Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tự phát hiện tham nhũng - khâu yếu nhất

Hồ Bách| 26/12/2015 08:45

(HNM) - Sau khi Thanh tra TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thông tin, qua đấu tranh nội bộ và qua công tác thanh tra năm 2015, chưa tự phát hiện được trường hợp nào có dấu hiệu tham nhũng, nhiều địa phương khác cũng thừa nhận đây là khâu yếu. Vậy những hạn chế trong việc tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan, đơn vị nằm ở đâu?


Chuyện phổ biến

Tổng kết hoạt động thanh tra năm 2015, có thể thấy, việc không phát hiện được tham nhũng qua thanh tra, đấu tranh nội bộ không phải là chuyện của riêng TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn phổ biến của nhiều bộ, ngành, địa phương. Lý do đưa ra cũng cơ bản giống nhau. Điển hình là: Muốn PCTN hiệu quả phải huy động đồng bộ cả hệ thống chứ không chỉ riêng ở chính cơ quan mình.

Báo cáo kết quả PCTN năm 2015 của UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố nêu rõ, về khách quan PCTN là công việc khó khăn, phức tạp. Chế độ tiền lương, đãi ngộ của CBCC còn thấp; đối tượng tham nhũng ngày càng liều lĩnh và tinh vi; công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Về chủ quan, công tác tự kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên; việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm đôi khi còn thiếu kiên quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhận định, với lối tư duy và điều hành hiện nay, có thể Hà Nội và cả TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nên những kẻ muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được. Giả thiết thứ hai, có thể tham nhũng ngày càng tinh vi, câu kết chằng chịt, tạo thành những lợi ích nhóm, mỗi thành viên trong đường dây đều che chắn cho nhau, biến hóa nhào nặn số liệu cho phù hợp nên việc phát hiện rất khó khăn. Giả thiết cuối cùng, chẳng địa phương nào muốn vạch áo cho người xem lưng. Vì thế có thể khi phát hiện ra, người ta chỉ xử lý nội bộ.

Ở góc nhìn khác, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, việc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không phát hiện trường hợp tham nhũng không phải do các địa phương này không tích cực. Việc xác định tội danh tham nhũng theo quy định của pháp luật là cả một quy trình. Chỉ khi nào tòa án phán quyết tội danh đó, thì mới gọi là tội danh tham nhũng. Nên đối với ngành thanh tra, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì nhiệm vụ là chuyển cơ quan điều tra, công tố để lực lượng này làm rõ, truy tố, xét xử. Thanh tra TP Hà Nội, trong 9 tháng năm 2015 đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm và Thanh tra TP Hồ Chí Minh chuyển 4 vụ việc.

Không loại trừ người đứng đầu tham nhũng

Như cách giải thích của người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, có thể hiểu công tác tự phát hiện không đồng nhất với việc trong thời gian qua ở tỉnh, thành phố đó có hoặc không phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng nào hay không. Song dư luận xã hội rất băn khoăn, vì có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng mới phát hiện được 1 đến 2 vụ tham nhũng nhỏ và chỉ kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính.

Theo báo cáo của chính Thanh tra Chính phủ trước Quốc hội, năm 2015 toàn ngành thanh tra mới chỉ phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng. Chính người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, con số này chưa phải là lớn nên thời gian tới ngành thanh tra sẽ quyết tâm cao hơn để làm sao ngăn chặn, phát hiện răn đe để chuyển cơ quan điều tra được nhiều hơn.

Về phía Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nêu quan điểm, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm 2015 còn chậm trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực… Đa số các vụ tham nhũng do thanh tra các tỉnh, thành phố phát hiện chỉ là "chuột nhỏ", cỡ cấp làng bản, thôn xóm, xã, huyện.

Trong khi đó, đã xuất hiện một số vụ án tham nhũng gồm nhiều đồng phạm, ở nhiều vị trí công tác khác nhau trong đơn vị, cùng thống nhất thực hiện hành vi tham nhũng để lấy tiền, tài sản chi dùng chung cho các hoạt động của đơn vị, thậm chí là chi cho hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, phúc lợi chung cho CBCCVC trong đơn vị và qua đó những người thực hiện hành vi tham nhũng cũng vụ lợi cá nhân về vật chất và cả tinh thần. Ví dụ cụ thể nhất là vụ Ban Quản lý các dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) vừa được đưa ra xét xử mới đây.

Trước tình hình này, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN. Trước hết do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng; chưa ý thức đầy đủ hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, sự tồn vong của chế độ; chưa thật sự coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu: Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện với nguyên tắc: tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.

Để hạn chế tình trạng khoán công tác PCTN, các văn bản hiện hành đã nhất quán giao người đứng đầu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN. Song cũng có ý kiến cho rằng, giải pháp này chưa thực sự hiệu quả. Căn bệnh thành tích có thể dẫn tới việc các tỉnh, thành phố né tránh trách nhiệm, xử lý nội bộ hoặc bao che cho hành vi tham nhũng. Không loại trừ ở nơi này nơi khác bản thân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng dính vào tiêu cực, bàn tay đã nhúng chàm thì còn phát hiện, xử lý người khác sao được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tự phát hiện tham nhũng - khâu yếu nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.