(HNM) - Ngoài nhà ở còn có 5 loại công trình thiết yếu cần phải có để phục vụ đời sống của công nhân, gồm: Nhà văn hóa công nhân - trung tâm thể dục, thể thao (TDTT); trạm y tế; bếp ăn công nghiệp; trường mầm non; cửa hàng tạp hóa - siêu thị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có KCN, KCX nào ở nước ta đáp ứng đủ các điều kiện trên. Một thực trạng nữa phải kể đến là có không ít công trình cho công nhân được xây dựng, nhưng người sử dụng chúng lại không phải là công nhân.
Hoài niệm của một người "vác tù và"
Chiều muộn, quán cà phê bên hông khu lưu trú công nhân KCN Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) dưới giàn dây leo muỗi như vãi trấu. Bên kia hàng rào B40, mấy sân tennis vẫn sáng đèn, tiếng cười nói rôm rả chen lẫn tiếng trái banh nỉ nện bồm bộp.
Hapro Food là doanh nghiệp đưa nhiều mặt hàng vào Khu công nghiệp Thăng Long bán hàng phục vụ công nhân. Ảnh: Bá Hoạt |
Chị Trương Thị Ngọc Giàu, người đã nhiều năm gắn bó với đời công nhân giờ đang chập chững với nghề kinh doanh, rầu rĩ nói: "KCN Tân Bình có gần 25.000 công nhân nhưng khu lưu trú chỉ có 360 giường, trong khi quỹ đất vẫn dư để xây 2 khu tennis (mỗi khu 3 sân) với hồ bơi. Công nhân làm gì có tiền chơi mấy môn quý tộc đó". Chị Giàu còn cho biết thêm, không chỉ KCN Tân Bình thiếu những thiết chế văn hóa cho công nhân mà nhiều nơi khác cũng vậy. "Nhiều khu lưu trú được các nhà hảo tâm tặng dàn karaoke, lúc trao thì "cờ đèn kèn trống", lãnh đạo TP, báo, đài tới dự, nhưng chỉ được một thời gian, khi "quyền sinh, quyền sát" thuộc về một số cá nhân thì công nhân không mấy khi được hưởng thụ".
Nằm ở vị trí đắc địa, ngay góc giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), Nhà văn hóa công nhân - Trung tâm TDTT KCX Tân Thuận được đánh giá là mô hình tốt nhất hiện nay ở TP Hồ Chí Minh. Tại đây thường xuyên tổ chức các lớp ngoại ngữ, thể dục thẩm mỹ, dạy trang điểm... có cả sân bóng đá mini, sân tennis, hồ bơi. Công nhân có nhu cầu tham gia sẽ được giảm giá (vé bơi 45 phút dành cho công nhân là 7.000 đồng, trong khi các đối tượng khác phải trả 15.000 đồng). Tuy nhiên, thực tế phần lớn khách đến đây lại không phải công nhân. Một nhân viên bảo vệ hồ bơi cho biết, mỗi ngày chỉ có khoảng chục công nhân sử dụng dịch vụ này. Hỏi thêm, té ra sân bóng đá đem cho thuê trọn gói rồi, còn sân tennis cũng tương tự bên KCN Tân Bình, giá thuê cả trăm nghìn mỗi giờ, công nhân nào dám bén mảng tới?
Hỏi chuyện đời sống tinh thần, nữ công nhân Nguyễn Thị Hồng Trang (20 tuổi, Công ty Nidec Tosok, KCX Tân Thuận) cho biết: "Thời gian biểu hằng ngày của phần lớn công nhân hiện nay là sáng đi làm đến chiều, nếu tăng ca thì đến tối mới về. Thú vui phổ biến nhất là xem ti vi, nhưng không phải phòng trọ nào cũng có. Sách báo, internet càng không bởi không có tiền mua hoặc không có thời gian đọc. Thỉnh thoảng các tổ chức, đoàn thể cũng tổ chức ca nhạc, chiếu phim… nhưng hiếm hoi lắm". Đinh Chiến Công, công nhân một DN sản xuất bánh kẹo ở KCX Linh Trung I than thở: "Vì mong có thêm thu nhập nên chúng em phải làm tăng ca, về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ, đâu rảnh mà đọc sách báo. Riết rồi cũng quen".
Những giãi bày đó làm tôi chạnh nhớ câu chuyện của chị Trương Thị Ngọc Giàu. Sinh năm 1984, năm 20 tuổi Giàu rời miệt vườn Vĩnh Long lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân ở KCX Tân Thuận, sau đó tham gia công tác đoàn rồi trở thành Chủ nhiệm CLB "Dư luận xã hội" (do Công đoàn KCX thành lập). Giàu kể: "Hồi đó hăng lắm. Cứ tan ca là em thay áo công nhân bằng áo xanh tình nguyện rồi ra làm phong trào". CLB "Dư luận xã hội" hồi đó nổi đình đám với phong trào bán vé số "Vì Trường Sa thân yêu" (do Thành đoàn tổ chức), làm vệ sinh KCX, trực ATGT… Năm 2008, Chị Giàu được đề cử là "Công dân trẻ tiêu biểu của TP". Khi "Quỹ hỗ trợ công nhân TP Hồ Chí Minh" ra đời, Giàu trở thành "cán bộ dự án". Chị đi khắp các khu lưu trú công nhân trên địa bàn TP, mỗi nơi ở vài tháng để tìm hiểu thực tế người lao động thiếu gì, cần gì. Đến đâu Giàu cũng tập hợp một nhóm tâm huyết, xây dựng chương trình phát thanh công nhân, mời cả Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh về tập huấn. Chương trình phát mỗi tuần 3-4 buổi, mỗi buổi 30-45 phút; nội dung khá "xôm", từ tổng hợp tin tức thời sự, đọc các thông báo của Ban quản lý (BQL) cho đến "Quà tặng âm nhạc" (công nhân muốn nghe hoặc tặng bạn bè bài hát nào thì viết giấy bỏ vào thùng, nhóm của Giàu sẽ chuẩn bị băng, đĩa nhạc), thỉnh thoảng tổ chức giao lưu (công nhân trực tiếp hát)… và như Giàu "khoe": "Nhờ chương trình mà nhiều đôi nên duyên chồng vợ". Khi hoạt động ổn định, Giàu lại sang khu lưu trú khác, tiếp tục gây dựng "Đài phát thanh". Mô hình Đài phát thanh tại các KCN, KCX do chính công nhân thực hiện đã nâng cao đời sống tinh thần của người lao động, một số tỉnh còn đến học tập. Tiếc là về sau hoạt động teo tóp dần, như Quỹ Hỗ trợ công nhân TP cho biết thì "gần như đã đóng cửa". Hỏi "vì sao", chị ngậm ngùi: "Thời gian đầu BQL các khu lưu trú cũng nhường một phòng để em vừa ở trọ, vừa làm chỗ phát thanh, nhưng họ cũng chẳng mặn mà gì vì mất nguồn thu, sau khi em đi họ tìm cách dẹp chương trình để thu lại phòng, thế nên mô hình bị chết yểu". Nhìn ánh mắt xót xa của chị mà tôi đồ rằng lý do kia chỉ đúng phần nào, chứ nguyên nhân chính là do mô hình không thể hoạt động mãi bằng tâm huyết của một số người, mà nó cần được nuôi dưỡng bởi một cơ chế phù hợp, cụ thể hơn… Thu nhập ở Quỹ thấp hơn hồi làm công nhân, không thể "vác tù và" mãi được nên năm 2010 Giàu nghỉ việc, mở cơ sở kinh doanh chuyên cung cấp rau, củ, quả cho một số siêu thị, nhà hàng.
Thiếu thiết chế văn hóa
TP Hồ Chí Minh hiện có 15 KCN và KCX, trong đó 12 khu đã đi vào hoạt động, thu hút trên 250.000 lao động trẻ (70% đến từ các địa phương khác). Do vậy, nhu cầu về các công trình xã hội (trường học, bệnh viện, nhà văn hóa…) phục vụ đời sống, nhất là đời sống tinh thần, của người lao động rất lớn. Đến nay Nhà văn hóa công nhân - Trung tâm TDTT đã được đầu tư xây dựng tại các KCN Tân Bình, Hiệp Phước và KCX Tân Thuận; trạm y tế tại các KCN Tân Tạo, Tân Bình, Lê Minh Xuân, Hiệp Phước và KCX Tân Thuận; bếp ăn công nghiệp tại các KCN Bình Chiểu, Tân Tạo, Tân Bình và các KCX Tân Thuận, Linh Trung I và II; cửa hàng tạp hóa - siêu thị tại KCN Hiệp Phước, Vĩnh Lộc và KCX Tân Thuận. Tuy nhiên, chưa có KCN, KCX nào trên địa bàn TP xây dựng trường mầm non, đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng công nhân. Và trên địa bàn cả nước cũng chưa có KCN, KCX nào đáp ứng đủ 5 công trình thiết yếu phục vụ đời sống người lao động.
Một nhu cầu thiết yếu đối với các cặp vợ chồng công nhân là trường mầm non, nhưng đây lại là "vùng trắng" chưa có BQL KCN, KCX nào đả động tới. Duy nhất chỉ có Công ty Yazaki (KCN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương) làm được việc này khi xây dựng trường mầm non với 7 lớp, 190 cháu theo học; tuy nhiên đây là công trình do DN tự bỏ tiền xây chứ không phải do KCN đầu tư. Cần nói thêm là Bình Dương cũng được đánh giá là một địa phương làm khá tốt công tác chăm lo đời sống người lao động, với một bệnh viện 400 giường (tại KCN Mỹ Phước II) và sân bóng đá, hồ bơi, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí… tại các KCN Mỹ Phước, Mỹ Phước II, Mỹ Phước III, Đồng An. Tỉnh Đồng Nai còn mải tập trung giải quyết "bài toán" nhà ở cho khoảng 400.000 lao động (tại 30 KCN, cụm CN) nên chưa mấy đả động tới các thiết chế văn hóa cho công nhân.
Tại tỉnh Long An, nơi có 11 KCN đang hoạt động, sử dụng 48.000 lao động, BQL các KCN tỉnh này cũng thẳng thắn thừa nhận "hầu hết các KCN không có nơi vui chơi giải trí công cộng như công viên, sân thể thao, rạp chiếu phim….".
Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020" đã lưu ý việc hình thành các KCN phải có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển KCN- KCX với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân trong KCN, KCX. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể bắt buộc nhà đầu tư cơ sở hạ tầng KCN phải đầu tư công trình phục vụ đời sống công nhân; các thủ tục về đất đai, xây dựng các công trình này cũng mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí hơn thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng KCN; hầu hết các KCN, KCX đều nằm cận kề các trung tâm đô thị nên hưởng lợi thế, thậm chí chủ đầu tư có tâm lý còn "dựa dẫm" vào hệ thống hạ tầng của đô thị…
Tất cả những lý do đó đã khiến đời sống tinh thần của người lao động trong các KCN, KCX ngày càng teo tóp.
(còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.