(HNM) - Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhiều chính sách, dự án nhằm nâng cao đời sống công nhân lao động đã được triển khai hiệu quả.
Lương chưa đủ sống
Theo tính toán, mức lương công nhân lao động hiện mới chỉ đáp ứng hơn 90% nhu cầu sống tối thiểu. Do vậy, đời sống người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cả nước, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn gặp nhiều khó khăn.
Dạo quanh một vòng qua các khu vực công nhân lao động tập trung thuê trọ trên địa bàn Hà Nội như các xã Kim Chung, Hải Bối (huyện Đông Anh), Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ), Phùng Xá (huyện Thạch Thất), đến các khu chợ gần các khu công nghiệp, chế xuất thuộc TP Hồ Chí Minh như Linh Trung 1 và 2 (quận Thủ Đức), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)… hình ảnh đầu tiên là hàng hóa, thực phẩm được bày bán tại những khu chợ tự phát, chợ cóc dọc hai bên đường, chất lượng thường không cao, chưa kể nguồn gốc không bảo đảm.
Chị Hà Thị Vân (Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) chia sẻ: Công nhân chúng tôi đồng lương hạn hẹp, phải so đo mặc cả rồi chấp nhận mua thịt ôi, rau rẻ, “đánh cược” sức khỏe của bản thân và gia đình mình.
Để bớt khó khăn cho công nhân, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá bán một số mặt hàng tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Linh Ngọc |
Cũng giống chị Hà Thị Vân, phần lớn công nhân thường ăn uống đạm bạc, mua thực phẩm theo tiêu chí rẻ hơn là ngon, mặc dù biết là không bảo đảm chất lượng.
Xã Kim Chung (huyện Đông Anh) là nơi tập trung đông nhất số công nhân ngoại tỉnh ở trọ trên địa bàn TP Hà Nội với gần 20.000 lao động. Trong những ngày hè nóng bức nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40oC, sau giờ tan ca, công nhân chỉ về nhà nấu nướng, ăn cơm rồi lại kéo nhau đi hóng mát, la cà uống trà đá, nước mía ở các quán dọc đường quanh làng.
Sợ nóng, nhiều công nhân còn chọn cách ăn đơn giản như cơm quán hoặc nấu nhanh gói mì tôm với quả trứng. Trong các phòng trọ chật hẹp lợp phibrô xi măng, cái nóng hầm hập cuối ngày khiến công nhân càng mệt mỏi hơn sau giờ tan ca.
Ở căn phòng trọ hơn 10m2 tại thôn Bầu, xã Kim Chung, chị Lê Thị Hà (công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam) uể oải lau nhà cho bớt nóng, cho biết: Tôi chỉ muốn ngủ cho lại sức nhưng không nằm nổi vì nóng quá. Với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, hằng tháng phải chung trả tiền thuê phòng 800 nghìn đồng, tiền điện hơn 3.000 đồng/kWh, việc dùng máy điều hòa là hết sức xa xỉ. 3 người chung phòng cũng không dám mua quạt phun sương vì vừa đắt, vừa sợ tốn nhiều tiền điện. Ngày làm việc căng thẳng, đêm lại phải chống chọi với cái nóng hun người, sức khỏe của công nhân lao động khó lòng được bảo đảm.
Tại TP Hồ Chí Minh, tuy cái nóng không đến mức ngột ngạt như ở Hà Nội, nhưng gia đình anh Phạm Văn Trường (công nhân Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Trường Lợi, Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức) cũng chỉ thuê căn phòng rộng 9m2 với giá 800.000 đồng/tháng. Trong căn phòng chật hẹp, anh cố gắng tận dụng diện tích sử dụng cho nhiều mục đích ăn, ngủ, học tập, giải trí. Với mức lương 5,7 triệu đồng/tháng, anh phải tiết kiệm tối đa mới có đủ tiền đóng học phí, tiền ăn, tiền sữa cho con...
Thực tế cho thấy, điều kiện ăn ở của phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế vẫn đang còn rất khó khăn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như năng suất lao động, dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động.
"Chỉ muốn ngủ bù"...
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, hơn 90% lao động thuộc lứa tuổi trẻ, phần lớn chưa lập gia đình, nhu cầu vui chơi, giải trí là không thể thiếu. Tuy vậy, điều kiện sống khó khăn, cường độ lao động cao khiến mức thụ hưởng văn hóa của công nhân chưa tương xứng. Phần lớn công nhân không được tiếp nhận thường xuyên, đầy đủ thông tin về chính trị - xã hội, chính sách, pháp luật và cả những quy định về quyền lợi hợp pháp liên quan đến bản thân.
Với thời gian đứng máy 8-14 giờ/ngày, nhiều công nhân chỉ có thể ngủ vùi để lại sức sau mỗi ngày làm việc. Chị Lê Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, chị sống cùng phòng với hai người bạn, nhưng họ chỉ ăn cơm chung, ngủ chung giường mà ít khi trò chuyện. Sau giờ đi làm về mệt bã người, công nhân chỉ chăm chăm lo cơm nước xong rồi đi ngủ. Vào ngày nghỉ, vì không có hoạt động thể thao, vui chơi nên công nhân chỉ lướt web, chơi game. Thi thoảng, chị em công nhân rủ nhau đi dạo bộ, tán gẫu hay ra chợ mua sắm quần áo, ăn quà vặt.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, lĩnh lương xong, anh cùng bạn uống vài vại bia rồi về phòng ngủ. Ngoài việc la cà quán xá, công nhân không biết đi đâu, chơi gì vì đi xa là tốn tiền. Trong phòng trọ cũng không có ti vi, sách báo. Không có cơ hội giao lưu, học hỏi để mở mang hiểu biết, nhiều công nhân có cuộc sống tinh thần đơn điệu, thiếu kỹ năng sống. Không ít người cũng đã nghe nói về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguy cơ mất việc làm, nhưng không có điều kiện tìm hiểu sâu, đành phó mặc.
Có thể thấy, các cấp, các ngành dù đã có nhiều quan tâm, nỗ lực chăm lo cho đội ngũ công nhân lao động nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Nhiều chủ trương mới chỉ dừng lại ở những mô hình mà không nhân rộng được vì thiếu nguồn lực.
Do vậy, để tạo chuyển biến thật sự rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công đoàn và toàn xã hội cần phối hợp chặt chẽ, huy động hiệu quả các nguồn lực chăm lo cho người lao động. Trong đó, tổ chức công đoàn phải đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất, kết nối. Từ đó giúp công nhân lao động được hưởng thụ đời sống vật chất, văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Đây cũng là tiền đề để công nhân lao động vững vàng bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tích cực góp phần xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.