Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những bài học từ thực tiễn

An Trân - Lê Hương| 09/09/2010 06:22

(HNM) - Đại hội cấp trên cơ sở của Đảng bộ TP Hà Nội đã bầu đội ngũ cấp ủy viên đủ về số lượng, đạt chất lượng, đồng thời thí điểm thành công ĐH trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Bên cạnh những kết quả đã đạt, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, đang góp phần đắc lực phục vụ chuẩn bị ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tới.


Mở rộng dân chủ trực tiếp tại ĐH

Tại nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Hà Nội có tới 12/55 đơn vị thực hiện thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư (gồm 8 đảng bộ quận, huyện và 4 đảng bộ các tổng công ty). Như vậy, số lượng ĐH thực hiện thí điểm chủ trương ĐH trực tiếp bầu bí thư cấp ủy tại Hà Nội đạt 21,8%, cao hơn chỉ tiêu từ 15-20% mà TƯ quy định.

Để thực hiện thí điểm thành công, ngoài việc thành lập các đoàn công tác, Thường trực Thành ủy đã phân công các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy trực tiếp về kiểm tra công tác chuẩn bị trước và trong ĐH. TP cũng đã chọn 3 đơn vị là Tây Hồ, Từ Liêm và Tổng công ty Vận tải tổ chức ĐH điểm và thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiến hành nhân rộng. Trong đó, các khâu lựa chọn nhân sự, quy trình bầu trực tiếp tại ĐH được đặc biệt chú trọng, bám sát các hướng dẫn của TƯ và Thành ủy. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, 12 đơn vị đã tổ chức ĐH rất tập trung, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của đảng viên. 12/12 đồng chí bí thư đều trúng cử với số phiếu cao (người cao nhất đạt 100% số phiếu, người thấp nhất đạt 94,38% số phiếu).

Với 195/199 phiếu, đồng chí Nguyễn Văn Trịnh tái trúng cử chức danh Bí thư Huyện ủy Gia Lâm, tuy nhiên có điều khác với nhiệm kỳ trước, lần này chức danh bí thư được ĐH bầu theo tinh thần ĐH thí điểm bầu trực tiếp bí thư của Ban Tổ chức TƯ. Trao đổi với PV Hànộimới, đồng chí Nguyễn Văn Trịnh cho biết, hình thức ĐH bầu trực tiếp bí thư đã góp phần mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng.

Qua thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại 12 đảng bộ có thể nhận thấy, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên. Và để ĐH thí điểm bầu trực tiếp thành công thì đảng bộ đó phải thật sự đoàn kết, thống nhất và quan trọng là giải quyết tốt các vướng mắc, các vấn đề dân sinh bức xúc trước ĐH, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương.

Mong muốn nhân rộng mô hình thí điểm ĐH bầu trực tiếp bí thư cấp ủy ở tất cả các cấp, song để quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được thời gian, nhiều ý kiến đề nghị nên rút gọn quy trình bầu cử. Cụ thể là bỏ khâu ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy tại các tổ đại biểu mà tiến hành tại hội trường. Mặt khác, để phát huy dân chủ thực sự trong Đảng, TƯ nên nghiên cứu danh sách nhân sự bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy cần có số dư để các đại biểu dự ĐH, cấp ủy viên khóa mới có cơ hội lựa chọn những người mà mình tín nhiệm giữ chức vụ cao nhất của đảng bộ.

Công tác trẻ hóa cán bộ còn khó

Với việc bầu đủ số lượng, chất lượng cấp ủy khóa mới của các đảng bộ cấp trên cơ sở của Đảng bộ TP Hà Nội được đánh giá rất cao. Chỉ riêng ĐH đảng bộ 29 quận, huyện, thị xã đã bầu được 1.230 cấp ủy viên, trong đó có 479 đồng chí mới tham gia, chiếm 38,9%; trình độ chuyên môn trên đại học có 144 đồng chí, trình độ đại học 970 đồng chí, số còn lại có trình độ cao đẳng và trung cấp. Trong số này có 834 đồng chí trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.

Hà Nội được đánh giá có nhiều cố gắng trong thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tăng số lượng cấp ủy tham gia BCH các đảng bộ trong nhiệm kỳ này nhằm tăng số cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chỉ riêng khối quận, huyện, thị xã, trong số 1.230 cấp ủy viên có 210 cán bộ nữ, chiếm 17,1% (tăng 2,1% so với mục tiêu). Đây có thể coi là một bước chuyển rất lớn, thể hiện sự quan tâm và đầu tư cho công tác cán bộ nữ của cấp ủy các cấp. Thế nhưng, như ĐH các đảng bộ cơ sở, ĐH cấp trên cơ sở của TP Hà Nội sẽ thành công trọn vẹn hơn nếu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy đạt được theo quy định của Bộ Chính trị. Với khối quận, huyện, thị xã, tỷ lệ này của Hà Nội là 4,8%, chưa đạt được 1/3 so với mục tiêu đề ra là 15% cán bộ trẻ. Tại các đảng bộ khối, tổng công ty tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.

Khi đưa vấn đề này ra bàn bạc, trao đổi, có nhiều ý kiến cho rằng, "lỗi" ở đây không phải do cấp ủy các cấp chưa coi trọng, quan tâm đến cán bộ trẻ mà chủ yếu xuất phát từ quan điểm của đại biểu rằng cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm. Tại ĐH, để bảo đảm chất lượng cán bộ, tiêu chuẩn đầu tiên để bầu cử là cán bộ phải nổi trội về trình độ, năng lực và kinh nghiệm công tác. Vì vậy, nếu đưa lên "bàn cân" giữa một cán bộ trẻ có trình độ với một cán bộ trung tuổi cũng có trình độ, ngoài ra lại có kinh nghiệm công tác, chắc chắn các đại biểu lựa chọn đồng chí cán bộ trung tuổi. Với Hà Nội, điều này càng dễ hiểu hơn khi có một đội ngũ cán bộ hùng hậu, cán bộ trẻ chưa thể phát triển quá nhanh trong khi cán bộ lớp trước đang ở độ tuổi cống hiến. Đây là khó khăn khách quan, chứ không phải do nhận thức của cấp ủy không tới, không phải do cấp ủy không thừa nhận năng lực của cán bộ trẻ.

Đây cũng có thể coi là bài học kinh nghiệm cho cấp ủy khóa mới về công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ. Cấp ủy các cấp phải thực hiện đồng bộ từ khâu quy hoạch, mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ. Còn lớp trẻ cũng phải chủ động hơn, mạnh dạn dám nhận việc khó, để cấp ủy có điều kiện đánh giá và đưa vào quy hoạch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những bài học từ thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.