(HNM) - Trên đường hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, Hà Nội đang có những thời cơ, vận hội cũng như những thách thức đan xen. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực cho công cuộc CNH-HĐH là một trong những nhiệm vụ quan trọng
Trọng dụng nhân tài
Hà Nội đã xây dựng và triển khai 4 đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN); xây dựng cơ chế đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, nhân lực có trình độ cao, tay nghề cao, Việt kiều và chuyên gia nước ngoài. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã áp dụng cơ chế đặc thù, tổ chức thi, tuyển chọn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và người có trình độ thạc sĩ để đào tạo cán bộ nguồn.
Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). |
Theo Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô vừa ban hành, việc tuyên dương thủ khoa xuất sắc đã trở thành một phần trong chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội. Hằng năm, thành phố đều tổ chức lễ tuyên dương sinh viên xuất sắc, thủ khoa các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và có chính sách thu hút, tuyển dụng những sinh viên có kết quả học tập cao, tạo môi trường công tác tốt, thu hút những trí thức giỏi, động viên họ nỗ lực công tác, cống hiến. Cùng với đó, nhiều đối tượng được ưu tiên tiếp nhận hoặc xét đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng. Sau 2 năm công tác, họ có thể được ưu tiên cử đi đào tạo sau ĐH ở trong nước hoặc nước ngoài; hỗ trợ 30 lần lương tối thiểu làm luận văn thạc sĩ, 80 lần lương tối thiểu khi làm luận án tiến sĩ và được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu...
Các cơ chế, chính sách được ban hành đang từng bước đi vào cuộc sống. Đến nay, thành phố đã có 8 cơ sở giáo dục công lập thí điểm thực hiện trường chất lượng cao và 4 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Tính từ tháng 7-2013 đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận 61 thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, không qua kỳ thi công chức, viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính của thành phố. Năm 2015, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội bổ sung tài chính cho Quỹ khuyến khích và đào tạo tài năng của thành phố 20 tỷ đồng (năm 2013 chỉ có 5 tỷ đồng), bảo đảm đủ kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài của thành phố.
Xây dựng tiềm lực
Với việc tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, Hà Nội xác định, phát triển nguồn nhân lực cao không thể tách rời các thiết chế giáo dục - đào tạo trên địa bàn. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập cuối tháng 12-2014 với kỳ vọng là một cơ sở giáo dục ĐH chất lượng cao, xứng tầm với nền giáo dục phát triển, có thể làm đối tác tương xứng để phối hợp đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho Thủ đô. Với một trường ĐH của riêng mình, Hà Nội có thể chủ động kế hoạch đào tạo giáo viên, cán bộ có trình độ ĐH và trên ĐH, theo yêu cầu về số lượng, trình độ, chuyên ngành, tiến độ, đáp ứng cao nhất nhu cầu. Đồng thời, chủ động đào tạo những chuyên ngành, bộ môn mang bản sắc đặc trưng của văn hóa và con người Hà Nội, như văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, môi trường, quản lý đô thị Hà Nội… và tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, cán bộ các ngành.
Góp sức vào sự phát triển cũng như tham gia vào đội ngũ trí thức của Thủ đô không thể không kể đến 66 trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn Hà Nội với hơn 1.000 giáo sư và phó giáo sư, 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.000 thạc sĩ và gần 11.000 cử nhân với khoảng 500.000 sinh viên chính quy các hệ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước", đội ngũ trí thức ở các trường ĐH, CĐ đã có những đóng góp to lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực KH&CN, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước.
Các trường đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, công tác giảng dạy, công tác kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra, phù hợp với thời kỳ mới. Mở rộng cơ cấu, quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa nghề; phát triển các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, đào tạo theo năng lực, đáp ứng yêu cầu học tập của xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập được tăng cường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại. Từ năm 2010 đến nay, các trường trên địa bàn Hà Nội đã triển khai, nghiệm thu hơn 600 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, gần 7.000 đề tài cấp bộ, gần 10.000 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và 3.000 công trình khoa học, những cải tiến ứng dụng được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của các trường có tính ứng dụng cao trong sản xuất và cuộc sống, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho Hà Nội. Việc đầu tư đào tạo nghề và kỹ năng mềm cho sinh viên được quan tâm. Từ những ngôi trường này, các trí thức trẻ tài năng, tâm huyết tiếp tục tham gia vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Xác định rõ vị thế và tiềm lực, cơ hội và thách thức, với định hướng tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, chắc chắn Hà Nội sẽ có được bước đột phá trên con đường xây dựng và hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.