Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Dấu ấn tình nguyện

Vũ Thủy| 26/03/2011 08:52

Tháng 1-1999, để đáp ứng nguyện vọng của tuổi trẻ, Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào

Tháng 1-1999, để đáp ứng nguyện vọng của tuổi trẻ, Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào "Thanh niên Hà Nội xung phong tình nguyện xây dựng Thủ đô và đất nước" (gọi tắt là phong trào "Thanh niên tình nguyện"). Phong trào nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước, trở thành phong trào hành động cách mạng có quy mô và ý nghĩa to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Một chuyến đi trong muôn vàn chuyến đi


Thanh niên tình nguyện Thủ đô ra quân thu gom rác thải, bùn đất làm sạch môi trường sông Kim Ngưu. Ảnh: Nhật Nam


Trong suốt hành trình hơn 10 năm tổ chức và hoạt động tình nguyện, tuổi trẻ Thủ đô không chỉ xung kích tham gia các hoạt động "Vì cộng đồng" trên địa bàn Thủ đô, mà còn tổ chức nhiều chuyến hành trình đến những vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên mọi miền Tổ quốc. Chuyến hành trình dài và có ý nghĩa đối với Hội Tình nguyện thắp lửa trái tim (LHO) TP Hà Nội phải kể đến chuyến hành trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở Lai Châu năm 2010, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 150 sinh viên thành viên của LHO đã tham gia chuyến hành trình mang chủ đề "Ấm lòng nương bản" đến xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tình nguyện trồng rừng, cải tạo giao thông, ôn tập văn hóa, phổ cập tin học cho thiếu nhi.

Nguyễn Đình Giang, SV Trường ĐH Thủy Lợi vẫn còn nhớ như in những cảm nhận ở vùng núi Sìn Hồ (Lai Châu). "4h30 sáng, sương phủ trắng núi rừng Tây Bắc, sau bữa ăn sáng vội vàng, đoàn tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ trồng cây cao su. Trưởng đoàn phân công 4 tổ, mỗi tổ phụ trách một nội dung, từ chuyển dụng cụ lao động, vác bầu cao su, đến vận chuyển hóa chất… Cứ vậy, trong 15 ngày, đoàn chúng tôi đã trồng được 10ha cây cao su, phủ xanh vùng đất trống, đồi núi trọc". Giang là sinh viên lần đầu tiên tham gia tình nguyện, vì thế rất hăm hở từ lúc khởi hành đi Lai Châu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, tạm biệt vùng núi Tây Bắc. "Tôi chỉ biết Lai Châu qua những bài báo, phóng sự truyền hình và những chuyến công tác của bố. Nhưng được đặt chân đến vùng đất này mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con. Đây cũng là dịp để SV chúng tôi rèn luyện, trải nghiệm cuộc sống vùng Tây Bắc".

Sau chuyến hành trình về, nhiều bạn trẻ còn mang đầy cảm xúc trong những trang nhật ký, rồi giới thiệu với bạn bè, người thân. Nguyễn Ngọc Lâm, thành viên đội 8 (LHO) viết: "…Lần đầu tiên tôi đi xuyên trong mưa, đi qua đêm để nhắm tới một đích đến xa xôi mà chính mình còn chưa biết sẽ về đâu, vì tôi chưa đến Lai Châu bao giờ… Tôi cùng nhiều người bạn phải đi một chặng đường dài, ngồi xóc đến chóng cả mặt nhưng cảm nhận được tình đồng đội, nó thiêng liêng và ấm áp vô cùng. Điều ấn tượng cho những sinh viên trẻ đó là cảm nhận được cái nghèo, khó khăn, vất vả của người dân miền quê vùng núi. Nhìn những em nhỏ vượt đồi đi học ở những lán rách nát, mới thấy xót xa, thương và muốn dốc hết lòng tình nguyện…".

Cũng chính sự thông cảm, chia sẻ với học sinh miền núi, trong chuyến hành trình ấy, cứ sau một ngày lao động vất vả, buổi tối, tại Trường Tiểu học Chăn Nưa, thanh niên tình nguyện lại giúp thiếu nhi địa phương ôn tập văn hóa hè; tổ chức hát múa tập thể, chiếu phim. "Chưa bao giờ Chăn Nưa có những ngày ý nghĩa và hạnh phúc như thế. Những đêm giao lưu văn nghệ, chiếu phim của đoàn tình nguyện đã làm cho nhân dân địa phương, đoàn viên thanh niên và thiếu nhi rất phấn khởi. Những lời ca, điệu múa về Lai Châu, về Hà Nội tạo sự gần gũi, nghĩa tình'' - chị Lò Thị Lan, Bí thư Đoàn xã Chăn Nưa khẳng định.

Việc khó có thanh niên

Hơn 10 năm phong trào "Thanh niên tình nguyện" Thủ đô, hàng nghìn công trình, phần việc thanh niên đã được thực hiện; hàng nghìn đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích có mặt ở khắp mọi nơi, tham gia vào đủ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt hơn, phong trào đã thực sự là trường học thực tiễn, là môi trường giáo dục lý tưởng cách mạng và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, là "học kỳ thứ 3" của hàng triệu đoàn viên thanh niên, học sinh. Cũng từ phong trào, nhiều người đã trưởng thành, giữ các cương vị quan trọng trong các tổ chức chính trị, xã hội.

Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội đánh giá, sau mỗi kỳ đại hội Đoàn, nội dung phong trào "Thanh niên tình nguyện" lại tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, là kim chỉ nam cho tuổi trẻ Thủ đô hành động vì an ninh xã hội, vì cộng đồng và bạn bè quốc tế. Mỗi người dân Thủ đô đều có quyền tự hào khi nhìn thấy màu áo xanh tình nguyện với những gương mặt ngời sáng của thanh niên Hà Nội có mặt khắp nơi, từ những tỉnh biên giới xa xôi, đến đường Hồ Chí Minh huyền thoại; trên những công trường, nhà máy, trường học, ở Việt Nam hay trại thương binh trên nước bạn Lào… Họ có thể là những bác sỹ trẻ, những tình nguyện viên hiến máu, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Trước yêu cầu đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi Thủ đô, Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2007-2012) đã cụ thể hóa, bổ sung và quyết định hai phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô" và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp". Từ đây, phong trào "Thanh niên tình nguyện" cùng với "5 xung kích", "4 đồng hành" đã thực sự tạo ra một bầu không khí mới mẻ, một môi trường rộng lớn cho sự cống hiến, sức sáng tạo và tinh thần tình nguyện đầy vô tư, niềm đam mê và sự tin tưởng lớn lao của tuổi trẻ Thủ đô thời kỳ mới. Có lẽ, không có thời điểm nào phong trào "Thanh niên tình nguyện" lại có cao trào như năm 2010, hành động với phương châm "Thực chất, chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả". Từ thành phố đến cơ sở, đâu cũng có hoạt động thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nào tiếp sức mùa thi, tập huấn sử dụng internet, đưa sinh viên về 577 xã, phường, thị trấn cùng hoạt động; nào khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo, cựu TNXP, hiến máu tình nguyện, hỗ trợ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… Nét nổi bật trong phong trào "Thanh niên tình nguyện" 2010 ở Hà Nội là việc tuyển chọn 1.000 tình nguyện theo các chuyên ngành y tế, du lịch, môi trường, giao thông góp phần phục vụ thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phong trào "Thanh niên tình nguyện" là sự tiếp nối vẻ vang, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức trách nhiệm và bầu nhiệt huyết nóng bỏng của lớp lớp thế hệ trẻ Hà Nội đối với Thủ đô và đất nước. Những bài học sâu sắc về sự nhạy bén, về lựa chọn nội dung phong trào, tên gọi, cách thức phát động, tổ chức, chỉ đạo phong trào, về phương pháp vận động thanh niên tham gia và bài học về giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên được rút ra từ phong trào "Ba sẵn sàng" và "Thanh niên tình nguyện" là hành trang vô cùng quý giá cho những người làm công tác Đoàn của Thủ đô hôm nay. Với sự nhanh nhạy, trí tuệ và quyết đoán của những người làm công tác thanh niên, với tấm lòng thiết tha được cống hiến cho sự phồn vinh dân tộc của những người trẻ tuổi, các thế hệ thanh niên Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm mong đợi về một lớp trẻ là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Dấu ấn tình nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.