẩn cụ thể gì, không người Palestine nào có thể biết bao giờ họ mới được phép đặt chân tới vùng đất mà nhiều thế hệ người Palestine đã gây dựng và sinh sống. Ngay đến Đại sứ Saadi Salama, sau rất nhiều những nỗ lực xin vào Đông Jerusalem không có lời hồi đáp, ông mới vừa nhận được tấm giấy phép vào vùng lãnh thổ này hồi đầu năm ngoái. Nhưng ông vẫn may mắn hơn nhiều người khác. Jamal Aruri, một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng của Palestine, hiện đang làm việc cho Nhật báo Alayaam thì không. Từng giành nhiều giải thưởng quốc tế về ảnh chiến trường và cũng đã tham gia triển lãm ảnh "Việt Nam - Palestine đoàn kết và hữu nghị" tại Hà Nội năm 2011, đến nay Jamal vẫn không được phép vào Đông Jerusalem. Lý do thì anh không được biết. Nhưng Jamal từng 7 lần ngồi tù vì đã tham gia các cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel. Mà thật không may ở Palestine, số lượng người từng vào các trại giam Israel cao đến khó tin. Tính từ năm 1967 đến nay, đã có khoảng 850.000 người trong số 4 triệu dân Palestine có "tiền án tiền sự". Trong số đó, không ít người đã vào tù ra khám đến vài lần dù tuổi đời còn rất trẻ. Do đó, với rất nhiều người Palestine, Jerusalem sẽ chỉ đến trong giấc mơ cho dù họ có thể nhìn thấy vòm mái dát vàng của đền thờ Al-Aqsa thiêng liêng với người Hồi giáo tỏa ra ánh sáng rực rỡ từ ngoại ô Ramallah.
Chúng tôi cũng ước ao được vào trong thánh đường có vị trí quan trọng thứ ba đối với các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới, chỉ sau thánh địa Mecca và Medina tại Saudi Arabia, được một lần nhìn thấy tảng đá thiêng, nơi nhà tiên tri Mohammed đã đặt chân để lên trời. Ước nguyện đó không thành vì chúng tôi không vượt qua được những lính gác Israel bên ngoài đền thờ. Thế nhưng, điều không may mắn này đã dẫn chúng tôi đến một sự tình cờ thú vị khác.
Theo sự chỉ dẫn của Ali, một người Palestine đang sống tại Đông Jerusalem, chúng tôi tới nhà một người bạn của anh bên trong thành cổ để có thể từ đó được một lần tận mắt nhìn thấy đền thờ Vòm đá. Căn nhà nằm trên gác hai tại một con ngõ hẹp rất giống phố cổ Hà Nội, gọn gàng, ngăn nắp. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông đứng tuổi, dáng người tầm thước, khuôn mặt cương nghị ẩn sau cặp kính đen khá lớn không làm mất đi vẻ ngoài rất thư sinh. Cuộc gặp gỡ không hẹn trước ngay lập tức trở nên thân mật khi ông biết những vị khách của mình là người Việt Nam. Nhưng sau lời giới thiệu của Ali, chúng tôi mới biết rằng con người này vừa chỉ mới thoát án tù 31 năm chưa được tròn 12 tháng. Cùng với những tách trà nóng và hương thơm của ly cà phê Arab, chúng tôi đã bị cuốn vào câu chuyện cuộc đời bi hùng nhưng cũng thật đẹp của ông.
Khi chàng thanh niên Alaudin Ahmad Bazyan 17 tuổi cũng là lúc cuộc đấu tranh của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel đang phát triển mạnh mẽ. Mang theo niềm khao khát độc lập cho dân tộc mình, Ahmad Bazyan tích cực tham gia các hoạt động quần chúng và chỉ hai năm sau đã giữ vị trí lãnh đạo một nhóm du kích thuộc phong trào Fatah. Trong một lần thực hiện cuộc tấn công du kích năm 1979, ông đã mất đi đôi mắt và bị bắt giam. Hai năm lao tù có lẽ đã không thể ngăn cản được ông bước tiếp con đường đã chọn. Vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu cho một đất nước Palestine tự do dù không còn nhìn thấy ánh sáng, chỉ 7 tháng sau khi được thả, ông bị đưa trở lại nhà tù lần thứ hai với mức án 20 năm. "Quyết định trao đổi tù nhân năm 1985 đã đưa tôi trở lại với những người đồng đội sau ba năm rưỡi bị giam cầm. Nhưng chỉ 10 tháng sau đó, tôi bị bắt lại vì tham gia đấu tranh vũ trang. Bản án lần này là tù chung thân" - ông kể lại những ngày tháng sau song sắt của mình với vẻ mặt hoàn toàn bình thản.
Có lẽ chẳng thể kể xiết những khó khăn mà một tù nhân mù như ông phải trải qua suốt 26 năm tại chốn lao tù. Vậy mà, trong suốt cuộc trò chuyện, tôi chưa một lần nhận thấy sự đau đớn từ người đàn ông đã vĩnh viễn bỏ lại tuổi trẻ của mình ở hết trại giam này đến trại giam khác của Israel. Ngược lại, trong giọng nói trầm ấm và vẻ mặt điềm tĩnh đến lạ kỳ luôn ánh lên một niềm lạc quan. "Trong 31 năm tù đày, chứng kiến rất nhiều những đau khổ của các tù nhân nhưng tôi luôn tin tưởng một ngày nào đó sẽ được tự do vì tôi có chính nghĩa. Nhân dân Palestine sẽ giành được độc lập như người Việt Nam đã từng chiến thắng" - ông nói. Giờ đây, trở về với đời thường khi đã ở tuổi 54, mọi thứ đều lạ lẫm, bỡ ngỡ khi hơn 3 thập kỷ đã trôi qua. Chỉ có lòng người là vẫn vậy. Người Palestine tại Jerusalem đã chào đón ông như một vị anh hùng, điều khiến ông luôn cảm thấy ấm áp. Cuộc đời cũng đã mỉm cười với ông. Bốn tháng sau khi ra tù, ông có gia đình riêng của mình. Trong chiếc áo choàng dài và chiếc khăn truyền thống che kín mái tóc để lộ khuôn mặt rất thanh thoát, chị Nirsin chia sẻ niềm tự hào khi được làm vợ một người đàn ông đã dâng hiến trọn tuổi xuân của mình cho cuộc đấu tranh của người Palestine. Niềm hạnh phúc ấy như viên mãn hơn khi cả hai vui mừng đón chào đứa con sắp chào đời.
Cái kết có hậu của cuộc đời người tù nhân Palestine đặc biệt đã khiến chuyến đi Jerusalem của chúng tôi ý nghĩa hơn nhiều. "Việc tôi tiếp tục ở lại ngôi nhà tại Đông Jerusalem cũng là một hình thức đấu tranh", lời chia sẻ của ông khiến chúng tôi hiểu được tại sao người Palestine tại Đông Jerusalem gồm khoảng 250.000 người vẫn bám trụ tại thành phố quê hương, bất chấp nhiều khó khăn. "Dù có chứng minh thư tại Đông Jerusalem và quốc tịch Israel nhưng những người Palestine không được hưởng những quyền lợi như những người dân Do Thái khác. Vì bất cứ lý do gì, nếu không sống ở đây trong hai năm, sẽ lập tức bị tước "hộ tịch" và không được phép quay trở lại nữa", Ali cho biết. Hệ thống những quy định hà khắc ở nhiều hình thức khác nhau dường như không làm cho người Palestine nản lòng. Dòng người vẫn nhẫn nại xếp hàng cầu nguyện tại đền thờ Al-Aqsa. Và trên từng khuôn mặt, không chỉ là sự sùng kính tôn giáo mà còn là niềm tin tuyệt đối vào ngày mai tươi sáng hơn tại thành phố mà Palestine tuyên bố sẽ là thủ đô của Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.