Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những điểm yếu khó khắc phục

Đặng Loan - Xuân Khang| 19/03/2016 06:53

(HNM) - Trong khi


"Sức nóng" hội nhập

Có thể nói, "sức nóng" hội nhập đối với hàng Việt đã thể hiện rõ không chỉ trên thị trường mà còn trong... mọi gia đình, bởi lẽ từ các mặt hàng hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép đến bánh kẹo, cây lau nhà, thậm chí là miếng rửa bát… không gia đình nào dám khẳng định: "Chỉ mua hàng Việt".

Hàng Việt cần thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ảnh: Bùi Tuấn


Áp lực cạnh tranh rõ nhất ở mặt hàng bánh kẹo. Tại TP Hồ Chí Minh, cách đây mấy năm, hàng Việt đã "đánh bạt" hàng Trung Quốc để chiếm lĩnh mảng thị trường này nhưng tết năm nay, bánh kẹo mang thương hiệu Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Canada, Thái Lan… lại tràn ngập các cửa hàng. Đặc biệt, ở phân khúc cao cấp, bánh kẹo Việt đã nhường hẳn "sân" cho hàng ngoại bởi hàng ngoại sang trọng phù hợp với nhu cầu biếu tặng, khẩu vị không quá ngọt, rất hợp với người tiêu dùng hiện nay… Hiện công ty sản xuất bánh kẹo lớn nhất trong nước là Kinh Đô đã bán 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo cho nhà sản xuất thức ăn nhẹ toàn cầu Mondel#z International để phát triển các mảng kinh doanh khác, nên thị trường bánh kẹo trong nước thời gian tới gần như chắc chắn sẽ tiếp tục "nhường sân" cho hàng ngoại.

Một lĩnh vực thế mạnh khác của hàng Việt là nông sản, thực phẩm cũng đứng trước rất nhiều áp lực. Cách đây chưa lâu, những sản phẩm nhập khẩu như đùi gà Mỹ với giá chỉ 20.000 đồng/kg đã làm mưa làm gió trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến người chăn nuôi trong nước bởi với giá thành cao, sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh nổi. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, chị Phạm Thị Tuyết (nhà I5, Khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình) cho hay: "Thông tin từ phía cơ quan chức năng cho thấy sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá lại rẻ, mua ở siêu thị cũng tiện. Không có lý do gì mà gia đình tôi lại không mua".

Và nông sản nhập khẩu không chỉ có đùi gà Mỹ giá rẻ và vẫn bảo đảm chất lượng mà còn nhiều loại sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh khác... Tất nhiên, người tiêu dùng sẽ có tâm lý chung như chị Tuyết. Có thể thấy, "sức nóng" của hội nhập đã phả mỗi lúc một gần doanh nghiệp trong nước. Khi các cam kết hội nhập chính thức có hiệu lực, áp lực càng lớn hơn bao giờ hết.

Quá nhiều "rào cản"

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng khốc liệt hơn, trong khi sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp do nhiều nguyên nhân cố hữu: Vốn ít, thiết bị, công nghệ kém. "Để cạnh tranh, trước tiên phải có sản phẩm chất lượng tốt, mà muốn có chất lượng tốt thì phải đầu tư máy móc, công nghệ. Câu chuyện các công ty nhựa như Duy Tân, Đại Đồng Tiến sau khi đầu tư máy móc, cải tiến chất lượng sản phẩm đã chiếm lại thị trường nhựa bị mất vào "tay" doanh nghiệp Thái Lan cách đây mấy năm là minh chứng. Thế nhưng không nhiều doanh nghiệp Việt làm được điều này" - Ông Phạm Ngọc Hưng nói.

Chính vì thiếu vốn nên doanh nghiệp không đủ tiền để đầu tư hoặc không dám đầu tư vì sợ rủi ro. Vốn thiếu, nên các doanh nghiệp cũng ít quan tâm hoạt động nghiên cứu thị trường, quy trình đầu tiên để cho ra sản phẩm. Trong khi các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư đến 10 - 15% tổng ngân sách cho hoạt động này thì đầu tư của các doanh nghiệp Việt cho mảng này rất nhỏ, thậm chí không có. Cuối năm 2015, kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh trên 100 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy: Chỉ có 4 doanh nghiệp có trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và cũng chỉ 11 doanh nghiệp đầu tư 3% lợi nhuận để phát triển công nghệ.

Một điểm yếu của các doanh nghiệp Việt đang bị các nhà phân phối nước ngoài khai thác nằm ở chính hệ thống bán lẻ. "Một doanh nghiệp muốn phát triển được sản phẩm trên thị trường thì ngoài chất lượng, còn phải có hệ thống bán lẻ của mình. Hệ thống của doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng bởi doanh nghiệp sẽ chủ động, bớt lệ thuộc vào các hệ thống phân phối bên ngoài như siêu thị. Thế nhưng chưa nhiều doanh nghiệp Việt phát triển" - Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan nói. Theo ông Mười, các doanh nghiệp Việt đều nhận thức được sự quan trọng của hệ thống bán lẻ nhưng không thực hiện được vì muốn có kênh phân phối, cần có phương pháp tổ chức, công nghệ và vốn.

Ông Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh, vốn chính là bế tắc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nhiều năm nay. Ngân hàng cũng đã có những chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng vẫn cần những điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được nên vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đi vào vòng luẩn quẩn.

Con số thống kê doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động liên tục gia tăng từ năm 2011 trở lại đây đã chỉ rõ những khó khăn của doanh nghiệp Việt. Nếu năm 2011, số doanh nghiệp Việt đóng cửa là gần 54.000, thì năm 2012 là gần 55.000, năm 2013 gần 61.000, năm 2014 gần 68.000 và năm 2015 con số này lên đến hơn 71.000. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp đóng cửa tăng hơn so với hai tháng đầu năm 2015 là 17%. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương khuyến nghị, hiện tượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không ngừng gia tăng cần đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân là doanh nghiệp Việt phải đóng cửa và ngày càng nhỏ đi trong khi yêu cầu của thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải lớn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 50% yếu tố làm nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở tự thân mỗi đơn vị. Nhưng trong khi doanh nghiệp vốn đã nhỏ và yếu thì chi phí sản xuất lại bị đẩy lên quá cao. Một rào cản khác làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là thuế và phí. Bà Vũ Kim Hạnh nêu hiện tượng đáng suy nghĩ: Điều trớ trêu là trong khi phải đối đầu với các thương hiệu lớn ở nước ngoài đang tràn vào thì doanh nghiệp Việt muốn trở nên… nhỏ đi, đóng bớt nhà máy để chuyển thành hộ gia đình nhằm… tránh phí.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những điểm yếu khó khắc phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.