Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nước đến chân mới nhảy

Hồ Bách| 18/06/2016 07:33

(HNM) - Lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt yêu cầu từ nay đến ngày 1-7-2016 phải cải cách toàn diện các điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng không quản được thì cấm.


Khó khăn từ quy định của luật

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ, ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1-7-2016, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, để thay thế các thông tư hết hiệu lực, cần phải xây dựng hàng chục nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng quy định điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, có 37 nghị định, quyết định quy định chi tiết 16 luật và 49 nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, tính đến tuần đầu tháng 6-2016, Bộ Tư pháp mới nhận, thẩm định được 68 văn bản để các bộ, ngành trình Chính phủ; còn 18 văn bản chưa nhận được hồ sơ để thẩm định trình Chính phủ. Đáng nói, có tới 95% thủ tục hành chính trong các văn bản gửi thẩm định chưa tuân thủ đúng tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ, nhiều văn bản chất lượng thấp.

Cải cách toàn diện các điều kiện kinh doanh sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.


Sở dĩ có tình trạng này, theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú là do có tới 267 ngành, nghề có điều kiện đầu tư. Thực hiện quy trình rút gọn, hầu hết dự thảo văn bản không lấy ý kiến đối tượng tác động trực tiếp, không đánh giá tổng kết thực tiễn; chưa nghiên cứu kỹ các vấn đề cần quy định. Có những đơn vị còn lấy cả thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2005 cho vào dự thảo nghị định đang xây dựng, trong khi Luật Đầu tư mới năm 2014 đã ra đời từ lâu. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung và ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương lại viện dẫn đến các điều kiện, yêu cầu quy định tại các thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Chưa kể, việc Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có thẩm quyền về xây dựng điều kiện kinh doanh ngành khoáng sản cũng gây chồng chéo, rất khó để kiểm soát. Ngoài ra, tình trạng đưa ra điều kiện chung chung, khó áp dụng trong giám sát doanh nghiệp, không khả thi như "có phương tiện, thiết bị phù hợp, có nhân lực đáp ứng…" vẫn diễn ra.

Khó khăn còn đến từ chính những quy định của luật. Bộ Tư pháp cho biết, một số luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua chưa có hiệu lực, có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư thì Chính phủ phải ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh (nâng lên từ thông tư) để có hiệu lực từ 1-7-2016. Bất cập này khiến việc ban hành một số nghị định về đầu tư kinh doanh tại thời điểm hiện nay phải căn cứ vào luật cũ. Vì vậy, thời gian có hiệu lực của nghị định ngắn hoặc ban hành sớm hơn so với thời điểm luật mới có hiệu lực. Chẳng hạn, quy định hướng dẫn về điều kiện đầu tư kinh doanh (đóng mới sửa chữa tàu biển) của Bộ luật Hàng hải có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, nhưng Luật Đầu tư quy định hiệu lực từ 1-7-2016.

Lo ở tính khả thi

Không những chưa có tính khả thi, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú đánh giá, nhiều quy định trong các dự thảo nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh còn "đẻ" thêm quy định không có trong luật chuyên ngành, thậm chí lồng ghép lợi ích của bộ, ngành. Đáng lưu ý hơn, việc Bộ Công thương gom 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế "sắp xếp" 70 thông tư thành 12 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn "nâng cấp" 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực thành một nghị định... đang tạo ra hàng loạt "siêu" nghị định chồng chéo nhau. Nghị định về đầu tư kinh doanh của Bộ Công thương có đề cập đến điều kiện đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản có điểm trùng với nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) bày tỏ sự lo lắng ở "tính khả thi của văn bản, tính thống nhất, tính đồng bộ và tính minh bạch". Tinh thần của Luật Đầu tư là nâng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nhưng đồng thời phải bảo đảm thông thoáng, công khai minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian cho người dân, nhưng nhiều dự thảo văn bản chưa đạt được điều này. Một số cơ quan không rà soát mà bê nguyên nội dung từ thông tư sang làm nghị định là rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long cảnh báo: "Làm cơ học như vậy là lại đeo thêm một nấc khổ nữa cho phía DN". Trong khi đó, theo yêu cầu của Chính phủ, điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1-7-2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau ngày 1-7, không để xuất hiện "khoảng trống pháp luật". Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, phải hết sức chú ý lấy ý kiến người dân và DN; đọc là hiểu ngay, đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, theo tinh thần hậu kiểm là chính, tăng cường giao dịch qua môi trường mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.

Diễn biến trên cho thấy, thực tế triển khai chưa đáp ứng yêu cầu Chính phủ. Tại hội thảo "Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-6, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bức xúc nói: Thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo trong thanh kiểm tra là mối lo của DN. Đáng lẽ các bộ, ngành phải chủ động cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết từ hơn một năm nay khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Nhưng chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa qua mới "vắt chân lên cổ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nước đến chân mới nhảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.