Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 23: Họ mãi là anh hùng...

Hà Trang| 22/10/2011 07:22

(HNM) - Trốn nhà, theo Giải phóng quân ra cứ đánh giặc khi mới mười sáu tuổi, thấy các chị ốm nhóc, các anh đuổi về. Năm lần, bảy lượt, vừa năn nỉ xin theo, vừa lăn xả vào làm đủ việc, nấu nướng, may vá, cứu chữa thương binh, vận chuyển vũ khí... việc gì các chị cũng làm chu đáo, cuối cùng đơn vị phải chấp nhận.

Bom đạn không sợ, hy sinh không sợ, gian khổ không chùn bước, nhưng nhiều chị lại sợ ma. Con gái mà. Mấy chị tâm sự: "Đánh đồn, tải đạn... gì cũng mần được, nhưng đi đêm phải cho một anh đi cùng, chúng em sợ... ma lắm. Mà không chỉ sợ ma đâu, thiệt tình ban đầu bom đạn tùm lum cũng sợ chết lắm, nhưng cứ nghĩ tới những tấm gương hy sinh của các chiến sĩ tàu không số là như có thêm sức mạnh vượt qua tất cả"...

Bài 22: Các con của má Hai Thắm 


Các CCB đang kể về những ngày bảo vệ bến bãi. Ảnh: Dương Phúc

Trưa nắng như chan lửa, tôi và bà Nguyễn Thị Lắm - Phó ban Liên lạc CCB Đoàn 962 tỉnh Bến Tre dò dẫm từng đoạn đường với bụi kinh hồn trên chiếc xe máy cà tàng lọc cọc lần tìm vào nhà nữ du kích Lê Thị Thu Huệ - người có mặt trong bức ảnh đội nữ du kích vận tải vũ khí bằng xe trâu đã gây ấn tượng mạnh cho tôi khi lần đầu nhìn thấy trong cuốn sử Đoàn 962. Bức ảnh đen trắng đôi chỗ bị mờ do kỹ thuật in, nhưng nổi lên trên mênh mông nước trắng xóa của Đồng bằng sông Cửu Long là hơn chục cô gái, tóc búi gọn với những khuôn mặt xinh xắn, tinh nghịch nhưng rạng ngời tự tin. Tất cả đều đang độ tuổi mười tám, đôi mươi - tuổi mà những tà áo bà ba mỏng manh gặp gió chẳng giấu nổi sức sống đang căng tràn. Nếu không có dòng chú thích ở dưới "Đội nữ vận tải vũ khí A 101 - Bến Tre" hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là ảnh các thôn nữ trong ngày mùa đang làm dáng bên bờ kênh...

- Rồi sự thể thế nào mà các chị đang ở các bến, đợi tiếp nhận, vận chuyển vũ khí do các chuyến tàu không số từ Bắc đưa vào, lại quay ra dùng xe trâu, xuồng hai đáy chở vũ khí từ biên giới Campuchia cho các chiến trường?

- Mình nhớ như in chuyến tàu cuối cùng vào Bến Tre - bà Lắm kể. Bữa đó, trinh sát kỹ thuật của bến bắt được điện báo của địch hô hào nhau điều hết lực lượng chuẩn bị chặn đánh một chiếc tàu nghi là của Việt cộng đang tiến vào bờ. Ban chỉ huy bến điện khẩn cấp lên trên, nhưng không hiểu sao tàu ta không nhận được tin. Cán bộ, chiến sĩ của bến như ngồi trên đống lửa vì biết chắc đồng chí, đồng đội mình sẽ phải hy sinh, vũ khí sẽ mất. Khi cách bến 35 hải lý, phát hiện địch bao vây, tàu của ta quay đầu chạy ra hải phận quốc tế nhưng không kịp. Sau một đêm chiến đấu ngoan cường, ta tiêu diệt được nhiều tàu chiến, máy bay của địch, nhưng do chúng gọi tiếp viện quá đông, ta đã phải chọn phương án phá hủy tàu. Giữa đêm mưa gió, tất cả lực lượng ở bến được huy động "chạy đua" với Sư đoàn 7 bộ binh của địch để tìm những thủy thủ sống sót bơi vào bờ. Cuối cùng ta đón được gần hết các chiến sĩ, chỉ có hai người bơi lạc sang Ba Tri. Nghe bà con đi chợ về kể, các đồng chí đó bị đánh đập tra tấn hết sức dã man, nhưng không ai khai báo, địch tức tối mổ bụng moi gan phơi ra chợ để khủng bố nhân dân. Con tàu không số mãi nằm lại nơi cửa biển Thạnh Phú. Nhiều chiến sĩ hải quân anh dũng hy sinh đã hóa thành sóng nước ngàn năm vỗ yên bờ bãi quê hương. Sau trận đó cho đến ngày giải phóng, vùng biển Bến Tre vắng bóng những con tàu không số, nhưng trong lòng dân và chiến sĩ Đoàn 962, tinh thần chiến đấu ngoan cường, tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Hải quân đã trở thành tượng đài bất tử.

- Kể từ khi bến bị lộ, trên chỉ đạo chuyển lực lượng sang vận chuyển vũ khí từ biên giới Campuchia về. Tuyến đường này còn nguy hiểm hơn với rất nhiều "tử lộ", "tử kênh", anh em mình hy sinh cũng nhiều - bà Lắm giọng nghẹn lại, mắt ngân ngấn nước.

Nhà chị Lê Thị Thu Huệ tiếng là ở phường mà nằm sâu tít trong những khu vườn đường đất, ao hồ chi chít, như vùng dân thuần nông. "15 tuổi, tôi đang ở trong đội văn nghệ xung kích của xã, thấy các chị cùng đội xung phong vào đơn vị của Cục Hậu cần X15 rầm rập, sốt ruột quá, tôi cũng xin theo - chị Huệ kể. Trung đội nữ của chị có 20 người. "Mấy bả lớn làm chỉ huy, chị em thương yêu nhau như người một nhà, có tiền, vải, thuốc men gia đình chuyển lên, đều gom lại xài chung". Thường là bảy, tám giờ tối các chị mới đi vận chuyển vũ khí, nhận hàng do các xuồng "tăng bo" từ tàu không số vào, chở tiếp qua sông Hàm Luông, vác chuyển qua các lộ của tỉnh Bến Tre. Những hôm trời mưa, qua cầu khỉ trơn nhẫy, mấy anh phải đứng làm cọc tiêu cho các chị vịn qua cầu. "Đạn nặng, muốn tụt cả sống lưng, nhưng ai cũng ráng vác, sợ rơi nổ chết cả đám". Trắng đêm chuyển đạn là chuyện thường. Chị Huệ nhớ nhất đêm vượt qua kênh Nguyễn Văn Trỗi. Hàng nhiều quá, toát mồ hôi chuyển đến gần sáng mà chưa hết, thủy triều rút, kênh trơ đáy - như các chị nói là "cạn lòi lưng" - vừa dìm xuồng xuống bùn, địch phát hiện được, trực thăng, tàu chiến lao vào quần đảo, hơn chục chị hy sinh, nhiều người tuổi đời còn quá trẻ. Đến bây giờ, nhiều đêm ngủ mơ, chị Huệ vẫn thấy hình ảnh đồng đội hiện về với những khuôn mặt tròn, trắng nõn, mái tóc dài đen nhánh, quần áo bê bết bùn và máu.

"Ở miết trong cứ, gần các anh bộ đội trẻ, đẹp giai, các chị đều là gái mới lớn, ra đụng, vào chạm thế, ngộ nhỡ?...", tôi hỏi "Là chú hỏi chuyện tình cảm nam nữ chứ gì", chị Huệ tủm tỉm cười. Hồi đó rất nghiêm, chỗ nào không biết chứ đơn vị mình tuyệt đối không có chuyện yêu đương. Có trót thương ai thì để trong lòng, cặp nào không chịu nổi thì phải báo cáo tổ chức, chưa được cấp trên đồng ý mà rủ nhau ra bờ kênh ngồi tâm sự sẽ bị kỷ luật. Sống trong cứ thiếu thốn đủ bề, tuy cực nhưng mà vui. Các anh luôn giúp đỡ mỗi khi chị em khuân vác nặng. Lúc vận chuyển các anh luôn đi trước mở đường, khi chèo xuồng luôn ngồi đầu mũi, khi rảnh lại tranh thủ kèm các chị học thêm. Ai mà không thuộc bài sẽ bị phạt đi nấu cơm, bắt cá, không được học chữ, học bài hát mới.

Từ lúc trốn nhà lên cứ năm 1965, đến năm 1975 khi giải phóng, chị Huệ mới về quê. Suốt mười năm đằng đẵng, chị được gặp mẹ có một lần. Là do các anh thương chị nhỏ nhất đơn vị, tìm mọi cách đưa mẹ chị lên để động viên, hai mẹ con ôm nhau khóc cả đêm.

- Ở đơn vị, cô này (chị Huệ) nổi tiếng là người đánh giặc gan lì, nhưng còn cô nữa thì cả quân khu, mà không, cả mặt trận biết tiếng - bà Lắm nói với tôi khi rời nhà chị Huệ.

Người bà Lắm nói tới là chị Trần Thị Khương, đồng đội thường gọi là Xinh, hiện ở ấp 1, xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Lúc tôi tới, chị Khương đang trông các cháu học. Chỉ nghe bà Lắm nói vài câu, gợi kỷ niệm cũ thời ở đơn vị, khuôn mặt chị Khương đã đẫm nước mắt. "Xóm tôi có 3 chị em cùng tuổi xin vào đơn vị hậu cần cùng ngày, đến khi giải phóng, còn mình tôi trở về", chị Khương kể lẫn trong tiếng nấc. Đội vận tải trên bờ bằng xe trâu của chị Huệ gian khổ một kiểu, đội xuồng hai đáy chạy dưới kênh cực kiểu khác. Khi phát hiện được con đường vận chuyển vũ khí từ biên giới Campuchia về các tỉnh đồng bằng, địch liên tục mở nhiều cuộc càn quét vào kho, tổ chức mật phục, đánh chặn. Có đợt ta bị phục kích, thương vong nhiều lắm. Xác quân mình bọn địch chất đầy lên bờ. Vũ khí đã đưa đến sát biên giới, phía sau đang từng ngày chờ đợi, việc vận chuyển không thể dừng lại. Đêm xuống, các chị lại lặng lẽ chèo xuồng qua những đoạn kênh còn xác đồng đội. Kênh hẹp, có chỗ đi qua quệt cả vào chân tử sĩ, các chị nước mắt lưng tròng, muốn đưa các anh về vì nghĩ cảnh anh em nằm lại phơi nắng mưa không ai đành, nhưng nếu cố lấy xác, sợ vướng mìn của địch, trực thăng, pháo địch sẽ nã vào, rồi lại thương vong. Đi trong đau thương tột cùng như thế, được vài ngày, các chị dứt khoát yêu cầu cấp trên phải cử người mang xác đồng đội về mới đi tiếp.

Chị Khương cho tôi xem những vết sẹo kéo thành vệt dài trên tay, chân chị. "Là gai sen cào đó. Hôm ấy đội vận tải của mình bị phục kích, chạy tứ tán. Xuồng mình có ba người, hy sinh hai. Mình lạc giữa mênh mông biển nước. Ban ngày thì ngâm mình trong nước, ban đêm leo lên cây để tránh giặc lùng sục. Vì ngâm lâu trong nước, vết thương không khô cứ rỉ máu, người trương lên, quần áo chật, bó sát đến tức thở, tôi phải cởi bỏ hết quần áo ngoài - chị Khương kể. Hôm đầu tôi mò củ sen, bắt những con cá nhỏ để ăn. Hai ngày sau chẳng biết vì sao, không bắt được con cá nào, đói mờ mắt, nhiều lúc lả đi, miên man. Ban ngày, trời nắng như thiêu đốt, tôi thò mỗi chỏm đầu đội lá sen và cái mũi lên để thở. Đang lúc tỉnh, lúc mơ vì đói, mệt, chợt thấy có cái gì đó chạm trên đầu, tôi chụp lấy, té ra là một chú cò bợ non, tưởng tôi là lá sen nên đậu vào.

Mất bốn ngày kể từ khi bị lạc, chị Khương mới được đồng đội tìm thấy trong tình trạng mê man, trên tay chị vẫn cầm chắc con cò bợ. Sau này, có ai đó đã nói, nếu khi gặp địch, chị không rời xuồng, rời vị trí chiến đấu và hy sinh cùng đồng đội, chắc chắn chị được phong anh hùng. Chị chỉ cười trong nước mắt mà nói: "Địch bắn chết hai người, súng đã hết đạn, chúng đang ào tới, sao mà ngồi đó chịu cho địch bắt, lúc đó tôi chỉ nghĩ bằng mọi giá mình phải sống để trả thù cho đồng đội. Đơn giản vậy thôi, ai mà còn kịp nghĩ chọn sống hay chết để thành anh hùng"...

Con đường đất đỏ xứ dừa chợt bụi mù khi những chiếc xe tải chở đầy trái cây ào qua. Ở vùng quê này, từ dừa người ta có thể sản xuất ra hàng chục sản phẩm xuất khẩu như tranh, chiếu, bánh kẹo... nhưng nơi đây vẫn còn nghèo khó. Chị Khương cũng lăn lộn làm kinh tế dữ lắm, có lúc được đài truyền hình tỉnh về quay phim, biểu dương gương CCB vượt khó, vậy mà giờ lại là con nợ của nhiều quỹ, quỹ cựu chiến binh, quỹ hội phụ nữ, quỹ người nghèo... "Cho mình gửi ít rượu mới nấu ra ngoài thành phố bán hộ, trong này ế quá" - chị Khương to nhỏ với bà Lắm. Được biết, phần lớn các nữ du kích Đoàn 962 của Bến Tre còn nghèo, một số sau khi rời đơn vị, không được hưởng chế độ gì. Như các chị nói, khi giải tán đơn vị, sáp nhập về Quân khu 9, người ta bỏ cái rụp.

50 năm đã qua, có thể có người đã quên những chiến công của các nữ du kích tóc dài quê hương đồng khởi, nhưng với chúng tôi, họ mãi là những anh hùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 23: Họ mãi là anh hùng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.