(HNM) - Nhận định về nguyên nhân gây nên tình trạng quy hoạch
Người làm quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa đủ chuyên môn, năng lực để có thể đưa ra những dự án quy hoạch sát thực tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và mỗi giai đoạn khác nhau.
Quy hoạch bị "lệch" thực tế
"Xuất phát từ quy hoạch ban đầu lệch thực tế. Khi đó, các nhà quy hoạch cứ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ngay thời điểm hiện tại mà làm, mà không tính đến lúc tình hình kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư quay lưng hoặc rút khỏi dự án!" - ông Hòa còn ví von, thực trạng quy hoạch trên địa bàn TP như những thước vải được cắt sẵn nhưng không may được do thiếu nhà xưởng, thiếu công nhân lành nghề. Không ai khác, đối tượng phải gánh chịu những hệ lụy này chính là người dân, đặc biệt là người nghèo.
"Người làm quy hoạch không thể chỉ là một kiến trúc sư hay một nhà thiết kế. Không thể cứ "vẽ" ra theo ý mình được mà cần phải căn cứ vào kết quả khảo sát nhiều nguồn lực khác nhau, như nguồn lực về tài chính, nguồn lực về con người, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội… và cả những rủi ro, thách thức có thể xảy ra trong quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch!" - Một chuyên gia trong ngành quản lý tài nguyên - môi trường cũng đồng quan điểm.
Bàn về trách nhiệm của những chủ dự án, các địa phương liên quan, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa nhận định: "Rất khó để quy trách nhiệm cho bất kỳ cơ quan, đơn vị nào trong vấn đề lập và quản lý quy hoạch. Ngay cả một dự án được thực hiện cũng đã bị chi phối bởi rất nhiều luật khác nhau. Chính vì vậy, cần phải thấy được rằng, chính dự án treo chứ không hẳn quy hoạch treo. Trong trường hợp tìm được hướng đi cho những dự án trong vùng quy hoạch, đồng nghĩa với việc quy hoạch đó sẽ được triển khai một cách hiệu quả".
Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP các khóa VI, VII cũng cho rằng, đối với một đô thị tầm cỡ như TP Hồ Chí Minh, việc quy hoạch để từng bước tạo bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, xứng tầm khu vực là cần thiết. Tuy nhiên TP làm công tác quy hoạch còn yếu. Ông Khoa đặt câu hỏi: "Trong mỗi dự án quy hoạch, các cơ quan chức năng đứng về phía nhà đầu tư hay người dân? Khi thực hiện một dự án, lợi ích người dân phải được xem xét trước tiên. Không thể biện minh vì lợi ích dự án nên một bộ phận dân chúng nào đó phải hy sinh".
Thực tế thì người dân vùng quy hoạch cũng được gỡ khó bằng Nghị định 64/2012, cho phép các công trình nằm trong khu vực quy hoạch "treo" sẽ được cấp phép xây dựng tạm. Theo đó, các công trình nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất sẽ được cấp phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hạn và không yêu cầu bồi thường đối với phần công trình phát sinh sau khi quy hoạch được công bố. Trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí phá dỡ.
Tuy nhiên, dù đã được tháo gỡ bằng Nghị định 64 nhưng vẫn có những bất cập nảy sinh. Phần lớn người dân phải khó khăn lắm mới tích cóp đủ tiền xây nhà, nếu bị phá dỡ mà không được đền bù thì cũng là một thách thức quá lớn, thế nên họ đành chấp nhận sinh sống trong những căn nhà tạm bợ.
Mạnh tay với quy hoạch “treo”
Từ năm 1997 đến nay TP Hồ Chí Minh có 428 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, tuy nhiên đến nay vẫn còn 102 đồ án kéo dài, không khả thi, cần phải điều chỉnh. Thực tế đang có nhiều dự án "treo" rất mơ hồ, khó thực hiện, nhiều hẻm rất nhỏ nhưng được gắn biển lộ giới 8-10m mà không hề có luận cứ nào để thực hiện. Hiện phần lớn giá trị gia tăng từ khâu quy hoạch làm dự án kinh doanh lại thuộc về doanh nghiệp, trong khi người dân bị thu hồi đất không được hưởng lợi bao nhiêu đã dẫn đến sự bức xúc, khiếu kiện. Sở dĩ vẫn tồn tại tình trạng các đồ án quy hoạch "treo" kéo dài bởi các địa phương chưa có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng. Nếu ở các tỉnh, vùng quy hoạch "treo" là đất nông nghiệp, có thể sử dụng để canh tác thì ở thành phố phần lớn là đất đô thị. Vì vậy, để sửa sai và không lãng phí quỹ đất, tài sản của người dân, thành phố nên cho người dân sử dụng để kinh doanh, đầu tư như làm nhà xưởng, sân bóng đá, nhà trọ… đặc biệt là các quận, huyện phải có kế hoạch sử dụng đất, lộ trình thực hiện rõ ràng trong các đồ án quy hoạch.
Trong khi tình trạng quy hoạch "treo" vẫn là một vấn nạn lớn gây bức xúc lớn cho người dân TP Hồ Chí Minh, thì từ đầu năm đến nay, liên tục các tỉnh bạn là Long An và Tây Ninh đã mạnh tay thu hồi, hủy bỏ nhiều dự án, quy hoạch "treo", trả lại đất lúa cho dân. Chủ trương này đã được dư luận cả nước ủng hộ mạnh mẽ, tất nhiên trong đó có cả những người dân vùng bị quy hoạch "treo" ở các địa phương. Đi đầu trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch "treo" là Long An, từ đầu năm đến nay đã thu hồi 24 dự án với tổng diện tích 1.573ha do chậm triển khai, không chuyển tiền bồi thường mặt bằng… Có hàng trăm hécta đất được giao lại cho nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An vui mừng chia sẻ với công luận: "Việc thu hồi hàng trăm hécta đất từ các dự án "treo", nhất là các dự án sân golf, đã giúp bà con nông dân ổn định sản xuất, gắn bó với đồng ruộng. Người dân các huyện Cần Giuộc, Thủ Thừa, Đức Huệ, Tân Trụ hay TP Tân An… rất phấn khởi khi được tiếp tục trồng lúa trên đồng ruộng của mình, đời sống cũng khá dần lên". Học tập kinh nghiệm của Long An, tỉnh Tây Ninh mới đây cũng ra quyết định xóa bỏ 10 cụm công nghiệp, với gần 1.150ha đất "treo" gần 10 năm nay trả lại đất cho dân sản xuất.
Ngược lại, dường như đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn "án binh bất động", trong khi có nhiều tỉnh từ phía Bắc đã cử cán bộ vào Long An tìm hiểu, học tập kinh nghiệm xóa bỏ quy hoạch "treo". Giải thích về hiện tượng này, theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, thực trạng quy hoạch ở TP Hồ Chí Minh liên quan đến rất nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, không thể muốn làm là làm, muốn ngưng là ngưng. Trong khi đó, tại TP, hiện có sự chồng chéo về quản lý, nhất là cơ chế quản lý và sử dụng đất đai. Để giải bài toán này, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, các cấp, các ngành, các nhà khoa học cần phải ngồi lại với nhau để đưa ra lộ trình, định hướng quy hoạch dựa trên nguyên tắc khả thi và tầm nhìn thực tiễn. Trước mắt, TP cần rà soát toàn bộ các dự án quy hoạch, đánh giá tác động đối với người dân, từ đó xác định lại tính khả thi của từng dự án, nếu dự án nào không còn phù hợp phải mạnh dạn gỡ bỏ. Đồng quan điểm trên, ông Đặng Văn Khoa còn nhấn mạnh, quy hoạch phải căn cứ sát thực tế và công khai cho người dân để tạo sự đồng thuận và ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.