(HNM) - Một trong những nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn được Công an thành phố Hà Nội thống kê thì nguyên nhân từ quá trình sử dụng điện chiếm khoảng 70%. Điều đó cho thấy ngoài yếu tố khách quan thì chính sự chủ quan, lơ là từ con người cũng làm cho nguy cơ “bà hỏa” hỏi thăm luôn trực chờ.
Chủ quan, lơ là
Theo báo cáo mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 206 vụ cháy (trong đó có 5 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng...). Điều đáng nói, có đến 134/146 vụ cháy trong thời gian trên đã được làm rõ nguyên nhân là do gặp sự cố từ hệ thống, thiết bị điện gia đình, kho xưởng.
Ông Vũ Đồng (Công ty Điện lực Long Biên) cho biết, trên thực tế, ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn chưa cao. Hiện nay, các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng điện mới chỉ lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng, còn bên trong hộ tiêu thụ điện, hoàn toàn do người dân xử lý. Ở các hộ dân, vẫn còn tình trạng sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Trong khi đó, việc phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để bảo đảm công suất truyền tải của dây dẫn, tránh hiện tượng quá tải gây cháy ít được các gia đình chú ý...
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cho biết, hiện nay phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar… được thiết kế theo kiểu nhà hộp hay dạng nhà ống, không có ban công, mặt ngoài được quây kín bằng các biển hiệu lớn, nên khi xảy ra cháy, nổ sẽ khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an) cho biết, tình trạng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (karaoke, bar, cà phê, nhà hàng…) diễn ra phổ biến. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh nằm xen kẹt trong khu dân cư, mật độ dân số rất lớn thường chưa đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảng cách an toàn giữa các nhà. Nhiều cơ sở hoạt động trong thời gian rất dài trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, nên không bảo đảm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
“Ngoài ra, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tuyến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Đặc biệt, khi tổ chức tập huấn về phòng cháy, chữa cháy thì lực lượng trong độ tuổi lao động ít tham gia vì nhiều lý do dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy, nổ, việc chữa cháy ban đầu tại cơ sở rất lúng túng. Đây cũng là nguyên nhân gây thương vong, cháy lan khi cháy, nổ xảy ra”, Trung tá Lê Minh Hải nhấn mạnh.
Nhiều bài toán từ phía địa phương
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, ngoài các nguyên nhân kể trên, có thực trạng là một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thực sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền, chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của chủ hộ gia đình, chủ hộ sản xuất, kinh doanh mà còn có tư tưởng “phó mặc”, “trông chờ” vào việc tham mưu, hướng dẫn của lực lượng công an. Ngoài ra, việc xử lý sai phạm của chính quyền địa phương chưa quyết liệt. Các điều kiện về hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc sửa chữa hoặc làm mới các quán karaoke thường do chủ quán thuê thợ về làm, luật pháp không cấm. Tuy nhiên, người quản lý lao động, thợ hàn và chủ quán luôn cần đề cao cảnh giác và đặc biệt phải chấp hành nội quy phòng cháy, chữa cháy. Đó là khi thợ hàn tiến hành công việc hàn xì, nếu ở trên cao phải che chắn bằng vật liệu không cháy để không cho các đốm lửa từ vết hàn xì, vết cắt bay vào khu vực dễ cháy. Tức là những khu vực này phải che chắn, gom những đốm lửa đó vào một khu tập trung, tránh để xảy ra cháy. Quy định là vậy nhưng do không được giám sát chặt nên tình trạng mất an toàn lao động, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ vẫn xảy ra.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ, việc sửa chữa, cải tạo công trình nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 thì được miễn giấy phép xây dựng. Khi luật đã quy định như vậy, thì việc giám sát an toàn lao động, quy định phòng, chống cháy, nổ thường do người dân, chủ công trình tự đảm nhiệm đang làm khó cho việc quản lý.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Hoàng Thắng cho biết, với những sửa chữa nhỏ tại nhà dân hay cơ sở kinh doanh có điều kiện, chủ công trình thường không phải xin phép chính quyền địa phương. Tuy giảm được thủ tục hành chính cho người dân nhưng cũng là sơ hở trong công tác phòng, chống cháy, nổ và an toàn lao động dù thực tế, chính quyền vẫn giám sát những hoạt động trên thông qua công tác thanh tra xây dựng cơ sở và tổ dân phố. Khi có phản ánh về công trình gây mất an toàn cả về yếu tố phòng chống cháy nổ cũng như an toàn lao động, lực lượng chức năng ở địa phương sẽ lập tức can thiệp, xử lý.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.