(HNM) - Bảo hiểm xã hội được coi là một trong những trụ cột chính của an sinh xã hội và vận hành theo nguyên tắc đóng - hưởng. Tuy nhiên, mức đóng - hưởng này ở nước ta đang có sự chênh lệch, khiến trụ cột chính của an sinh xã hội chưa bền vững.
Tăng trưởng chậm
Tại hội thảo quốc tế bàn về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam diễn ra cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHXH. Trong những năm qua, chính sách BHXH ở Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn cải cách, phát triển. Luật BHXH được Quốc hội thông qua năm 2006 và tiếp tục hoàn thiện năm 2014 đã quy định đầy đủ về chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Người dân được tạo mọi điều kiện để tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách, nên số người tham gia BHXH tăng lên nhanh chóng.
Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Thái Hiền |
Hiện tại, cả nước có khoảng 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mỗi năm, nước ta có từ 4 đến 5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn; khoảng 150 nghìn người hưởng mới các chế độ BHXH dài hạn; gần 3 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và BHXH hằng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
Mặc dù đạt kết quả đáng ghi nhận, song những tồn tại của chính sách BHXH trong thời gian qua vẫn chưa khắc phục triệt để. Đó là nguy cơ mất cân đối Quỹ Hưu trí và tử tuất trong dài hạn; tỷ lệ người tham gia thấp, diện bao phủ BHXH còn ít. Các chế độ BHXH chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục còn rườm rà,… Có thể nói, tốc độ tăng trưởng BHXH ở nước ta khá chậm, khó đạt mục tiêu thu hút 50% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vào năm 2020.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) dẫn chứng: Nước ta còn gần 39 triệu người chưa tham gia BHXH, tương đương gần 70% lực lượng lao động trong độ tuổi. Với tốc độ tăng trưởng đó, dự báo đến năm 2050, số người tham gia BHXH đạt khoảng 27 triệu người, bằng 42% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người hưởng lương hưu từ Quỹ Hưu trí sẽ tăng từ hơn 2,2 triệu người hiện nay, lên 10,6 triệu người vào năm 2050, bằng 34,1% số người sau tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, khoảng cách chênh lệch giữa thời gian đóng, mức đóng BHXH so với thời gian hưởng và mức thụ hưởng ngày càng giãn rộng. Tính trung bình, thời gian hưởng lương hưu của người lao động là 24,7 năm, trong khi mức đóng, thời gian đóng BHXH như hiện nay mới đủ chi trả lương hưu cho họ trong 8 năm.
Đáng lo hơn, tỷ lệ người đóng BHXH trên số người hưởng ngày càng có xu hướng giảm nhanh. “Năm 1996, trung bình có 217 người đóng cho 1 người hưởng, đến nay, con số này chỉ còn khoảng 8 người đóng cho 1 người hưởng” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Theo ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh, tốc độ tăng trưởng BHXH chậm, Việt Nam cần điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách BHXH nhanh chóng, dứt khoát và phù hợp.
Chia sẻ giữa các nhóm đối tượng
Khẳng định lực lượng lao động đang làm việc chưa tham gia BHXH nhiều hơn số người đã, đang tham gia, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội khuyến nghị, Việt Nam nên mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Ngoài ra, nên xây dựng hệ thống BHXH đa tầng thay mô hình đơn tầng hiện nay; đồng thời, điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu một số nhóm đối tượng. Chính sách BHXH cần thiết kế mức đóng - hưởng phù hợp, hướng tới việc mở rộng diện bao phủ tương tự như bảo hiểm y tế.
Đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) kiến nghị, các cơ quan chức năng quan tâm cải cách chính sách BHXH song song, lồng ghép với chính sách lao động, việc làm; ưu tiên cải cách bộ máy quản lý và tách bạch quyền lợi, nghĩa vụ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, BHXH nên có hai tài khoản, một dành cho người lao động, một dành cho người sử dụng lao động. Mức độ đóng - hưởng phải minh bạch, tạo động lực cho các bên cùng cố gắng.
Còn ông Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa BHXH, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích: Đa số người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hiểu hết tính ưu việt của BHXH, nên chưa chủ động tham gia. Vì thế, BHXH cần có đội ngũ chuyên viên tư vấn đến từng người dân; mở rộng hệ thống đại lý đến cấp cơ sở. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cùng với việc điều chỉnh chính sách, Nhà nước cần hỗ trợ mọi người đến tuổi lao động được tham gia hệ thống BHXH từ nguồn phúc lợi chung. Đối tượng hỗ trợ gồm tất cả lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức như trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp đang đóng thay cho người lao động 14%, để mọi người đều có lương hưu, thấp nhất cũng ở mức sàn tối thiểu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nước ta có khoảng 18 triệu lao động làm việc ở khu vực phi chính thức và 76,7% số lao động phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản, không tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, không hưởng lương cố định. Con số này cho thấy, việc cải cách chính sách BHXH là nhiệm vụ không thể trì hoãn, nhưng cần thực hiện thận trọng, tôn trọng quy luật khách quan, hướng tới sự chia sẻ giữa các nhóm đối tượng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.