(HNM) - Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có khoảng 5 triệu mét vuông đất còn bỏ hoang, chưa kể hàng chục dự án đã bị "treo" suốt nhiều năm qua. Trong khi, nạn thiếu trường, thiếu lớp, thậm chí "trắng" trường mầm non ngay tại các quận nội thành tiếp tục gây bức xúc trong dư luận: Phải chăng lâu nay bậc học mầm non đã bị "lãng quên"?
"Lách" luật, "né" xây trường
Đến bây giờ, ít ai có thể đưa ra con số chính xác Hà Nội có bao nhiêu khu đô thị mới xây dựng. Thủ đô mở rộng, tốc độ xây dựng tăng nhanh cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, đi kèm với hàng triệu căn hộ chung cư thì đằng sau nó phải là hạ tầng kỹ thuật, là các công trình khớp nối để phục vụ nhu cầu dân sinh tại các khu đô thị. Người ở xa về Thủ đô thấy Hà Nội lung linh, hào hoa hơn bởi ngày càng nhiều các tòa nhà chọc trời, họ đâu biết rằng công dân sống trong khu đô thị đó đang phải chịu nhiều thiệt thòi, khổ nhất là nạn thiếu trường, thiếu lớp cho con em.
Sao Mai - trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn phường Nam Đồng đang xập xệ, xuống cấp. |
Theo quy định, các khu đô thị khi xây dựng phải có quỹ đất cho vườn hoa, chợ, trạm y tế và trường học, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cư dân trong khu nhà đó. Quy định như thế nhưng trên thực tế, việc xây dựng trường học tại các khu đô thị mới ở Hà Nội chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sở dĩ chủ đầu tư không mặn mà với hạng mục xây trường, là bởi quy mô đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. Một khi cơ chế giám sát việc xây dựng trường học tại các khu đô thị còn quá lỏng lẻo, chủ đầu tư dễ dàng bỏ qua quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Đại diện một nhà đầu tư nói với phóng viên rằng: Không phải "vạch áo cho người xem lưng" nhưng quả thật đã kinh doanh phải tính đến lỗ lãi. Xây dựng căn hộ chung cư đến đâu, chúng tôi bán hết đến đó. Có "tiền tươi thóc thật", chúng tôi tìm dự án khác để đầu tư chứ không thể tính đến chuyện xây trường. Thứ nhất, vốn đầu tư xây trường lớn, thu hồi vốn chậm. Thứ hai, chúng tôi là người kinh doanh, am hiểu về giáo dục không nhiều. Muốn mở trường, chủ đầu tư phải liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân có pháp nhân trong lĩnh vực giáo dục. Nói anh thông cảm, quan điểm của người kinh doanh và người làm giáo dục khác nhau nhiều lắm, ít khi tìm được tiếng nói chung. Hầu hết dự án, chúng tôi vẫn dành đất để xây trường nhưng triển khai thì không. Đó là lý do vì sao tại các khu đô thị mới vẫn còn những mảnh đất hoang, cho dù đắc địa.
Trả lời câu hỏi vì sao chủ đầu tư "né" được trách nhiệm xây trường, vị này thẳng thắn: Đó cũng là kẽ hở trong quy định của pháp luật. Có ai bắt chúng tôi phải "đặt cọc" hay chịu sự ràng buộc pháp lý nào về việc xây trường học trong quá trình thực hiện dự án khu chung cư đâu. Giả sử khi giao đất, thành phố yêu cầu chủ đầu tư cam kết phải xây dựng xong trường học, trạm y tế thì mới được phép xây dựng nhà chung cư để bán, đơn vị nào không thực hiện đúng cam kết thì thu hồi đất dự án. Quy định mà chặt chẽ như thế thì ít "ông" nào né được...
Khi chung cư không có trường học, đương nhiên học sinh phải đổ dồn về các trường lân cận, dẫn đến tình trạng quá tải. Để con em không bị thất học, các bậc phụ huynh chỉ còn cách lao vào cuộc cạnh tranh chạy trường, chạy lớp, cho dù là "vé vớt" để vào trường công lập.
Xây trường rồi… bỏ hoang
Nói chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Dung, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa luôn nhắc tới nỗi khổ của gần 300 học sinh Trường Mầm non Sao Mai (phường Nam Đồng). Bà Dung cho biết, gọi là trường nhưng thực chất chỉ là căn nhà tập thể do Bộ Quốc phòng xây dựng năm 1991. Hằng ngày, các cháu mẫu giáo phải học trên tầng 2, tầng 3, không có sân chơi. Nhà cửa xuống cấp, thiếu thốn đủ bề nhưng chẳng có cách nào khắc phục. Phường Nam Đồng có 4.456 hộ với 15.820 nhân khẩu, trung bình mỗi năm có 1.611 cháu ở độ từ 0 đến 5 tuổi tham gia bậc học mầm non. Thế nhưng, hiện nay Trường Mầm non Sao Mai chỉ có 6 lớp với sức chứa tối đa 286 học sinh. Nếu đáp ứng đủ nhu cầu, phường Nam Đồng phải có trường mầm non khuôn viên rộng 5.000m2 với 25 lớp. Quận đang tìm mọi biện pháp nhằm san tải số học sinh nhưng khó quá vì trường nào cũng chật cứng hết rồi...
Một nghịch lý mà bất cứ người dân phường Nam Đồng nào cũng bức xúc, đó là tình trạng trường học xây rồi bỏ hoang, trong khi con em họ vẫn phải "chui rúc" trong căn nhà sập sệ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi xây dựng khu tập thể Nam Đồng, Bộ Quốc phòng đã dành 2.000m2 đất tại tổ 17 để xây nhà mẫu giáo, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cho cán bộ, sĩ quan quân đội. Năm 1991 Công ty Quản lý nhà số 1 được giao nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà mẫu giáo tại khu đất này. Tuy nhiên, khi mới thi công xong phần khung của tòa nhà 2 tầng, không hiểu lý do gì, việc xây dựng bỗng nhiên bị đình lại. Cứ ngỡ chỉ tạm dừng thi công ít bữa, nhưng thời gian thấm thoát trôi, sau 20 năm, công trình xây dựng nhà mẫu giáo năm nào vẫn dang dở.
Có mặt tại khu vực nhà trẻ bị bỏ hoang tại KTT Nam Đồng, phóng viên Hànộimới sửng sốt chứng kiến dẫy nhà trẻ hai tầng ngập trong cỏ dại. Tường, gạch của ngôi nhà nhiều chỗ bắt đầu vỡ, rêu phủ xanh... Bà Nguyễn Phương Liên, một người dân sống gần đó ngán ngẩm: Năm 1991, khi bắt đầu khởi công xây nhà mẫu giáo tại đây, con gái tôi mới 3 tuổi. Tôi và các hộ có con nhỏ đều mừng vì từ nay con cái được học gần nhà. Ai ngờ, nay con gái tôi đã bước sang tuổi 23, cháu tốt nghiệp đại học rồi mà khu nhà mẫu giáo vẫn chưa xây xong.
Đem theo bức xúc của người dân, chúng tôi đặt câu hỏi với lãnh đạo phường Nam Đồng thì nhận được câu trả lời: "Việc này phường đã biết từ lâu nhưng không giải quyết được. Khu đất trên thuộc quyền quản lý của Tổng cục Hậu cần, UBND phường chỉ quản lý trật tự xây dựng và an ninh khu vực. Phường cũng đã có văn bản báo cáo quận và các ngành chức năng nhưng đến nay chưa có hồi âm...".
Nghe lời giải thích mà chúng tôi thấy tiếc vì đã ngần ấy thời gian, chẳng có cơ quan nào thực sự quan tâm xây tiếp cái trường mầm non đang còn dang dở. Ông Nguyễn Văn Bính, một cư dân KTT Nam Đồng nói tưng tửng: "Đất ở đấy, trường ở đấy chứ ở đâu?".
Ông Bính nói ngắn gọn nhưng cũng phần nào nói được thực trạng thừa quỹ đất thiếu trường học trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.