(HNM) - Sau 3 tháng Chỉ thị 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai, MTTQ TP đã có nhiều cố gắng, đặc biệt là thực hiện chức năng giám sát, góp phần để Chỉ thị đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, cán bộ MTTQ các cấp thừa nhận, tại một số địa phương việc thực hiện Chỉ thị chưa nghiêm, hiện tượng đối phó vẫn còn nhiều. Hiện MTTQ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, trong đó giám sát vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đa dạng hình thức giám sát
Gia Lâm là địa phương thực hiện khá tốt việc cưới văn minh, với trên 80% gia đình tổ chức cưới đơn giản, mời khách ăn uống trong một ngày, không sử dụng thuốc lá, không mở loa đài quá 23h và trước 5h... Phát huy kết quả đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết, các cấp MTTQ huyện tích cực vừa tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện vừa chủ động xây dựng dự thảo quy ước, hương ước để bà con góp ý tại hội nghị đại biểu nhân dân đầu năm, tạo sự đồng thuận, thống nhất, đồng thời, chú trọng giám sát chặt, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.
Tại huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, khẳng định, từ khi có Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy, hiện nay, hầu hết đám cưới được vận động tổ chức theo đúng tinh thần "vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm". Tuy nhiên, cũng còn tồn tại những vi phạm dưới hình thức "chui" như tổ chức cưới hai ngày ở quê của cô dâu và chú rể, hoặc số mâm cỗ đúng quy định nhưng tăng số người mỗi mâm. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, giám sát càng chặt, hiệu quả càng cao. MTTQ huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đưa nội dung chỉ thị bằng văn bản xuống từng Ban công tác Mặt trận, hộ gia đình và đưa nhiệm vụ giám sát vào chương trình, kế hoạch công tác tháng, quý, năm của hệ thống MTTQ ngay từ cấp cơ sở. Đặc biệt, MTTQ xây dựng biểu mẫu thống kê để theo dõi thực hiện việc cưới ở từng khu dân cư và giao Ban công tác MTTQ khảo sát, nắm bắt, tổng hợp số lượng đám cưới, kết quả thực hiện. Việc này vừa tăng vai trò, trách nhiệm giám sát của MTTQ và động viên nhân dân tham gia giám sát.
Về những khó khăn trong công tác giám sát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Từ Liêm, ông Nguyễn Xuân Ứng chia sẻ: Để xác định được vi phạm chỉ có cách đến tận đám cưới, đếm khách, đếm số mâm cỗ, vậy ai làm việc đó và đếm sao cho đúng thì không đơn giản. Bởi vậy, MTTQ xác định phát huy vai trò giám sát của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, đồng thời "lôi kéo" các tổ chức thành viên và "nhóm nòng cốt" của MTTQ cùng các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tham gia. Việc giám sát không chỉ trong khuôn khổ các tổ chức, đoàn thể, MTTQ vận động giám sát "chéo" giữa thành viên các chi hội, đoàn thể khác, qua đó cùng MTTQ có hình thức biểu dương hoặc phê bình hợp lý.
Để chỉ thị lan tỏa trong cuộc sống
Kinh nghiệm thực tế từ nhiều địa phương cho thấy, để nâng cao hiệu quả thực hiện cũng như tăng cường công tác giám sát, MTTQ đã đưa nội dung nếp sống văn minh trong việc cưới vào tiêu chí thi đua, trong chương trình, kế hoạch công tác ngay từ đầu năm và đưa nội dung Chỉ thị 11-CT/TU vào tất cả các cuộc họp, hội nghị của khu dân cư, tổ dân phố, qua đó tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong thực hiện. Nhiều nơi chọn biện pháp phát huy vai trò người đứng đầu. Điển hình như ở huyện Từ Liêm, sau khi có chỉ thị, nhiều đồng chí lãnh đạo huyện tổ chức đám cưới cho con đã nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện để cán bộ, đảng viên trên địa bàn học tập, làm theo. Tinh thần "đảng viên đi trước" thực sự tạo được sức lan tỏa trong nhân dân.
Tuy thời gian thực hiện chưa dài nhưng thực tế cho thấy, Chỉ thị 11-CT/TU đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân. Song sự thay đổi từ tư duy nhận thức đến hành động cụ thể vẫn còn khoảng cách. Đối với cán bộ, đảng viên, nhận thức quyết định hành động vì có những ràng buộc nhất định về trách nhiệm, quy định xử lý vi phạm... Còn với nhân dân, việc thực hiện theo kiểu đối phó vẫn diễn ra khá phổ biến. Hy vọng rằng, nếu mọi cán bộ, đảng viên đều thực hiện nghiêm túc chỉ thị thì chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa lớn đến các tầng lớp nhân dân và khi ấy cả xã hội sẽ chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết: Với vai trò tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, MTTQ TP xác định mục tiêu Ban công tác Mặt trận tại 100% số phường, xã, thị trấn sẽ đảm nhiệm việc giám sát tại địa bàn dân cư; phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường vận động người dân thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, gắn việc thực hiện Chỉ thị với các cuộc vận động "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"...; Đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 11 vào bình xét thi đua, bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, MTTQ các cấp sẽ có hình thức tuyên dương các đám cưới văn minh, tiết kiệm, đồng thời có biện pháp phê phán, xử lý vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.