Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Phòng, chống tham nhũng thiếu quyết liệt, còn nể nang ?

Nhóm PV Nội chính| 21/11/2010 05:25

(HNM) - Năm 2010, số đối tượng bị tuyên phạm tội tham nhũng chỉ 479 người. Nhưng cứ 10 trường hợp thì 3 được hưởng án treo, 2 có hình phạt dưới ba năm tù và 1 chỉ bị cảnh cáo, cải tạo không giam giữ… Hầu hết đối tượng bị xử lý là cán bộ cấp xã, phường, quận, huyện. Trong khi đó, tiêu chí đánh giá tham nhũng ở các địa phương chưa chuẩn, kê khai tài sản thiếu tính khả thi. Kết quả ấy khiến dư luận cho rằng phòng, chống tham nhũng thiếu quyết liệt, còn nể nang, nương nhẹ.


Đừng để bản kê khai tài sản là... một tờ giấy

Từ năm 2007, 100% cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị (gồm cả tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp) phải kê khai tài sản, thu nhập. Đây được coi là một trong 6 biện pháp phòng, chống tham nhũng. Nhưng qua gần 4 năm triển khai, kết quả mang lại vẫn rất "trừu tượng". Có không ít vụ việc cán bộ có tài sản lớn nhưng không kê khai hoặc "bỏ quên". Điển hình như vụ tỉnh Bình Thuận phát hiện cựu Giám đốc Sở Tư pháp Trần Văn Xê và vợ "quên" kê khai gần chục lô đất, 11ha đất rừng, các phần hùn vốn kinh doanh cây xăng. Nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau cũng nằm trong danh sách kê khai tài sản không trung thực. Tuy nhiên, đây không phải kết quả thanh tra sau khi kê khai. Tất cả các trường hợp nêu trên chỉ được đưa ra xem xét khi có sự phản ánh, tố cáo. Hiện không có tổ chức nào đứng ra thống kê được có bao nhiêu bản kê khai là đúng sự thật để từ đó đánh giá tư chất cán bộ. Quá trình kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kê khai tài sản tại tỉnh Gia Lai còn cho thấy, hầu hết các đơn vị ở địa phương này chưa nắm chắc đối tượng phải kê khai. Thậm chí, có bản kê khai nộp đi rồi mà không có chữ ký của người kê khai. Đặc biệt, một số doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước ở đây chưa thực hiện chủ trương này.

Đánh giá về thực trạng trên, không ít chuyên gia pháp luật cho rằng, khi bản kê khai không xác minh được tính trung thực thì thực chất việc thực hiện chỉ mang tính đối phó. Một khi người dân, các cơ quan dân cử không biết lãnh đạo chủ chốt thành phố, ban, ngành, quận, huyện có bao nhiêu tài sản, sự chênh lệch giữa số tài sản có trước khi được bổ nhiệm và sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ thì việc kê khai rất khó trở thành "trợ thủ đắc lực" của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện tham nhũng.

Tiêu chí đưa ra chỉ để phấn đấu

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năm 2010, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhưng công tác phát hiện và xử lý chưa mang lại hiệu quả. Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng những năm gần đây liên tục giảm về số vụ, số đối tượng. Năm nay, số đối tượng bị tuyên phạm tội tham nhũng chỉ 479 người. Nhưng cứ 10 trường hợp thì 3 được án treo, 2 có hình phạt dưới ba năm tù và 1 chỉ bị cảnh cáo, cải tạo không giam giữ… Hầu hết đối tượng tham nhũng bị xử lý chỉ là cán bộ cấp xã, phường, quận, huyện; cấp tỉnh chỉ chiếm 13%, còn trung ương 0,3%. Các vụ việc chủ yếu là do báo chí, cơ quan công an phát hiện.

Những con số trên còn cho thấy, một trong những cản trở lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay là bệnh thành tích. Hầu hết cán bộ địa phương dự họp ở TƯ, khi bàn về phương án phát hiện tham nhũng, tiêu cực đều công nhận "tham nhũng còn rất nhiều, rất nghiêm trọng, chỗ nào cũng có, nhưng riêng chỗ mình thì lờ đi không đề cập đến hoặc khẳng định chưa có". Trong khi đó, theo Thanh tra Chính phủ, trên thực tế số liệu phòng, chống tham nhũng của các địa phương vẫn làm lâu nay không chính xác hoặc phản ánh chưa thực chất vì không có hệ thống theo dõi. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mới có đến cấp tỉnh, còn hệ thống thanh tra hành chính mới chỉ vươn đến huyện, dưới cơ sở không có.

Nhưng để đánh giá tình hình tham nhũng ở các tỉnh, thành phố có nghiêm trọng không, tăng hay giảm, đơn vị này hay cá nhân kia có tham nhũng không thì chính các cơ quan trung ương cũng chưa biết vận dụng phương cách nào mà chỉ dựa vào 3 tiêu chí chính là từ lực lượng công an, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nội bộ tự đánh giá. Trong đó, tiêu chí nội bộ tự đánh giá lại là khâu yếu nhất. Cán bộ, công chức tại hầu hết các đơn vị lại ngại chống tham nhũng do chưa thật tin tưởng vào quyết tâm, hiệu quả của một số biện pháp phòng, chống tham nhũng. Bằng chứng rõ ràng là tỉnh, thành phố nào cũng đầu tư xây dựng, mua sắm rất cao, thất thoát cũng không ít, mà việc nào do cơ chế và việc nào do cán bộ quản lý làm trái, vụ lợi thì rất khó xác định và rất ít cá nhân tố giác.

Có thể nói chúng ta cũng đã xác định nhiều "công cụ" phòng, chống tham nhũng, nhưng khi đi vào cuộc sống, hiệu quả đạt được lại không cao. Đó là do cơ chế thực thi còn dàn trải, chưa minh bạch, công khai, chưa huy động được sức mạnh của cả tập thể trong phòng, chống tham nhũng. Rõ ràng, khi kiểm soát thu nhập cộng với cơ chế hành chính chưa minh bạch thì mọi tiêu chí đưa ra cũng chỉ để "phấn đấu".

Theo báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 (số 1600/BC-UBTCNS12) của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, 9 tháng đầu năm 2010, thông qua công tác kiểm soát chi; các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 25.883 khoản chi của 10.136 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng trình tự, thủ tục; từ chối thanh toán trên 160 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính trên 14,7 tỷ đồng. Ngành Tài chính đã tiến hành hơn 7.500 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 9.372 đơn vị, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm tài chính trên 1.626 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm 4.796 tỷ đồng, 21.746ha đất các loại; trong đó kiến nghị thu hồi 1.103 tỷ đồng, 940ha đất, loại khỏi giá trị quyết toán 191 tỷ đồng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý 3.162 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 302 tập thể, 1.052 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 37 vụ với 50 người. Thanh tra bộ, ngành địa phương quyết định xử phạt vi phạm hành chính 130 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Phòng, chống tham nhũng thiếu quyết liệt, còn nể nang ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.