Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Vẫn dẹp kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”?

Đức Trường - Ngọc Hải| 22/07/2011 07:05

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hạ Long phải liên tục ra quân, xử lý những việc liên quan đến khai thác, vận chuyển than trái phép, khiến bộ máy chính quyền các cấp lúc nào cũng căng như dây đàn. Đã nhiều lần, lãnh đạo thành phố phải có mặt tại hiện trường để chỉ huy các lực lượng dẹp bỏ, san lấp lò than thổ phỉ.

Căng thẳng như thế, nỗ lực như thế, nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển than trái phép vẫn diễn biến phức tạp, chỉ giảm mỗi khi có đợt ra quân triệt phá, thật chẳng khác nào chuyện "bắt cóc bỏ đĩa".

Sống trong sợ hãi!

Mới năm ngoái, người dân ở khu 5 phường Cao Xanh ai cũng biết đến tiếng tăm của đối tượng Trần Trung Hiếu (thường gọi là Hiếu Thùy). Dân cư trong tổ 60B, khu 5 sợ Hiếu Thùy vì hắn quá hung hãn, người dân ở cả Hạ Long đều biết hắn là trùm than thổ phỉ. Hiếu Thùy xây hẳn một căn nhà 2 tầng, dùng toàn những máy móc, thiết bị hiện đại công suất lớn để khai thác than trái phép. Lực lượng chức năng đã phải rất nỗ lực mới dẹp được ổ than thổ phỉ này sau khi phá dỡ toàn bộ ngôi nhà 2 tầng và tịch thu máy phát điện, tời, quạt thông gió… Nhưng Hiếu Thùy lại bị bắt và lĩnh án 20 năm tù vì một tội khác, tội hiếp dâm trẻ em. Cùng với Hiếu Thùy, lực lượng chức năng đã dẹp bỏ công trình của đối tượng Lưu Văn Phô tại tổ 16B, khu 2 Hà Khánh và công trình trái phép của ông Nguyễn Văn Tám tại tổ 8, khu 3 Hà Lầm.

Lò than thổ phỉ ở Cao Xanh.

Hoạt động của những lò than thổ phỉ như trên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thường ngày của người dân xung quanh. Mới đây, những người dân ở tổ 24 và 25, khu 2B phường Cao Xanh đã phải gửi đơn lên UBND TP Hạ Long, khẳng định, đất đai, nhà ở của họ bị lún sụt là do lò khai thác than trái phép tại tổ 28, khu 2 phường Cao Xanh gây ra. Theo người dân, do các cấp lãnh đạo chính quyền phường Cao Xanh không ngăn chặn, giải quyết dứt điểm lò khai thác than trái phép dẫn đến hậu quả "tan cửa nát nhà" của họ. Trước đó, chính quyền phường và thành phố đã cấp cho các hộ dân có nhà bị lún sụt hoặc thuộc diện nguy hiểm một lô đất để tái định cư và thu hồi lại đất họ đang ở. Nhưng các hộ không đồng ý với cách làm này. Họ nói: "Gia đình chúng tôi ở trên đất này từ nhiều năm nay, đóng thuế đất đầy đủ, chúng tôi không yêu cầu cấp lại đất mà chỉ muốn nhờ các cấp chính quyền tổ chức san lấp mặt bằng nơi ở cũ và hỗ trợ để chúng tôi xây lại nhà trên chính mảnh đất của chúng tôi". Người xưa có câu: "An cư lạc nghiệp". Giờ đây những hộ dân ở tổ 24, 25, khu 2B, phường Cao Xanh không thể yên tâm làm việc khi họ chưa có một mái nhà yên ấm.

Bất kỳ cán bộ, công chức nào ở Hạ Long cũng có thể kể ra vài chuyện liên quan đến việc người dân, người làm nhiệm vụ bị đe dọa bởi những cú điện thoại nặc danh, những tin nhắn từ số máy lạ và cả "đầu gấu". Nhiều người ở Hạ Long đã biết đến câu chuyện nhà của một nữ phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hạ Long hai lần bị đổ phân pha dầu nhờn vào cửa, công an cũng không tìm ra được thủ phạm. Không dừng lại ở đó, cô con gái của nữ phóng viên này đang học đại học ở Hà Nội, trong một đợt về thăm nhà đã bị đổ cả phân vào đầu khi đang đi mua đồ ăn sáng. Gia đình của nữ phóng viên này đã sống trong lo sợ và hoảng loạn một thời gian dài.

Nhưng đó mới chỉ là ảnh hưởng nhìn thấy được. Đi cùng với than thổ phỉ, hàng loạt tệ nạn xã hội khác như ma túy, mại dâm, cờ bạc, lô đề, tội phạm băng nhóm… đang ngày đêm cắn cấu, đục ruỗng từng gia đình, gây bệnh tật, khổ sở cho chính những người tham gia làm than thổ phỉ và làm tha hóa không chỉ người dân.

Bịt chỗ này, lại phình chỗ khác

Mỗi năm, chỉ riêng những công việc thường nhật đã làm chính quyền các cấp từ phường, xã, thị trấn đến thành phố phải cố gắng mới hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian qua, chính quyền các cấp của thành phố Hạ Long phải liên tục ra quân, xử lý những việc liên quan đến khai thác, vận chuyển than trái phép, khiến bộ máy căng như sợi dây đàn. Đã nhiều lần, lãnh đạo thành phố, trong đó đích thân Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Hồng Thanh phải có mặt tại hiện trường để chỉ huy các lực lượng dẹp bỏ, san lấp lò than thổ phỉ. Ngay cả UBND tỉnh Quảng Ninh, cứ mỗi dịp nghỉ lễ, tết hoặc những đợt cao điểm đều có công văn, chỉ thị yêu cầu UBND TP Hạ Long tập trung triệt phá những lò than thổ phỉ.

Theo UBND thành phố Hạ Long, trong năm 2010, các lực lượng chức năng đã triệt phá 398 lượt cửa lò khai thác than trái phép. Kết quả xử lý cụ thể ở các phường là: Hà Khánh phá 65 lượt, Đại Yên phá 65 lượt, Việt Hưng phá 62 lượt, Cao Thắng 54 lượt, Cao Xanh 44 lượt, Hà Lầm 5 lượt và Hà Trung 3 lượt. Đồng thời, lực lượng chức năng còn kiểm tra, tạm giữ 87 xe ô tô, 4 tàu vận chuyển, tịch thu gần 3.000 tấn than của 17 điểm kinh doanh, bán và nộp ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tịch thu 14 quạt thông gió, 8 máy nổ, 9 tời, 2 máy khoan, 3 máy bơm nước và nhiều phương tiện phục vụ khai thác than trái phép. Tổng cộng, trong năm 2010, đã có 141 trường hợp bị phạt hành chính với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Nhưng chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, kết quả xử lý của các lực lượng chức năng thuộc TP Hạ Long đã xấp xỉ bằng cả năm 2010. Cụ thể, đã triệt phá 389 lượt cửa lò, lần lượt các phường như sau: Hà Khánh 101 lượt, Cao Xanh 64 lượt, Hà Trung 62 lượt, Hà Lầm 55 lượt, Việt Hưng 55 lượt, Cao Thắng 40 lượt, Hà Tu 7 lượt, Đại Yên 5 lượt. Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ 70 xe ô tô, 12 tàu vận chuyển, tịch thu hơn 3.700 tấn than của 13 điểm kinh doanh, bán và nộp ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng. Tổng cộng, 6 tháng qua, đã có 102 trường hợp bị phạt hành chính với tổng số tiền hơn 790 triệu đồng.

Những con số thống kê bề ngoài có vẻ khô khan nhưng nói lên rất nhiều điều. Thống kê dùng từ "lượt" chứ không phải lò có nghĩa là 1 điểm lò có thể tái phạm nhiều lần. Cứ mỗi khi lực lượng chức năng dời đi là hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép lại tái diễn. Điển hình, trên địa bàn phường Cao Xanh có 33 điểm lò nhưng số lượt phá trong cả năm 2010 và 6 tháng đầu năm nay lên tới 108 lượt. Không chỉ tái phạm trên một địa bàn, mà còn có tình trạng nếu địa bàn này làm chặt thì bọn khai thác than thổ phỉ lại tìm địa bàn khác. Năm ngoái, phường Đại Yên phá 65 lượt thì 6 tháng đầu năm chỉ còn phá 5 lượt, nhưng năm ngoái phường Hà Lầm phá chỉ có 5 lượt thì 6 tháng đầu năm con số này lên tới 55 lượt…

Cùng với việc chỉ đạo kiểm tra, xử lý trực tiếp các hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép, Thành ủy, UBND TP Hạ Long đã kiên quyết xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu các địa bàn, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Trong năm 2009 và quý I-2010, Thành ủy, UBND TP điều chuyển công tác chủ tịch UBND hai phường Hà Khánh, Cao Xanh, kiểm điểm tập thể lãnh đạo UBND phường Hà Tu. Đầu năm 2011, Hạ Long đã đình chỉ, điều chuyển công tác Chủ tịch UBND phường Hà Khánh, kiểm điểm tập thể lãnh đạo UBND phường Hà Phong, Việt Hưng. Có người ví chiếc ghế chủ tịch UBND các phường có hoạt động khai thác than thổ phỉ như là ghế điện. Đã ngồi lên không "chết" mới lạ!

Căng thẳng như thế, nỗ lực như thế nhưng thực trạng khai thác, vận chuyển than trái phép vẫn diễn biến phức tạp, chỉ giảm mỗi khi có đợt ra quân triệt phá. Thực trạng này có người ví như là "bắt cóc bỏ đĩa". Thậm chí, những đối tượng khai thác, vận chuyện than thổ phỉ ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Liệu có thể chấm dứt được hoạt động của các lò than thổ phỉ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Vẫn dẹp kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.