(HNM) - Lúc này, việc dư luận lo lắng về tỷ lệ tốt nghiệp cao khiến người ta nhớ lại thời điểm này 4 năm về trước. Khi ấy, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 66,7%, nhiều tỉnh dưới 50%, không ít người cũng đã băn khoăn rằng, học sinh không tốt nghiệp vào đời thế nào?
Rõ ràng là thực tế luôn tồn tại một mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và những vấn đề mang tính xã hội. Có thể giải quyết được điều này bằng cách giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các địa phương?
"Cuộc tập dượt" chưa thành công
Những lý do mà ngành GD - ĐT đưa ra để lý giải về kết quả tốt nghiệp năm nay không phải là không có lý nhưng dường như những người có trách nhiệm vẫn "né" tránh một nguyên nhân quan trọng. Đó là, dù chưa một lời tuyên bố nhưng dường như ai cũng ngầm hiểu, kỳ thi tốt nghiệp không còn phải "gánh" trách nhiệm làm căn cứ cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khi tính cạnh tranh không còn, thì đương nhiên "tầm quan trọng" của nó sẽ giảm.
Bốn năm trước, khi Bộ GD - ĐT phát động cuộc vận động "Hai không" thì cũng là lúc đề án đổi mới thi và tuyển sinh đang được triển khai mà nội dung quan trọng của nó là sẽ tổ chức một kỳ thi sau trung học để vừa đánh giá tốt nghiệp vừa làm một căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vì thế, những kỳ thi tốt nghiệp sau đó mang thêm trọng trách là "cuộc tập dượt" cho sự "đổi mới công tác thi và tuyển sinh". Vì thế, để kết quả thi tốt nghiệp đủ tin cậy cho việc xét tuyển hơn 10% số học sinh học xong THPT vào CĐ, ĐH, ngành GD - ĐT đã phải siết chặt kỷ cương và đặc biệt là thay đổi cách ra đề. Đề thi khó, coi thi nghiêm, nên dẫu chưa có sự ganh đua "tôi đỗ anh trượt" giữa các thí sinh, thì kết quả tất yếu là tỷ lệ tốt nghiệp không cao. Cũng với những học sinh ấy nhưng kỳ thi chỉ còn mục tiêu đánh giá xem học sinh có đạt mức trung bình hay không thì cách ra đề, xây dựng đáp án và cả tâm lý coi thi cũng phải "giảm tải". Và điều này đã diễn ra ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2010.
Thực tế cho thấy, sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33/2006 TTg ngày 8-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, cuộc vận động "Hai không" của ngành cũng đã làm cho độ nghiêm túc của 2 kỳ thi này xích gần nhau hơn nhưng vẫn chưa đủ để kết quả thi tốt nghiệp bảo đảm độ tin cậy cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Có lẽ vì thế, tại cuộc họp báo được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, đại diện của Bộ GD - ĐT đã cho biết: Chưa quyết định tổ chức kỳ thi "2 trong 1" vào năm 2011, Bộ sẽ tiếp tục xem xét các điều kiện để sớm hoàn thiện phương án. Việc "hoãn" vô thời hạn này cho thấy, phương án 1 kỳ thi 2 mục đích đã dường như "phá sản".
Thi tốt nghiệp - phân cấp cho địa phương?
Tổ chức 1 kỳ thi 2 mục đích để giảm dần số lượng các kỳ thi và để việc tổ chức thi trở thành công việc bình thường là quan điểm đúng. Nhưng nó cần hội tụ đủ các điều kiện để bảo đảm tính khả thi. Những nỗ lực trong suốt 4 năm qua cho thấy, ngành GD - ĐT đã rất quyết tâm song vì rất nhiều lý do, phương án này vẫn "thừa rắc rối, thiếu khả thi". Ba năm trước, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là ảo tưởng nếu mong muốn 2 mục đích khác nhau sẽ đạt được chỉ bằng một kỳ thi. Ngày ấy, cũng có chuyên gia nêu ý kiến, công tác kiểm tra, đánh giá, trong đó có việc tổ chức thi, tuyển sinh nên phân cấp mạnh hơn nữa. Thi tốt nghiệp thì giao cho địa phương, còn tuyển sinh thế nào thuộc quyền của các trường ĐH, CĐ. Đây cũng là ý kiến của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết đại biểu QH vừa phát biểu trên công luận.
Vì sao nên giao kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương? Thứ nhất, quy luật phát triển không đồng đều là quy luật khách quan nên dù có phấn đấu hết mức thì độ chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa phương vẫn tồn tại. Trong điều kiện ấy, việc dùng một thước đo chung, dù chỉ yêu cầu học sinh đạt trình độ học vấn phổ thông ở mức trung bình, cũng sẽ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh nhằm mục tiêu "bằng chị, bằng em" và để dễ ăn dễ nói với lãnh đạo cũng như người dân địa phương. Thứ hai, tổ chức một kỳ thi mang tính quốc gia rõ ràng là cồng kềnh, nặng nề, tốn kém trong khi mục tiêu chỉ là đánh giá trình độ học vấn phổ thông ở mức trung bình. Có người nói rằng, không cần thiết phải trả cái giá đó cho việc đánh trượt một số lượng rất ít học sinh. Thứ ba, việc lo ngại không tổ chức thi chung sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là đúng song dù có tổ chức thi quốc gia thì thực tế đã cho thấy chất lượng cũng không vì thế mà nâng lên. Để nâng cao chất lượng cần nhiều giải pháp mà kiểm tra, đánh giá chỉ là một. Thêm nữa, chất lượng sẽ được quan tâm thấu đáo hơn nếu người làm ra sản phẩm sẽ là người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cũng như sử dụng sản phẩm đó. Giao cho các địa phương tổ chức thi, ngành GD - ĐT các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục không chỉ bằng tỷ lệ tốt nghiệp mà bằng chất lượng thực chất.
Việc xây dựng được một phương án tổ chức thi bảo đảm mọi yêu cầu trong một xã hội mà tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn khá nặng nề là rất khó khăn. Dư luận chia sẻ với ngành GD - ĐT về điều đó, song cũng mong chờ một quyết sách có tính chiến lược để kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và công tác kiểm tra, đánh giá nói chung sớm ổn định, góp phần giải quyết những đòi hỏi mà xã hội đã đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.