(HNM) - Với sự báo động về mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được xã hội và Ngành Nông nghiệp quan tâm phát triển. Tuy nhiên, phát triển NNHC ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở bước đi chập chững do “vướng từ thủ tục đến tiêu thụ” khi hệ thống pháp quy của Nhà nước
Chưa có quy chuẩn quốc gia
Theo Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thế giới đã công nhận sản phẩm NNHC từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có tổ chức nào thực hiện cấp giấy chứng nhận sản phẩm NNHC. Vì vậy, trên bao bì của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, nhà sản xuất mới tự ghi “sản phẩm hữu cơ” để người tiêu dùng yên tâm sử dụng mà chưa có giấy tờ nào chứng nhận. Mặc dù từ tháng 12-2006, Bộ NN&PTNT đã ban hành tiêu chuẩn ngành số 10TCN 602-2006 cho các sản phẩm hữu cơ nhưng tiêu chuẩn này chỉ hướng dẫn về mặt nguyên tắc sản xuất mà chưa hướng dẫn chi tiết về sản xuất NNHC. Người sản xuất không có cơ sở để thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể dựa vào đó để hướng dẫn, chứng nhận cho những trang trại đủ điều kiện về sản xuất NNHC như tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Điều này dẫn tới niềm tin người tiêu dùng với sản phẩm còn mờ nhạt.
Với người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Vinh, ở quận Thanh Xuân cho biết: “Thời gian đầu gia đình mua sản phẩm hữu cơ rất dè dặt vì chưa tin vào chất lượng sản phẩm mà giá thì quá cao. Tuy nhiên, qua nhiều lần sử dụng mới thấy chất lượng sản phẩm hữu cơ vượt trội và yên tâm sử dụng. Rau hữu cơ thường xấu mã, chủng loại không phong phú nhưng khi ăn rất ngon, đậm đà”.
Thực tế, trong hàng triệu người tiêu dùng không phải ai cũng “trải nghiệm”, mục sở thị rồi có niềm tin với sản phẩm hữu cơ như bà Vinh, vì vậy việc chưa có cơ quan hữu trách đánh giá, cấp giấy chứng nhận “sản phẩm hữu cơ” cho nhà sản xuất không chỉ khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng nông sản, thực phẩm mà còn làm cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hữu cơ gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Như thông tin của ông Võ Minh Khải - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú với thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa thì để tiêu thụ được sản phẩm, Công ty phải tìm đến một đơn vị nước ngoài đề nghị chứng nhận sản phẩm hữu cơ với nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp, đó là chưa kể đến những khó khăn trong việc xác nhận vùng sản xuất hữu cơ của doanh nghiệp nên mất nhiều thời gian. Còn bà Trương Kim Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (Thạch Thất) - đơn vị đang thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên diện tích 30ha thì trăn trở: Hiện nước ta chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ nên doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất.
Mặc dù, năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam số 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ trong trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên quy chuẩn này chỉ khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo phương pháp hữu cơ mà chưa bắt buộc chứng nhận hợp chuẩn cũng như công bố hợp chuẩn. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước chưa xác định rõ cách thức quản lý sản phẩm hữu cơ và doanh nghiệp cũng không có cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng nên sản phẩm hữu cơ tiêu thụ trên thị trường rất ít.
Vướng ở thị trường
Trong khi sản phẩm NNHC còn lép vế trên thị trường bởi chưa được cấp giấy chứng nhận hợp quy thì sản phẩm này còn phải đối mặt với khó khăn do không cạnh tranh được với sản phẩm hữu cơ nhập khẩu.
Mặc dù chất lượng NNHC trong nước không thua kém sản phẩm nước ngoài, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận bỏ giá cao gấp 3 lần vì tin tưởng vào chất lượng hàng nhập khẩu bởi cảm quan bao bì, nhãn mác hấp dẫn hơn hẳn các sản phẩm hữu cơ trong nước. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp sản xuất NNHC chưa có chiến lược trong sản xuất kinh doanh, chưa xây dựng được công nghiệp chế biến, bao bì, nhãn mác… Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đều nhỏ lẻ, thiếu kinh phí để đầu tư khoa học kỹ thuật nên mẫu mã kém hơn so với sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, do sản xuất còn manh mún, chi phí đầu tư vào NNHC của Việt Nam cao, dẫn tới giá bán cao 30-40% so với sản phẩm nông nghiệp thông thường nên ít người tiêu dùng lựa chọn cho bữa cơm gia đình.
Cùng chung trăn trở này, bà Ngô Kiều Oanh - Đại diện nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì cho hay, khi điều tra 100 người thì chỉ 1, 2 người hiểu về lợi ích, ý nghĩa tốt đẹp của NNHC đối với con người và đời sống, số còn lại đều rất mơ hồ. Tuy nhiên, người sản xuất kinh doanh không thể quảng bá sản phẩm hữu cơ theo kiểu ký gửi vì trong quá trình sản xuất phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, năng suất rất thấp, sản phẩm ít, chi phí cao. Bà Oanh cho rằng, Nhà nước cần giúp các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hữu cơ tới người tiêu dùng song hành với việc xác nhận sản phẩm hợp quy để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Có thể thấy rõ, nông sản hữu cơ Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nông nghiệp nước ngoài về giá và chất lượng sản phẩm nên muốn khai thông vướng mắc cần giải quyết tốt bài toán về vốn và khoa học công nghệ. Như nhận định của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit: “Làm NNHC không khó, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sẽ xuất khẩu tốt, kể cả xuất khẩu vào thị trường khó tính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước không có đủ vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất chế biến sau thu hoạch… nên không thể mở rộng sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, đồng thời có chiến lược xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường".
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.