(HNM) - Văn hóa ứng xử nơi công cộng là câu chuyện chạm tới mạch ngầm nhạy cảm trong cuộc mưu sinh bồn chồn, không nguôi thao thức của đô thị Hà Nội, bao hàm những gì gần gũi nhất của đời sống hằng ngày.
Nét đẹp văn hóa của người Hà Nội còn thể thiện trong lễ cưới hỏi.
Trong một bài viết, nhà văn hóa Hữu Ngọc đưa ra nhận định của mình về khái niệm "Người Hà Nội", cho rằng đó là "tất cả những ai xưa và nay đã và đang gắn bó với Thăng Long - Hà Nội cho dù họ đến từ đâu". Quan điểm ấy không xa lạ, nó tương thích với ý kiến của nhiều học giả khác và càng ngày càng mang tính phổ biến hơn, nhất là khi dòng chuyển cư về Thủ đô mỗi lúc một tấp nập. Chính đặc điểm đó gợi nhắc Hà Nội đang trong cuộc giao lưu, va đập lớn giữa nỗi đau đáu gìn giữ cái danh "chẳng thơm cũng thể hoa nhài" với những gì được coi là mặt trái của quá trình đô thị hóa, hội nhập, của sự đan cài văn hóa vùng miền. Hà Nội vẫn như thuở nào, với đặc trưng kết tinh, hội tụ. Những thói quen cũ, hủ tục hay tốt đẹp, vận động trong những yêu cầu mới của một đô thị đang hướng tới tiêu chí văn minh, hiện đại… Sự vận động ấy gây mệt mỏi nhưng cũng đủ hào hứng, nó giống như một cuộc tự thanh lọc để trở nên tốt đẹp hơn.
Có nhà thơ trẻ từng nói: "Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội/Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi!". Sức sống của phẩm chất Tràng An và khả năng tinh lọc thế nào ở thời hiện đại? Một phần câu chuyện ấy bắt đầu từ văn hóa ứng xử nơi công cộng, những phong cách cử chỉ đối xử với nhau của người dân trong giao tiếp, bán mua, giao thông, lễ hội, cưới hỏi…
Trên những trang viết về Hà Nội hiện nay, có thể tìm thấy những nhận xét hóm hỉnh ẩn chứa nỗi trăn trở về cung cách ứng xử dường như đã thành phổ biến. Một đạo diễn có tiếng viết trên blog của mình: "Khi có việc đi xa, bạn không sợ đường sá, mà hãy biết sợ ông lái xe", "Đi bộ trên hè phải cẩn thận, vì đó là đi trên quầy hàng của người ta", "Khi bị ai đó đụng vào - nhất là thanh niên, để an toàn, bạn nên xin lỗi trước"... Đặc trưng giao thông với lưu lượng xe máy dày đặc và khả năng "đánh võng" của người Hà Nội nổi tiếng đến nỗi làm "tê liệt ý chí chiến đấu" của nhiều khách người nước ngoài: "Không thể tin nổi. Không thể tin nổi. Tôi đã lên kế hoạch đi chơi tối nay nhưng tôi sẽ chẳng đi đâu hết. Tôi đã ngồi đây hơn một tiếng đồng hồ và chẳng thể rời mắt khỏi đám xe máy" (Patti McCracken, theo lời kể của KTS trẻ Nguyễn Trương Quý).
Người Hà Nội đang bước ra từ cổng chợ truyền thống để đến với những siêu thị lớn, hoặc mua hàng qua mạng, ngồi nhà chờ nhà phân phối, một cuộc vận động tự thay đổi để tiếp nhận cái mới và loại bỏ dần dần sự tệ hại, bất tiện trong hoạt động bán mua. Những "cân lừa, cân điêu" chắc chắn là sản phẩm của "nền kinh tế xe thồ" từ các vùng ven Hà Nội, mặc dù không đến nỗi ám ảnh người mua như trước nữa nhưng đây đó vẫn có thể gây thiệt hại cho các bà các mẹ. Người ta không dễ mở cửa cho khách lạ chỉ vì sợ bị lừa, những cụ già ở nhà một mình được con cháu dặn đi dặn lại đến sốt ruột là "không mở cửa cho đám bảo dưỡng bếp ga, bán chất tẩy rửa hay người tiếp thị"… Nhưng, ngay cả khi ngợp trong sự tiện nghi, nhiều người vẫn nhớ về một Hà Nội xưa, như người ta nói là một cái chợ khổng lồ mà cung cách bán mua không có nhiều thái độ "hàng tôm, hàng cá" hay lừa lọc. Giờ đây, trong một thành phố đang có chiều hướng bung nở hành vi phản văn hóa, vẫn còn nhiều trí thức vững vàng nghiên bút nhờ sạp hàng của người phụ nữ tần tảo lặng thầm phía sau. Họ bán hàng nhưng không cân điêu, đo thiếu, không lấy thừa của khách một xu, như nhận xét của một người nước ngoài là vẫn có thể tìm thấy cái tinh thần ấy, lối ứng xử thanh lịch ấy từ không ít chủ nhân các khách sạn trong khu phố cổ.
Nếp ăn ở của cư dân Hà Nội hiện đại đan cài sự thể hiện của văn hóa ngõ phố truyền thống và văn hóa chung cư. Đô thị mới mọc nhanh hơn sự thích ứng của người dân đối với một hình thái ứng xử văn minh hiện đại, nơi không có chỗ cho sự "xuề xòa". Sự va đập giữa nếp cũ, những điều hay và cả sự tệ hại như quan niệm "nhà ta, ta sống kiểu gì chẳng xong" với những quy ước hiện đại một phần đã được luật hóa làm phát lộ sự trớ trêu. Ở chung cư sạch đẹp nhưng chốc chốc lại "tiện tay" quẳng chiếc tăm, mảnh giấy gói kẹo ra ngoài cửa sổ. Thang máy trở thành nơi cho trẻ "du hành", nơi các bác, các cô "ô-sin" dỗ trẻ con ăn, cứ là mở cửa lần lượt ở tất cả các tầng dù không cần đón khách… Ở ngõ phố, không thể lúc nào cũng nhận xét một cách "ngoại giao" như một người nước ngoài nào đó, rằng "sống trong những ngõ phố có sự tồn tại song song của cái cũ và cái mới, đó mới chính là cuộc sống của người Hà Nội" bởi bên tình thân làng xóm, cảnh con trẻ ríu rít bên nhà nhau (hiếm thấy ở nhiều nước phát triển) còn có lắm điều làm người ta điên đầu. Rác vẫn bị "du kích" thả không đúng chỗ và không thể nào kiểm soát được. Chó vẫn chạy lông rông rồi thải "sản phẩm" bừa bãi, như thách thức lời đe dọa "đưa đến Nhật Tân" ghi đầy trên tường.
"Từ xin lỗi trong tiếng Việt xuất hiện ngay trong phần đầu sách dạy tiếng Việt nhưng trong cuộc sống hằng ngày tôi lại hầu như không nghe thấy từ đó" (Ito Tetsuji - nhà nghiên cứu người Nhật ở Hà Nội) và lời tự trào xót xa trên một blog, rằng "người mặc quần áo đẹp, cả nam lẫn nữ, chưa chắc là người không văng tục"… Có thể hiểu được những người phê phán thói hư, tật xấu của người Hà Nội hôm nay thực tế là những người hiểu và yêu Hà Nội không kém. Nhà nghiên cứu người Nhật nói trên cùng với vợ và con gái anh đã rơi nước mắt khi xa Hà Nội. Họ gọi đó là một "cú sốc lớn" khi không còn được gặp lại nụ cười chân thật, ấm áp của người hàng xóm, tiếng "ơi" trả lời của chị ấy mỗi sáng sớm khi con gái họ cất tiếng gọi "Bác Mên ơi!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.