Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Cách trị quan tham

Nguyễn Ngọc Tiến| 11/04/2012 06:34

(HNM) - Trị quan tham theo luật lệ vua ban hành không chỉ giữ nghiêm phép nước, mà còn là lời cảnh báo cho các quan đã trót nhúng tràm nhưng chưa bị phát hiện, đồng thời để các quan biết giữ mình. Trị quan  tham nhũng là một trong nhiều cách để hạn chế tệ nạn này.

Trịnh Khả (1403-1451), người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Vì có công, ông được mang quốc tính nhà Lê, vì thế sử vẫn chép ông là Lê Khả. Tổ tiên của Trịnh Khả từng có người làm quan dưới thời Trần, sang thời Hồ, thân sinh của Trịnh Khả là Trịnh Quyện làm Chánh tổng. Sách "Đại Việt thông sử" chép: "Ông 16 tuổi, đi cày ruộng chăn trâu, ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi. Có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, bèn dẫn về nuôi làm nô, ít lâu sau, y xem tướng bảo rằng: Đứa bé này hình rồng mắt hổ, khỏe nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ mao tiết. Chợt lại bảo: Ngày sau đuổi chúng ta tất là mày, phải giết ngay đi, nếu không sẽ lo ngại về sau". Trịnh Khả trốn được, sau đó có mặt trong Hội thề Lũng Nhai và trở thành một trong những vị tướng của Lam Sơn, lập được nhiều công lao. Năm 1428, ông được Lê Lợi phong hàm Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tả lân Hổ vệ Tướng quân, tước Liệt hầu, có tên trong bảng khắc ghi danh sách 93 vị công thần khai quốc. Đầu đời Lê Nhân Tông, Trịnh Khả được phong hàm Nhập nội suy Trung tán lý Dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang Trấn phủ quân, Thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ ở Tây Đạo, tước Quận thượng hầu. Lúc này, cùng với Lê Thụ, ông là bậc tể phụ của triều đình, nhưng khác với Lê Thụ, ông là người thẳng thắn, biết tự nhận lỗi. Sinh thời, ông rất ghét bọn tham quan ô lại và bọn xu nịnh. Sách "Đại Việt thông sử" viết: "Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết". Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác, án làm xong sắp đem chém thì tả hữu xin tha, ông nói: "Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện, sao tha được". Để kẻ bị tội tâm phục khẩu phục, Trịnh Khả cho tra xét lại và cuối cùng vẫn xử tội chết, điều đó khiến các quan vừa nể vừa sợ.

Phan Thiên Tước dâng sớ hạch tội một đại thần của triều đình nhà Lê là Tiền quân Tổng quản Lê Thụ, với 2 tội danh: Đang có quốc tang mà dám cưới thiếp và làm giàu trái phép bằng cách sai người nhà buôn bán vụng trộm với người nước ngoài, rồi xây dựng nhà cao cửa rộng. Lê Thái Tông ngạc nhiên vì ông nghe nhiều tin đồn là không ít mệnh quan đua nhau sai quân lính dưới quyền mình xây dựng nhà cửa, lâu đài... mà không thấy Thiên Tước đả động đến. Thái Tông bèn hỏi: "Sao khanh chỉ tâu có một mình Thụ? Thế còn các đại thần khác không ai làm như Thụ hay sao?". Thiên Tước biện minh: "Tâu bệ hạ, đô đốc, tư khấu, tư mã, đều là bậc đại thần cố mệnh cả, cho nên cần phải giữ mình ngay thẳng để còn dẫn dắt mấy trăm quan khác. Các vị ấy làm việc gì nhất thiết đều phải theo phép hay tâu cáo trước rồi mới được làm. Thần thấy Thụ đã làm những điều trái phép nên không thể không nói. Vả lại Thụ có mấy việc, nên tâu gồm một thể. Nay bệ hạ chỉ giáo như vậy, thần xin vâng mệnh đi khám xét nhà cửa của tất cả các đại thần khác". Rồi sau một thời gian, điều tra Thiên Tước dâng sớ cả thảy 20 người đã làm nhà mới. Vào đời vua Lê Nhân Tông, Lê Nhân Lập là con của Thiếu úy Lê Lan cùng với bọn người xấu trong kinh thành là Nguyễn Thọ Vực họp nhau đánh bạc, trộm cướp. Tệ hại hơn, Lập lợi dụng quyền lực của cha  để nhũng nhiễu, nhận hối lộ của kẻ cần cầu cạnh cha mình. Trước những việc làm bậy, triều đình đã sai quân đến tận nhà Vực, dụ Lập và đồng bọn ra ngoài rồi thẳng tay chém đầu.

Vua Lê Thánh Tông là người kiên quyết chống tham nhũng nhưng tùy theo tội mà xử nặng nhẹ, song có khi tội nặng nhưng ông vẫn tha mạng sống để họ hối lỗi từ đó mà phụng sự triều đình tốt hơn. Thượng thư các bộ nếu có hành vi tham nhũng thì cứ chiếu theo luật mà định tội: "Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm công cán công bằng, đáng phải luận bọn này vào tội tử hình". Có kẻ phạm tội bị buộc vào tội hình và có người đứng ra xin cho nộp tiền chuộc nhưng Lê Thánh Tông  bảo bầy tôi trong triều rằng, xin cho người mắc tội được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi, thế là làm trái cả phép tắc của tổ tông và vua hạ lệnh cho pháp ty xét xử trị tội theo luật định. Một lần, con trai của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt cưỡi ngựa phi thẳng vào chỗ đông người, đã gây ra tai nạn mà còn bỏ mặc họ. Khi biết là con của Lê Thiệt, Thánh Tông đã sai lính nọc ra đánh 50 roi và cách chức ông bố. Lê Thánh Tông cũng đã cấm vợ các quan lớn không được đi lại, chơi bời với nhau vì sợ họ  cấu kết rồi đi cửa hậu, con cái của các quan lớn cũng không được lợi dụng chức quyền của bố mẹ mình để làm các việc phi pháp.

Vua Minh Mạng (trị vì từ 1820-1841) là vua của nhà Nguyễn, không chỉ ban chiếu dụ nhằm đưa ra các chủ trương hạn chế, ngăn ngừa nạn tham nhũng mà ông còn xử lý rất nghiêm khắc, đặc biệt là hàng quan theo Hoàng Việt luật lệ. Tham nhũng trên mọi lĩnh vực đều căn cứ vào mức độ phạm tội mà xét xử, tội nặng thì cho chém đầu rồi bêu ở chợ hay chặt tay. Vua Minh Mạng cho rằng xử tội chết có thể khắt khe nhưng là rất cần thiết để ngăn chặn tệ tham nhũng và làm gương cho kẻ khác. Vụ của Nguyễn Đức Tuyên ăn cắp nhựa thơm bị phát hiện, vua Minh Mạng dụ rằng: "Tội của Tuyên đáng lẽ cho trói mang giong ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm treo lên, xóa tên của nó ra khỏi sổ quan, để lại cho nó cái đầu khiến cho nó suốt đời phải hối hận và nhờ đó mọi người biết mà tỉnh ngộ". Vụ Đinh Văn Tăng tham nhũng trong cân đong thóc gạo bằng việc đổi cách làm phương hộc (một dụng cụ đo lường) nên bị chém đầu và chặt một bàn tay ướp muối phơi khô rồi treo lên để mọi người thấy mà ghê. Đối với người thân, Minh Mạng cũng xử lý nghiêm khi họ phạm tội, ông không phân biệt người thân hay sơ, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.

Vua Tự Đức (trị vì từ 1847-1883) cũng là vị vua của triều Nguyễn nổi tiếng chống tham nhũng, hối lộ, luôn xử nghiêm bằng theo luật. Vũ Dinh là vị quan thanh liêm, chính trực có lần cho lính theo dõi và bắt quả tang người coi kho lấy trộm tiền, giấu vào túi áo rồi tìm cách trốn ra quán uống rượu. Bản án được lập: "Nhất nhật nhất tiền/Thiên nhật thiên tiền/Thằng cứ mộc đoạn/Thủy trích thạch xuyên" (nghĩa là: Một ngày một đồng/Ngàn ngày ngàn đồng/Dây cưa gỗ đứt/Nước chảy đá mòn). Tội biển thủ nếu không trị nặng ban đầu thì một ngày kia, kho tàng của Nhà nước sẽ trở nên trống rỗng, cho nên tội này phải tội chém. Nhà vua xem xong liền phê chuẩn y án. Tháng 12-1854 (năm Giáp Dần), sau khi một thương nhân Trung Quốc là Chu Trung Lập gửi đơn lên triều đình tố giác quan lại nhiều địa phương ăn của đút lót thương thuyền ngoại quốc. Vua Tự Đức liền phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ vụ việc và đã phát hiện những tố giác trên là có thật. Chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức. Nhiều quan lớn cũng bị dính vào vụ này như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên Đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày, Tri phủ Điện Bàn Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, Án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc, Kham sợ quá nên lâm bệnh chết trong tù. Đây là vụ án xử hối lộ lớn nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến.

Đó chỉ là vài trong số rất nhiều vụ việc tham nhũng bị vua, chúa các triều đại phong kiến trừng trị nghiêm khắc. Song cũng không ít quan tham tội rành rành khiến dân chúng oán thán nhưng cũng không bị hặc tội mà  "Thất trảm sớ" của Chu Văn An bị vua Trần Dụ Tông từ chối là một ví dụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Cách trị quan tham

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.