(HNM) - Đời sống vật chất khó khăn, song đời sống tinh thần cũng hết sức nghèo nàn, ngoài giờ làm việc trong nhà máy, xí nghiệp chỉ biết ngồi tán chuyện, hoặc là đi... ngủ để giết thời gian. Đó là bức tranh chung rất phổ biến ở các khu công nghiệp tại Hà Nội.
Điều kiện giải trí quá nghèo nàn
Hà Nội hiện có 8 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 390 DN đang hoạt động và sử dụng trên 120 nghìn công nhân. Ngoài những khó khăn về vật chất, đời sống tinh thần của lực lượng lao động đông đảo này cũng thiếu thốn trăm bề. Những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giải trí… từ lâu là một khái niệm xa lạ đối với tuyệt đại đa số công nhân.
Ngoài giờ làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, người lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long chỉ biết ngồi chơi tán chuyện. Ảnh: Thái Hiền |
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nơi có gần 5 vạn lao động tạm cư, ngoài giờ làm việc, hầu hết công nhân chỉ biết nấu cơm ăn uống và vùi đầu vào ngủ. Ở đây chỉ có duy nhất một điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được LĐLĐ TP xây dựng. Tuy gian nhà khá khang trang, rộng khoảng 100m2, tương đối đủ tiện nghi như máy tập thể thao, bàn bóng bàn, kệ để sách báo, tạp chí, vô tuyến và đầu karaoke, nhưng điều đáng nói là điểm sinh hoạt văn hóa này vẫn rất "ế ẩm", hầu như không mấy khi được sử dụng bởi số lượt công nhân ghé vào rất thưa thớt.
Hỏi chuyện nhiều công nhân, vì sao không đến điểm sinh hoạt văn hóa? Hầu hết câu trả lời là làm việc ở công ty, nhà máy, xí nghiệp đã quá mệt và mất nhiều thời gian, nên họ không còn thời gian để nghĩ đến văn hóa văn nghệ. Nguyễn Thị Mến, quê ở Đô Lương, Nghệ An, công nhân thuê trọ ở thôn Xuân Bách, xã Kim Chung (Đông Anh) bộc bạch: "Em và các bạn thường chỉ đến điểm sinh hoạt văn hóa những khi có chương trình tư vấn pháp luật, đối thoại với công nhân, hoặc sinh nhật bạn. Bởi đó là những hoạt động bổ ích, thiết thực nhất. Nhưng tiếc là một năm chỉ có được hai, ba buổi như thế". Mến và các bạn công nhân ở đây mong muốn có nhiều hơn nữa buổi tư vấn, chương trình giao lưu, đối thoại được tổ chức để tham gia.
Còn Nguyễn Hồng Lam, quê ở Phúc Thọ, công nhân một công ty dệt may ở Khu công nghiệp Vĩnh Tuy cho biết, em và các bạn công nhân luôn cảm thấy rất buồn tẻ vì ngoài giờ làm ở công ty, về nhà không biết tham gia hoạt động gì để khuây khỏa tinh thần. Ngay đến việc đi tham quan phố xá cũng không dám đi, vì không có tiền mua sắm mà chỉ đi ngắm thôi thì càng buồn. Muốn gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp, cũng không được, bởi vì không có địa điểm tập trung và không có cớ gì để tiếp xúc với nhau.
Chuyện tình cảm cũng chỉ là mơ ước
Trong điều kiện sống thiếu thốn về vật chất, nghèo nàn về tinh thần, nam nữ CNLĐ ngoại tỉnh, hầu hết ở độ tuổi thanh niên nhưng họ sống lặng lẽ, khép mình, không dám nghĩ tới chuyện hẹn hò, yêu đương. Không ít người đã có người yêu, hoặc đã bước vào cuộc sống hôn nhân thì phải chịu cảnh "xa mặt cách lòng", tình yêu phai nhạt, hoặc hôn nhân đổ vỡ do điều kiện kinh tế quá khó khăn. Do không có tiền, CNLĐ không dám yêu, không dám cưới vợ, nhiều người bỏ việc về quê làm ruộng, hoặc tìm công việc khác như làm thuê cho các hàng quán cắt tóc, gội đầu, massage trên thành phố, số khác buông xuôi để tuổi thanh xuân qua đi...
Nguyễn Thị Hồng Mai, công nhân Công ty Canon tâm sự, ở phòng trọ của Mai không có ti vi, đài báo, bạn bè cũng ít mà chủ yếu toàn là bạn gái. Công ty có khoảng 9.500 người mà chỉ có hơn 100 nam giới. Tỷ lệ nam nữ quá chênh lệch, thêm vào đó, công việc ở công ty rất áp lực và kỷ luật lại gò bó khiến cuộc sống của em rất tẻ nhạt.
Hồ Thị Lệ, công nhân Công ty Diana KCN Sài Đồng giãi bày, em lên Hà Nội làm công nhân từ năm 18 tuổi, đến nay đã 23 tuổi, mà vẫn chưa quen và yêu ai. Lệ ngậm ngùi kể, trước khi lên Hà Nội làm công nhân, Lệ có thân một người bạn trai ở quê, hai người cũng có những hứa hẹn tương lai, nhưng cô không ngờ cuộc sống của người công nhân đã "cướp" mất của cô niềm hy vọng hạnh phúc. Bởi lương thấp, công việc quá bận rộn, nên đã rất lâu rồi, em không có cơ hội để về thăm nhà. Vì "yêu nhau mà không có điều kiện gặp gỡ, tâm sự với nhau dù chỉ là vài lời ngắn ngủi nên tình cảm của bọn em dần phai nhạt và kết cục cuối cùng là chia tay"- Lệ buồn bã nói.
Khó tồn tại với nghề
Vợ chồng Bùi Thanh Nam và Lê Thị Mơ, quê ở Tuyên Quang xuống Hà Nội làm công nhân khi đã cưới nhau và có một mặt con. Hiện nay, sau ba năm làm việc tại Công ty Nisei (KCN Thăng Long) và sinh thêm một con nữa thì họ thực sự cảm thấy cuộc sống bế tắc. Nam cho biết, hai vợ chồng thuê một căn phòng trọ 16m2 sống cùng hai con nhỏ, đứa 5 tuổi, đứa tuổi rưỡi. Lương tháng của hai vợ chồng cộng lại được 5 triệu đồng, nhưng phải trả tiền thuê nhà, điện nước hết 1 triệu đồng, chi phí ăn uống hết hơn 2 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ để gửi con vào nhà trẻ tư, vì mỗi đứa đi gửi một tháng hết 1 triệu đồng. Tháng nào cũng chưa hết tháng đã hết tiền, nhiều lúc cả nhà phải ăn cháo cả tuần chờ có lương mới. Nam cho biết, mặc dù cũng rất gắn bó với nghề và nếu bỏ thì tiếc 3 năm kinh nghiệm cũng như hợp đồng đã ký với công ty và bảo hiểm... nhưng Nam cũng đã bàn với vợ tính đường về quê hoặc cho vợ đưa các con về quê, còn Nam ở lại tiếp tục làm công nhân. Giá mà có chỗ gửi con, một tháng không tốn 2 triệu đồng thì có lẽ Nam không phải tính chuyện hồi hương?!
Câu chuyện của gia đình Nam là thực trạng chung hiện nay của những gia đình công nhân làm việc tại hầu hết các KCN và chế xuất tại Hà Nội. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ Đông Anh cho biết, hiện nay ở KCN Bắc Thăng Long chưa có nhà trẻ chính thống cho con công nhân, trong khi có hàng trăm con công nhân đang phải gửi vào các nhà trẻ tư nhân trên địa bàn, kinh phí rất tốn kém, khiến họ không thể yên tâm làm việc. Ông Hà cho biết, để chăm lo cho con em CNVCLĐ là vấn đề được LĐLĐ huyện Đông Anh nói riêng và tổ chức CĐ thành phố nói chung đặc biệt quan tâm thông qua nhiều hoạt động thiết thực, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế, nhất là trong vấn đề xây dựng nhà gửi trẻ cho CNLĐ yên tâm làm việc.
Sẽ còn tiếp tục… khó khăn
Mặc dù các cấp Công đoàn Hà Nội đã và đang ngày càng cố gắng, nỗ lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần công nhân lao động, nhưng các thiết chế văn hóa mà tổ chức công đoàn xây dựng, triển khai thời gian qua chỉ như…, muối bỏ bể nếu so với nhu cầu thiết thực của công nhân lao động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, những năm gần đây, công tác chăm lo đời sống tinh thần công nhân lao động được các cấp công đoàn chú trọng đẩy mạnh. Trung bình mỗi năm LĐLĐ TP chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật, Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn và các cấp CĐ tổ chức được hơn 100 chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, chương trình bán hàng giá gốc và tư vấn pháp luật, đối thoại trực tiếp, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm, y tế, hôn nhân gia đình... đồng thời giúp công nhân tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực này. Ngoài ra, LĐLĐ TP thường xuyên duy trì, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, kịp thời kiến nghị, đề xuất các sở, ngành, cơ quan chức năng và TP quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động. Tuy nhiên, bà Hà cho biết, những hoạt động trên vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo công nhân lao động.
Theo bà Hà, để quan tâm tốt hơn đời sống công nhân, ngoài sự nỗ lực của các cấp công đoàn, cần có yếu tố quan trọng là sự quan tâm của người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp, nếu người đứng đầu không quan tâm thì Công đoàn cũng lực bất tòng tâm. Và vì thế, đội ngũ công nhân lao động hiện nay vẫn đang tiếp tục phải sống cảnh đời sống tinh thần nghèo nàn vì thiếu những thiết chế văn hóa tối thiểu.
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.