Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: “Bóc vỉa” vì chế tài không đủ mạnh

Đức Trường - Ngọc Hải| 23/07/2011 08:21

(HNM) - Trở lại Quảng Ninh, chúng tôi được nghe nhiều chuyện mới, chuyện lạ về

Nhận diện được các dạng khai thác than trái phép sẽ góp phần tìm ra biện pháp phù hợp để dẹp nạn "than thổ phỉ". Và chỉ khi tìm ra được nguyên nhân gốc của mọi nguyên nhân, chúng ta mới có hướng giải quyết triệt để.

Lợi nhuận và thủ đoạn


Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ một sà lan chở “than thổ phỉ” sang Trung Quốc.


Dù "than thổ phỉ" trước đây hay bây giờ được phân loại thành dạng này hay dạng khác thì nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do lợi nhuận từ "than thổ phỉ" quá lớn. Nguồn lợi quá lớn từ "than thổ phỉ" làm mờ mắt không chỉ những người dân kiếm than tự phát vì lẽ mưu sinh hằng ngày hay những băng, nhóm làm than có tổ chức, trong đó có cả những doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Thông thường giá một tấn than lậu thường chưa đến 1/3 giá than chính thức. Giả sử người ta mua một tấn than lậu rồi hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ, trừ mọi chi phí đi, khi bán theo giá chính thức sẽ lãi ít nhất là gấp đôi.

Trên thị trường hiện nay, giá 1 tấn than trong nội địa (trừ giá bán cho ngành điện) vào khoảng từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng tùy thuộc phẩm cấp của từng loại. Để cho dễ tính, ta cứ tạm lấy giá thấp nhất 1,2 triệu đồng/tấn than loại bình thường thì giá 1 tấn than lậu khoảng 400.000 đồng chưa kể các chi phí khác. Nếu than lậu được biến thành than chính thức và bán trong nội địa thì đã lãi gấp đôi. Và lò "than thổ phỉ" nào trúng vỉa than chất lượng cao thì lãi có thể tăng gấp ba lần nếu xuất đi Trung Quốc, bởi giá xuất khẩu than đi Trung Quốc khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng một tấn tùy loại. Lợi nhuận lớn như thế nên người ta dùng mọi thủ đoạn để khai thác than lậu vì giá rẻ và biến than lậu thành than sạch để bán trong nước hoặc xuất khẩu.

Do lợi nhuận thu được từ "than thổ phỉ" khá cao nên giới chủ lò sẵn sàng trả tiền nuôi những người tham gia mọi khâu từ khai thác đến vận chuyển than tới nơi "ăn" than. Từ những tên chỉ chỏ, lái máy xúc, đối tượng bảo kê đến người lái xe vận chuyển… đều được trả tiền khá hậu hĩnh. Còn đối với người làm phu mỏ, mỗi ngày họ chỉ kiếm được 100.000 đồng.

Ngoài ra, còn một nhóm nguyên nhân quan trọng khác bắt nguồn từ hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các phòng, ban chức năng của thành phố Hạ Long. Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép trên địa bàn chỉ rõ 3 nguyên nhân khiến cả hệ thống chính trị không tạo được sức mạnh tổng hợp. Thứ nhất là cấp ủy, chính quyền phường, phòng, ban chức năng chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tài nguyên than, đất rừng. Thứ hai là công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật có liên quan đến khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý đất, rừng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Thứ ba là việc nắm bắt tình hình, xử lý thông tin, phối hợp giữa các lực lượng còn sơ hở, thiếu đồng bộ.

Triệt đầu ra của than lậu

Ông Vũ Hồng Thanh, Bí thư Thành ủy TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Nghị quyết 05-NQ/TU mới được thông qua và được phổ biến tới từng chi bộ đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép trên địa bàn. Nghị quyết nghiêm cấm cán bộ, đảng viên điện thoại, đi gặp gỡ, tiếp xúc xin giảm nhẹ cho các trường hợp vi phạm trong khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép. Đồng thời cũng nêu rõ: "Đơn vị, địa phương nào để khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép tái diễn phức tạp mà không chủ động phát hiện, có biểu hiện thờ ơ, bao che, tiếp tay cho các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép thì phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có liên quan".

Dù cấp ủy, chính quyền các cấp của TP Hạ Long có nỗ lực đến mấy trong việc phá bỏ các điểm lò khai thác trái phép mà không cắt được đường vận chuyển và đầu ra của than lậu thì hiệu quả sẽ không cao - ông Vũ Hồng Thanh khẳng định. Đường vận chuyển thuộc địa bàn thành phố thì thành phố có thể đặt barie, cử lực lượng chốt chặn, đường vận chuyển trên địa bàn tỉnh thì tỉnh có thể cử lực lượng đặc biệt ngăn chặn, nhưng khi than vận chuyển ra tới các tỉnh xung quanh như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang thì tỉnh chưa có cơ chế phối hợp. Chính vì thực tế này, UBND TP Hạ Long đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo để Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Giang phối hợp với Quảng Ninh trong việc kiểm tra, bắt giữ phương tiện vận chuyển than trái phép và phải có chế tài xử lý như Chỉ thị 406 TTg (ngày 8-8-1994) của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo nổ, đèn trời thì mới đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn các phương tiện vận chuyển than sang các tỉnh khác sẽ ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng vận chuyển đã tìm mọi cách để hợp thức hóa than lậu bằng chứng từ, hóa đơn. Cảng "ăn" than lậu nổi tiếng nhất nằm ở chân cầu Đá Bạc phía bên huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Những năm trước đây, xe chở than lậu chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm. Đợt này xe chủ yếu chạy ban đêm, nhưng đều có giấy tờ hợp lệ. Than từ cảng này được đưa đi khắp nơi. Không phải vô cớ mà cảng than này nằm đúng khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.

Phải có chế tài đủ mạnh

Đó là câu trả lời của Bí thư Thành ủy TP Hạ Long Vũ Hồng Thanh khi phóng viên hỏi về biện pháp để dẹp "than thổ phỉ". Thời gian qua, chính quyền từ cấp phường, xã đến cấp thành phố và cấp tỉnh đã phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)… để dẹp "than thổ phỉ" nhưng mọi nỗ lực đều dừng lại ở mức xử phạt hành chính và tịch thu tang vật. Mức xử phạt này quá nhẹ so với lợi nhuận kiếm được từ than và cũng không đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm.

Mong mỏi của Bí thư Vũ Hồng Thanh cũng giống như mong mỏi của chủ tịch các phường đang là điểm nóng như Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Khánh… Thậm chí, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Núi Béo, nói thẳng: "Điều cốt yếu để dẹp được nạn "than thổ phỉ" là nâng chế tài từ xử phạt hành chính lên xử lý hình sự. Nếu vẫn chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính thì rất khó". Lại có ý kiến cho rằng, việc xử lý các sai phạm trong khai thác than thời gian qua mới chỉ là "bóc vỉa", hớt được bề nổi, dẹp bỏ những sai phạm đã quá rõ ràng mà chưa triệt tận gốc từ những căn nguyên.

Không phải tự nhiên tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông báo số 109/TB-VPCP về giải pháp quản lý tổng thể tài nguyên than vùng Quảng Ninh vừa mới diễn ra ngay ở Hạ Long, ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị: "Các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu than trái pháp luật cần phải được xử lý hình sự". Ông Đỗ Thông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường phối hợp với chính quyền và Vinacomin đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát vùng biên giới, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc xuất lậu than; chỉ đạo các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác, kinh doanh than phối hợp có hiệu quả trong công tác bảo vệ tài nguyên. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục xem xét điều chỉnh giá bán than nội địa phù hợp với giá than xuất khẩu.

Nạn "than thổ phỉ" có lúc lắng đi, lúc bùng lên dữ dội. Câu hỏi được đặt ra là đến bao giờ những đề xuất, kiến nghị trên được xem xét thông qua, mọi giải pháp được thực hiện đồng bộ, triệt để để nạn "than thổ phỉ" bị triệt phá hoàn toàn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: “Bóc vỉa” vì chế tài không đủ mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.