(HNM) - "Ngày nay, không thể nói chất lượng sản phẩm của tôi tương đương của anh nhưng giá thành chỉ bằng 1/5 hay 1/3", GS Phạm Phụ đã thẳng thắn phát biểu khi nói về suất đầu tư cho một sinh viên quá thấp ở nước ta. GS-TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, suất đầu tư thấp thì chất lượng giảm sút là điều dễ hiểu. Vậy, phải chăng để nâng cao chất lượng, cần có nhiều tiền là đủ?
Sinh viên Khoa Nông học (Trường Đại học Nông nghiệp I- Hà Nội) triển khai nghiên cứu đề tài lai các giống cây giống trên ruộng thí nghiệm. Ảnh: Đình Na |
Chia sẻ chi phí
Theo GS Phạm Phụ, không thể có chất lượng đào tạo nếu không nâng mức đầu tư cho 1 sinh viên lên 1.200 USD/năm, trong khi hiện nay con số này là 500 theo định mức chi, còn trên thực tế chỉ vỏn vẹn 200. Nhưng làm thế nào để có số tiền này? Theo ông, vấn đề tài chính của GDĐH nước ta là phải giải bài toán chi phí theo nguyên tắc chủ yếu người sử dụng dịch vụ giáo dục phải chi trả. Có nghĩa là, cần xác định tỷ lệ hợp lý giữa đầu tư của ngân sách nhà nước (NSNN), học phí và phần đóng góp của cộng đồng, kể cả đóng góp của chính cơ sở ĐH thông qua hoạt động khoa học và các hoạt động có thu. Tỷ lệ này ước tính những năm qua khoảng 55%, 42% và 3%.
GS Phạm Phụ tính toán, nếu giữ nguyên tỷ lệ này thì để có suất đầu tư 1.200 USD/sinh viên/năm thì khoản đầu tư từ NSNN phải tăng lên 2 lần. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả giám sát thì từ 3 năm nay, tỷ trọng NSNN dành cho GD-ĐT đã tăng lên 20%, nên nếu tăng nữa là điều không thể. Với điều kiện của nước ta, Nhà nước chỉ đủ sức ưu tiên cho GD phổ cập còn với GD trung học phổ thông và ĐH, chủ yếu người học và gia đình phải gánh chịu. Tỷ lệ 55% từ NSNN giảm xuống còn 30% đến 35%, phần đóng góp của sinh viên và gia đình là 50% đến 55%. Bài toán chia sẻ chi phí này Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã áp dụng thành công. Khi đó, học phí sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, phù hợp với lộ trình tăng học phí mà Chính phủ đã phê duyệt. Vấn đề là, cùng với tăng học phí, cần thiết lập thêm các chương trình cho sinh viên vay vốn. Sự điều tiết thông qua hình thức cho vay vốn học tập của Nhà nước sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội.
"Ăn cơm nhà đi học
Theo các chuyên gia về GDĐH, cách hiểu trường ĐH theo nghĩa truyền thống là nơi sáng tạo và bảo vệ tri thức khoa học… đã được thay thế bằng quan niệm GDĐH đã là GD cho số đông nên bên cạnh sứ mệnh "phát triển tiềm năng của con người tới mức cao nhất để họ có thể đóng góp tốt nhất cho xã hội và đem lại lợi ích cho chính mình" thì còn có nhiệm vụ "tạo điều kiện để người dân có thể được tiếp cận với GDĐH". Vì thế, bên cạnh những ĐH "tinh hoa" định hướng nghiên cứu còn phải có ĐH cộng đồng để sinh viên có thể "ăn cơm nhà đi học".
Để giải quyết bài toán đại chúng GDĐH, nhiều mô hình đã được các chuyên gia đưa ra như ĐH, CĐ cộng đồng, mở rộng đào tạo từ xa… Mô hình ĐH, CĐ cộng đồng nhiều nước đã áp dụng thành công, bằng cách gắn chặt với những vấn đề của địa phương với mức học phí thấp, tạo điều kiện để sinh viên ăn cơm nhà đi học và học xong làm việc cho quê hương. Trên thế giới, kể cả những nước có chất lượng GD-ĐT cao đồng đều, không cần đến việc xếp hạng như Canada cũng đã áp dụng mô hình này và có nhiều trường ĐH, CĐ cộng đồng nổi tiếng. Với số lượng trường ĐH, CĐ vừa được nâng cấp từ bậc học thấp hơn trong những năm qua, trong đó chủ yếu là trường CĐ sư phạm địa phương được mang tên ĐH, mô hình ĐH cộng đồng chính là hướng đi đúng.
Tư thục nửa lợi nhuận
Trong khi nguồn vốn nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, việc đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho GDĐH là cần thiết và phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục (XHHGD). Trong giai đoạn 1998-2009, đã có 29 trường ĐH (trong đó có 24 trường mới) và 27 trường CĐ (22 trường mới) ngoài công lập (NCL) được thành lập. Ngoài việc tạo cơ hội cho hàng trăm ngàn sinh viên được học ĐH, CĐ mỗi năm, các trường này còn là mô hình tổ chức và theo đó là cơ chế kinh tế để huy động các nguồn lực tài chính ngoài NSNN cho GDĐH. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát UBTV Quốc hội thì việc chậm nghiên cứu làm rõ khái niệm "không vì lợi nhuận" trong GDĐH, trên cơ sở đó ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân biệt cơ sở vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận cùng các chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường cũng làm giảm hiệu quả chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư cho GDĐH.
Theo nhiều chuyên gia về GDĐH, hiện nay, trên thế giới, vị trí và loại hình ĐH tư thục khá đa dạng. Ở Mỹ, Nhật Bản loại hình không vì lợi nhuận chiếm phần lớn nhưng cũng có nhiều nước loại hình vì lợi nhuận lại là số đông. Đáng lưu ý là ở nhiều nước châu Á, loại hình nửa vì lợi nhuận hay có mức lợi nhuận hợp lý tồn tại khá phổ biến. Ở nước ta, Nhà nước hỗ trợ khuyến khích các cơ sở NCL đăng ký hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận nhưng về mặt pháp lý đến nay vẫn chưa có cơ chế "không vì lợi nhuận" trong khi lại có "kẽ hở" khi quan niệm rằng cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần dùng để bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư… lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này, không ít đại biểu đã thẳng thắn phát biểu: không có lợi nhuận thì chẳng ai đầu tư. Thực tế cho thấy, có nhiều trường, vốn góp ban đầu chỉ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng, sau chừng mươi năm, tài sản đã là 40 tỷ đến 50 tỷ đồng; có trường có mức lợi nhuận lên đến 25-30%.
Vì thế, cùng với kiến nghị của đoàn giám sát là "cụ thể hóa Điều 20 của Luật Giáo dục về phạm vi, quy mô, tính chất các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận; cần xác lập rõ 2 loại hình trường ĐH tư thục hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận với những quy định rõ ràng về tài sản, vốn, phân bổ lợi nhuận; Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các trường hoạt động thực sự phi lợi nhuận và cần xây dựng khung pháp lý cho loại hình trường này", các chuyên gia cho rằng, ở nước ta nên khuyến khích phát triển các ĐH tư thục "nửa lợi nhuận" và làm rõ cơ chế "không vì lợi nhuận" để tránh bị lợi dụng.
GS Phạm Phụ nói rằng: Ba trục chính của nền GDĐH là hiệu quả, chất lượng và công bằng xã hội. Ba cái trục này lại được đặt trong bối cảnh hiện nay của đất nước và xu hướng toàn cầu hóa thì trở nên hết sức phức tạp. Và ông đặt vấn đề: Phải chăng cần có chuẩn bị cho một cuộc cải cách GDĐH thực sự vào những năm sắp tới? Câu trả lời xin được chuyển cho những nhà hoạch định chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.