(HNM) - Những năm gần đây, chính sách ưu đãi người có công liên tục được bổ sung, hoàn thiện, góp phần bảo đảm cho người có công và gia đình họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của xã hội.
Quan tâm, chăm lo thường xuyên
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công luôn được quan tâm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện. Đến nay, cả nước đã xác nhận các đối tượng người có công với hơn 9 triệu người, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương binh, bệnh binh,...
Người có công ở Hà Nội thường xuyên được khám bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí. |
“100% người có công đã được đón nhận sự quan tâm, chăm lo thường xuyên từ các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội. Đại đa số họ và gia đình họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú” - ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay.
Thực hiện nhiệm vụ “Không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, từ năm 2016 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương rà soát hồ sơ tồn đọng và thí điểm giải quyết tại các tỉnh: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và TP Đà Nẵng. Với nhiều biện pháp linh hoạt, các cơ quan chức năng đã xác nhận thêm hàng nghìn trường hợp người có công.
Nhờ sự quan tâm, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, đến nay, TP Hà Nội cơ bản không còn hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng, không còn những vụ việc khiếu nại phức tạp liên quan đến chính sách ưu đãi người có công. Một số hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ tưởng chừng không có hướng giải quyết, thì đã được giải quyết thấu đáo. Ông Trần Văn Tính, trú tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) cho biết, người thân của gia đình ông là cụ Trần Văn Ngóc, sinh năm 1928, tham gia cách mạng từ năm 1945, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở kháng chiến, bám đất, giữ làng. Bị địch phát hiện, bắt giữ, đánh đập dã man, cụ Ngóc hy sinh tháng 12-1950. “Năm 2017, gia đình tôi cùng các cơ quan chức năng thu thập thông tin, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xin ý kiến công khai và trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt. Sau bao năm chờ đợi, hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với cụ Trần Văn Ngóc đã được giải quyết” - ông Trần Văn Tính thông báo.
Không những vậy, chế độ ưu đãi người có công cũng được bổ sung, mở rộng. Điển hình là chế độ trợ cấp người phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,… Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2007-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của trung ương và các địa phương đã vận động được gần 6.000 tỷ đồng, hỗ trợ hàng triệu lượt gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,...
Mở rộng đối tượng
Không thể phủ nhận điểm tiến bộ, tính ưu việt từ việc cải cách chính sách ưu đãi người có công trong thời gian qua, song quá trình triển khai còn bất cập, hạn chế. Chính sách chưa có chế độ ưu đãi với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, người bị bắt tù đày sau ngày 30-4-1975; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác. Thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, trong khi thân nhân thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên còn sống lại được hưởng chế độ này.
Căn cứ, điều kiện để xác nhận thương binh, liệt sĩ theo quy định hiện hành có một số điểm chưa phù hợp. Chẳng hạn, Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi năm 2012, ghi rõ: “Đối tượng được xem xét xác nhận thương binh, liệt sĩ khi “trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Theo đó, trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải trực tiếp tham gia truy bắt, bắt giữ, ngăn chặn hành vi phạm tội đang xảy ra mà bị thương, hy sinh mới được xác nhận là thương binh, liệt sĩ. “Quá trình đấu tranh chống tội phạm phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, chiếu theo quy định này, một số trường hợp sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi với người có công” - Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an phản ánh.
Ngoài ra, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực người có công có điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình cải cách thủ tục hành chính, làm chậm thời gian giải quyết với một số nhóm đối tượng. Nhiều quy định trong lĩnh vực người có công cũng bộc lộ sự cứng nhắc, chồng chéo, khó triển khai,…
Để lấp đầy những khoảng trống nêu trên, chính sách ưu đãi người có công nên điều chỉnh chế độ trợ cấp với nhóm đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; bổ sung chế độ trợ cấp một lần với thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động và một số đối tượng khác. Do đó, chính sách ưu đãi người có công cũng phải có cuộc cải cách toàn diện, hiệu quả hơn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.