(HNM) - Trước thực trạng không giải tỏa được triệt để các lò gạch thủ công, lãnh đạo một số xã cho rằng, nguyên nhân chính là do huyện Chương Mỹ chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến sự so bì của người dân. Qua thực tế này, đâu là bài học mà huyện Chương Mỹ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm?
Sản xuất gạch tại Đồng Xa, xã Đông Phương Yên.
Trở lại Nam Phương Tiến là xã được huyện Chương Mỹ chọn làm điểm trong việc giải tỏa lò gạch thủ công từ cuối năm 2011. Để thực hiện việc này, ngân sách địa phương đã phải chi ra một khoản tiền khá lớn cho công tác cưỡng chế. Lần 1 chưa hết, tiếp tục cưỡng chế lần 2 và với 16 lò đang tái vi phạm hiện nay, UBND xã lại báo cáo UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo. Để xảy ra tình trạng tái sản xuất gạch ồ ạt ở đây là do chính quyền cơ sở thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm mới phát sinh. Bên cạnh đó, nhiều chủ lò vẫn ngang nhiên tái vi phạm, vì sự ganh tị, bởi bên cạnh họ là những lò gạch ở xã Hoàng Văn Thụ và xã Tốt Động vẫn ngày đêm đỏ lửa.
Để kiểm chứng phản ánh của người dân, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo UBND xã Hoàng Văn Thụ. Cả xã Hoàng Văn Thụ hiện có 19 lò sản xuất gạch thủ công, tập trung ở các thôn: Công An, Thuần Lương, Yên Trình. Mặc dù huyện Chương Mỹ đã có chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tháo dỡ lò gạch, ngói thủ công, nhưng đến nay mới chỉ xóa được 2 lò, số còn lại vẫn tồn tại, mà lý do là chưa hết thời hạn hợp đồng giao thầu đất, nên các hộ vẫn tiếp tục sản xuất. Đáng chú ý, trong những hợp đồng này, một số hộ còn được thôn "bán" cả diện tích đất tại nơi sản xuất gạch, nên khi nhận được thông báo phá dỡ, chủ lò đã đề nghị xã "đền" hợp đồng bằng cách cho họ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hay thực hiện một dự án khác nào đó. Còn ở xã Đông Phương Yên, với "mác" chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi đã trở thành vỏ bọc cho những lò gạch công suất lớn. Điều lạ, sự biến tướng đó diễn ra đã gần 10 năm, nhưng không được cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ kiểm tra, xử lý kịp thời?
Một lò gạch ở xã Hoàng Văn Thụ nằm giữa sông Bùi.
Nhằm làm rõ những thông tin thu thập được từ cơ sở, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Chương Mỹ, tiếc rằng lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện luôn cáo bận với lý do "quá nhiều việc" (?). Theo thông tin chúng tôi nắm được, huyện Chương Mỹ có 189 lò gạch, ngói thủ công ở 14/32 xã, thị trấn. Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 29-6-2010 của UBND thành phố về tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn Hà Nội, Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xóa lò gạch, ngói thủ công trên địa bàn; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo và 2 lần triển khai kế hoạch tháo dỡ. Tuy nhiên, sau mọi nỗ lực, đến nay mới chỉ có 104 lò được phá dỡ, số còn lại vẫn hoạt động bình thường...
Biện hộ cho việc không xóa được lò gạch, ngói thủ công, phần lớn lãnh đạo các địa phương đều lo lắng vì hàng trăm, hàng ngàn lao động địa phương sẽ mất việc làm, không có thu nhập. Mặt khác, theo hợp đồng đã ký với thôn, xã, các chủ lò vẫn còn thời hạn hoạt động, nếu chấm dứt hợp đồng, thì xã không có nguồn nào để đền bù? Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ khẳng định: Để xảy ra những tồn tại nêu trên là do lãnh đạo nhiều địa phương còn ngại khó, sợ va chạm, không cương quyết trong xử lý.
Có một thực tế ở xã Tốt Động, khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn: Trước năm 2010, xã có 41 lò sản xuất ngói; qua vận động và cưỡng chế xã đã dỡ được 7 lò. Đến nay, xã không thể vận động thêm, cũng không thể tổ chức cưỡng chế được, vì người dân thấy các cơ quan chức năng thực hiện còn nặng tính áp đặt, không công bằng. "Chúng tôi sản xuất và đốt ngói trên đất thổ cư của gia đình, không xâm phạm đất công, đất nông nghiệp, nguyên liệu là mua đất từ nơi khác về sản xuất. Vậy, tại sao cứ phải tháo dỡ, trong khi đó hàng loạt những lò gạch thủ công ở xã Hoàng Văn Thụ, xã Đại Yên, xã Ngọc Hòa thì hằng ngày vẫn nhả khói, vẫn tồn tại, không bị xử lý? Phải chăng ở đây có ngoại lệ? Nếu UBND huyện cương quyết phá bỏ các lò gạch, ngói thủ công ở những xã lân cận, thì chúng tôi sẽ tự giác tháo dỡ toàn bộ số lò ngói hiện nay, không cần cưỡng chế" - một chủ lò ngói ở xóm Mới, xã Tốt Động quả quyết.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ cần nhìn nhận lại kết quả của việc phá dỡ lò ở các địa phương, bởi nhiều nơi không phá tận gốc, nên các chủ lò chỉ cần gia cố, lợp lại mái là đã có thể đun, đốt gạch bình thường. Đó là bằng chứng cho thấy việc xử lý nửa vời, chưa triệt để, chiếu lệ của chính quyền địa phương. Ngoài những "nút thắt" nêu trên, việc quy hoạch khu vực sản xuất vật liệu xây dựng của huyện chưa xong cũng là điều khiến người dân chưa an tâm trong việc phá dỡ lò cũ để chuyển đổi theo những mô hình sản xuất công nghệ mới. Mặt khác, công tác đào tạo, chuyển đổi, nhân cấy nghề mới chưa được chú trọng, khiến người dân vẫn cố tình bám giữ lò, phục vụ cho mưu sinh hằng ngày.
Những khó khăn nêu trên là việc không dễ giải quyết, cần có phương án xử lý tổng thể từ cơ chế, chính sách đến sự quyết tâm của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, với cách làm còn hời hợt, nửa vời, chưa đi đến cùng tháo gỡ vướng mắc là nguyên nhân chính dẫn đến những "ì ạch" trong công tác xóa dỡ lò gạch thủ công. Trước khi thực hiện giải tỏa các lò thủ công trên địa bàn những lần tiếp theo, đề nghị UBND huyện Chương Mỹ cần xem xét lại tính khả thi, tránh việc "đánh trống bỏ dùi", gây nhiều lãng phí và bức xúc dư luận như thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.