(HNM) - Thiếu ý thức, thiếu sự quan tâm, thiếu ngân sách và vô vàn lý do khác khiến cho việc quản lý và xử lý rác thải khu vực nông thôn Hà Nội thời gian qua hầu như bị bỏ ngỏ.
Rác thải nông thôn đang là vấn nạn cần được giải quyết. Ảnh: Thái Hiền |
Nâng cao ý thức người dân
Trong khi công tác thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn đang bị thả nổi thì một số địa phương lại có những kinh nghiệm rất hay trong làm sạch môi trường ở cộng đồng. Ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, nhiều năm nay đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy ước về vệ sinh môi trường. Năm 2009, xã tổ chức phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ đầu nguồn, cấp cho mỗi hộ gia đình 2 thùng nhựa đựng rác phân hủy và không phân hủy. Sáng chủ nhật hằng tuần, toàn xã đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường thu gom rác về điểm tập kết. Hiện xã đã thành lập được 13 tổ thu gom rác với 29 lao động được cấp bảo hộ lao động và trang bị xe chở rác. UBND xã cũng đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng khu xử lý rác tập trung và ký hợp đồng với công ty vệ sinh môi trường vận chuyển rác về nơi xử lý. Ông Khuất Duy Hải, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chia sẻ: Rác thải tràn lan nguyên nhân một phần cũng do ý thức người dân còn kém. Do đó, xã đã tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông và các vật liệu gây hại cho môi trường.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác VSMT, song theo ông Hải việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nông thôn chỉ có thể đặt ra đối với khâu thu gom rác, tập kết, còn việc xử lý rác ở đâu, tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường như thế nào nhất thiết phải có sự định hướng của các ngành chức năng cũng như có cơ chế khuyến khích các DN có chức năng hoạt động trong lĩnh vực này vào cuộc.
Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài việc nâng cao ý thức của người dân trong BVMT, một trong những biện pháp có thể làm ngay để thu gom rác thải ở nông thôn là các cấp chính quyền ở địa phương cần thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải; nhân rộng mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải.
Vào cuộc tích cực, đồng bộ
Nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cho người dân khu vực ngoại thành, tháng 9-2009, đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2010" đã được triển khai. Theo đó, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được giao cho các quận, huyện, thị xã quản lý và thực hiện theo phương thức xã hội hóa, phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Một trong những giải pháp được TP ưu tiên thực hiện đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân về BVMT như không đổ rác, phế liệu bừa bãi, không xả rác và nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước mặt, phân loại rác tại nguồn... Việc xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về BVMT cũng được TP chỉ đạo các ngành khẩn trương thực hiện để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.
Để khắc phục tình trạng "Thừa rác, thiếu bãi đổ", TP đã đưa ra các giải pháp triển khai đầu tư, mở rộng các khu xử lý chất thải rắn, khu chôn lấp rác hợp vệ sinh. Ngoài ra, một số huyện như Chương Mỹ, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mỹ Đức cần triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo đề án được phê duyệt. Đối với các xã, thị trấn có bãi chôn lấp rác phân tán, nhỏ lẻ cần thực hiện đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường. Còn đối với chất thải trong chăn nuôi, cấp ủy, chính quyền các cấp cần vận động nhân dân xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi tại gia đình (trong đó chủ yếu là xây dựng hầm biôga). Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, trước mắt các địa phương cần quy hoạch các làng nghề, cụm nghề theo hướng xây dựng các điểm sản xuất tập trung, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra xa khu dân cư; 100% làng nghề phải có quy chế quản lý môi trường.
Song song với thực hiện đề án trên, tháng 6-2009, UBND thành phố có quyết định phê duyệt chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (giai đoạn 2009-2020). TP xác định đến quý III năm 2010, sẽ đầu tư thí điểm mô hình xử lý rác thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai và một số khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để việc xử lý rác thải ở ngoại thành được triệt để thì trước tiên năng lực xử lý rác của thành phố phải được tăng cường. TP nên mạnh dạn đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý tái chế (không chôn lấp), quy hoạch thêm một số điểm xử lý rác thải theo vùng. Rác thải nông thôn đã và đang trở nên bức thiết, bởi việc thu gom của các tổ dịch vụ ở các thôn, xóm chỉ là biện pháp tạm thời, còn việc xử lý như thế nào đối với chất thải rắn và chất thải lỏng để không gây ô nhiễm môi trường là những vấn đề mang tính kỹ thuật mà các tổ dịch vụ thu gom rác thải không thể giải quyết nên cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Từ năm 2011 đến 2015, Hà Nội sẽ hoàn thành việc xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp thành phố; nâng cấp và cải tiến dây chuyền công nghệ tại các khu xử lý hiện có và tổ chức vận chuyển rác để đi xử lý tập trung cho tất cả các xã còn lại để bảo đảm 100% số xã được xử lý rác thải sinh hoạt. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.