Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Đổi thay ở “vùng đất chết”

Đức Hải| 30/03/2010 07:36

(HNM) - Trước sức tấn công như vũ bão của bộ đội ta, hệ thống phòng thủ kiên cố ở Trị - Thiên, mà địch thường huênh hoang gọi là

Biển Thuận An (Thừa Thiên Huế).


Chuyện của người nữ chiến binh
Leo lên ngọn đồi 30 nằm bên quốc lộ 1, nơi nghĩa trang liệt sỹ tọa lạc, cô kế toán Ủy ban xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chỉ cái nón trắng lấp lóa giữa những hàng mộ trang nghiêm, bảo: "Bà Đỗ Thị Tánh đó anh"... Nhà bà Tánh ở ngay bên đường, sát khu chợ đìu hiu gọi là "chợ đồi 30". Hai gian nhà cấp 4 trống trải, chả có gì ngoài mấy bộ bàn ghế thâm thấp để bán hàng quà…

Đã 62 tuổi nhưng nom bà Tánh vẫn khỏe mạnh, xốc vác. Sinh ra và lớn lên ở thôn Trung Chánh này, 16 tuổi o Tánh đã trốn cha mẹ lên rừng, xin đầu quân vào C3 (Đội Công tác vũ trang huyện Phú Lộc). Thấy o còn nhỏ, các chú khuyên "mi về đi, lớn chút nữa đi du kích". O khóc, nằng nặc đòi ở lại, các chú đành chịu thua. Thế là o Tánh trở thành thành viên Đội Công tác vũ trang huyện Phú Lộc. Rồi o đem lòng thương một đồng đội, đến năm 1969 đơn vị tổ chức lễ cưới. Cuối năm đó, trong một chuyến công tác bị địch phục kích, chồng hy sinh, còn o Tánh bị thương nặng, lúc đó đang mang thai 4 tháng. Sau khi sinh con, o được ra Bắc điều trị, được học văn hóa. Cuối năm 1972, o gửi con cho một gia đình ở Vĩnh Phúc, nơi đoàn an dưỡng đóng, rồi trở về quê hương, lại quần nhau với giặc cho đến cuối cuộc chiến.

Tháng 3-1975, sau khi đánh thắng trận đầu, tiêu diệt địch ở xã Vinh Hải, đơn vị bà Tánh đánh tiếp trận thứ hai ở xã Vĩnh Hiền, chứng kiến hàng vạn binh lính địch dẫm đạp lên nhau chạy tháo thân. Cấp trên lệnh cho tiểu đội của bà huy động thuyền chở tù binh qua đầm Cầu Hai giao cho Huyện đội Phú Lộc. Cả tiểu đội gom được 4 thuyền, mỗi chiếc chở 50 đến 60 tù binh, mỗi chuyến qua đầm mất một tiếng đồng hồ. Ngày đầu tiên đã chở 600-700 người, đến ngày thứ hai, ngày thứ ba càng nhiều hơn. Ngoài chở đò, tiểu đội bà Tánh còn phải vận động dân lo cơm nước cho hàng nghìn tù binh.

Còn chuyện nữa về người nữ chiến binh quả cảm này mà chúng tôi muốn kể. Đó là chuyện, ngoài vết thương trong lần bị địch phục kích khiến chồng hy sinh ấy (hiện giờ viên đạn vẫn còn ở lưng bà), sau này bà Tánh còn bị hai vết thương nữa, một ở đầu và một ở tay, nhưng không hiểu sao đến nay chưa được hưởng tiêu chuẩn thương binh? Chưa hết, những tưởng lúc tuổi xế chiều bà được bù đắp bởi chút lương hưu sau ít năm công tác ở ngành Bưu điện Thừa Thiên Huế và sum vầy cùng con cháu, vì người con gái duy nhất của bà, cái cô bé ngày nào bà phải gửi lại ở Vĩnh Phúc ấy, giờ đã có chồng, có con; thế nhưng… Bà đã nhường ngôi nhà gần cầu Truồi cho con cái, về quán chợ này buôn bán qua ngày. Nhưng, con gái, con rể bà đều không có việc làm ổn định, lại đau ốm liên miên, thành thử bây giờ bà phải cưu mang, nuôi nấng cả 6 cháu ngoại. Nhưng bà bảo: "Dù ăn rau, ăn cháo cũng cố nuôi bầy cháu ăn học đến nơi đến chốn"! Cái vẻ quả quyết, sắt đá của người phụ nữ Huế một lần nữa khiến chúng tôi phải cảm phục và thầm mong có cách gì giúp bà đỡ khó khăn…

Bà Đỗ Thị Tánh, thắp hương các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ trên đồi 30.


Cuộc tháo chạy kinh hoàng
Chúng tôi về cửa Thuận An và cửa Tư Hiền, những địa danh đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của tàn binh quân đội Sài Gòn hồi cuối tháng 3-1975, khi phải tháo chạy từ khắp Trị - Thiên về đây.

Thị trấn Thuận An, "vùng đất chết" ngày nào đã thay da đổi thịt, trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội phát triển của huyện Phú Vang, nằm ở cửa ngõ phía Đông tỉnh Thừa Thiên Huế. Con đường bê tông phẳng phiu từ trung tâm Huế chạy về cửa Thuận An đã vạch nét công nghiệp hóa - hiện đại hóa lên vùng đất xưa toàn cát trắng với đầm phá mênh mông; hai bên đường, khách sạn, resort cùng cơ sở công nghiệp, nuôi trồng thủy sản mọc như nấm. Cây cầu bê tông lớn mang tên Tư Hiền nổi bật trên nền bức tranh thủy mặc đầm Cầu Hai, giúp hàng vạn người dân ở các xã Vinh Hải, Vinh Hiền… đi lại thuận tiện, đồng thời mở ra cơ hội phát triển, nói chính xác là đánh thức tiềm năng cho vùng đầm phá Tam Giang, hàng bao đời nay người dân chỉ trông chờ vào phương tiện đi lại duy nhất là ghe, thuyền

Đã non trưa nhưng Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An Nguyễn Vĩnh Kiên vẫn nhiệt tình tiếp chúng tôi. Ông cho biết, mấy năm gần đây, mỗi năm thị trấn Thuận An đón tới 120-130 nghìn khách du lịch; toàn thị trấn có gần 400 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi năm đánh bắt được hơn 4.300 tấn cá… tổng thu nhập bình quân hằng năm của thị trấn đạt 50-55 tỷ đồng; số hộ nghèo giảm từ 12% (năm 1999) còn 2,7%. Đặc biệt, từ một vùng gần như trắng về giáo dục sau ngày giải phóng, đến nay Thuận An đã phổ cập bậc THCS; trong 10 năm qua xây dựng được 7 ngôi trường học cao tầng, gồm trường THPT, trường PTCS, Trường Tiểu học Thuận An 1 và Thuận An 2, Trường Mầm non xã Phú Tân, Trường Mầm non Thuận An…

Nghe nhà báo hỏi chuyện hồi "bảy lăm", Bí thư Đảng ủy thị trấn hào hứng hẳn, vì hồi đó ông là học sinh ở đất Thuận An này. Ông Kiên kể rằng, đến ngày 25-3, binh lính ngụy từ mọi ngả đường chạy dồn vô cửa Thuận An đông không kể xiết. Nhiều người mang theo bầu đoàn thê tử, khiến cuộc rút chạy càng thêm hỗn loạn. Xe cộ, quần áo, giày mũ đủ các sắc lính, súng ống, đạn dược vứt ngổn ngang dọc đường từ Huế về. Một số sỹ quan, công chức ngụy quyền nhanh chân kiếm được tàu về Đà Nẵng hoặc chạy ra Hạm đội 7, "nhưng mỗi người phải chi tới một vài cây vàng". Số còn lại định lên mấy cái tàu há mồm để về Đà Nẵng, nhưng Quân giải phóng đã bắn chặn đường ra biển, không tàu nào đi nổi. Chúng quay sang cướp phương tiện chạy trốn qua phá Tam Giang về cửa Tư Hiền. "Đám thì đi bằng ghe, thuyền đánh cá, mấy chiếc xe M113 lội nước ào ào một đoạn thì chìm nghỉm, nhiều tên kiếm thùng phi, can nhựa làm phao bơi…". Ông Kiên còn bảo: "Pháo ta chỉ bắn hù, chặn đường rút ra biển thôi, nhưng chính sự hoảng loạn, tuyệt vọng đã khiến cuộc tháo chạy trở thành nỗi kinh hoàng của binh lính địch". Còn ông Nguyễn Kích, 85 tuổi, ở thôn Hiền An, xã Vinh Hiền, thì kể: "Bữa đó, ngoài việc chở bộ đội qua đầm Cầu Hai, bọn tui còn được huy động để trói tù binh". Ông Nguyễn Đình, cùng thôn với ông Kích, cũng góp chuyện: "Mấy anh em tui trói tù binh hết 25 ống lưới". Nếu mỗi ống lưới dài khoảng 25 sải, tính ra hôm đó hai ông đã trói quãng 500 tù binh…

Những nhân chứng lịch sử của những ngày tháng 3 năm 1975 ấy đã giúp chúng tôi hình dung phần nào về cuộc tháo chạy kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đồng thời, cuộc tháo chạy nhục nhã này chính là hồi chuông báo hiệu sự cáo chung của chế độ ngụy quyền miền Nam Việt Nam.

Bị thất bại đau đớn ở Tây Nguyên và nguy cơ mất nốt Thừa Thiên Huế, chính quyền Sài Gòn tuyên bố "tử thủ Huế". Trung tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng 1 chiến thuật - thề thốt trên đài phát thanh: "Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được Huế".

Tuy nhiên, khi "lá chắn thép" bao quanh Huế bị bung từng mảng lớn, rồi Quảng Trị thất thủ, chính quyền Sài Gòn chỉ thị cho quan lính rút bỏ Huế, co về chốt giữ Đà Nẵng. Ngày 22-3, Ngô Quang Trưởng cùng Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 1 tháo chạy về Đà Nẵng bằng đường không.

Vốn đã rệu rã sẵn, binh lính ngụy như "rắn mất đầu", rơi vào thế hoảng loạn, rã đám, mạnh ai nấy tìm đường tháo chạy. Nhưng quốc lộ 1 đoạn phía Nam Huế - đường bộ duy nhất từ Huế vào Đà Nẵng - đã bị cắt đứt, hai sân bay Phú Bài và Tây Lộc thì tê liệt dưới tầm khống chế của pháo binh Quân giải phóng, chỉ còn lối thoát duy nhất là chạy về cửa Thuận An, cửa Tư Hiền để vào Đà Nẵng bằng đường biển. Thế là địch tự chui vào "cái bẫy" khổng lồ mà Quân giải phóng giăng ra ở cửa Thuận An và Tư Hiền!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Đổi thay ở “vùng đất chết”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.