Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những anh hùng cao nguyên

Trần Chiến - Lê Hoàng Anh| 13/03/2010 06:52

(HNM) - Sáng 7-3, chúng tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp gỡ chí tình chí thiết của những người đồng đội xưa. 35 năm trước, họ từ những cánh rừng đại ngàn tiến về hay đang bí mật hoạt động giữa thị xã Buôn Ma Thuột.



Điểm chung của họ là không thuộc trong đội hình quân chủ lực. Đó là những cán bộ chiến sĩ thuộc Thị đội cũ, gồm biệt động, tự vệ mật, cơ sở cách mạng, các đơn vị vũ trang của địa phương hay đội công tác chính trị… Đa phần tuổi tác cao, gặp nhau hàn huyên chuyện cũ không ngớt, họ gợi lại một thời thanh xuân tràn đầy lòng tin, tinh thần cống hiến. Giờ đây, còn công tác hay lấy cháu con làm vui, trở thành nhà doanh nghiệp thành đạt hay vẫn sống đạm bạc, trong họ ngọn lửa truyền thống vẫn sáng rực qua đôi mắt, lời nói…

Thị xã trong vòng… dây thép gai

Trong cuộc gặp trên ít nhất có một người vắng mặt, đó là chiến sĩ biệt động Hồ Ngọc Châu hiện ở 20 Lê Văn Sĩ, phường Tân Thành (TP Buôn Ma Thuột). 7 năm trước bị tai biến nên giờ trí nhớ của ông giảm sút nhiều, việc đi lại cũng khó khăn. Điều ông Châu nhớ nhất là sau Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động của thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập, lúc đầu chỉ có 14 tay súng. Để gây thanh thế cho cách mạng, cứ 4 hoặc 5 ngày, đội lại tổ chức các trận chiến đấu ngay trong thị xã, lúc thì trừ gian, khi nổ súng vào bốt cảnh sát... để củng cố niềm tin cho bà con đang bị dồn về sống trong các ấp chiến lược. Năm 1973, ông Châu ôm bộc phá đánh vào khu cư xá ngụy, bị thương nên phải đưa ra Bắc điều trị, đầu năm 1974 lại trở về đội biệt động và tham gia giải phóng thị xã.

Đường Phan Bội Châu thuộc phường Thống Nhất, TP Buôn Ma Thuột.

Cùng đội với ông Châu còn có ông Nguyễn Xuân Lan, hiện ở đường Phạm Ngũ Lão, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) năm nay 68 tuổi. Ông Lan giác ngộ cách mạng khá sớm, từ khi còn là học sinh cấp 3. Ngày ấy, ngoài thời gian đi học, ông Lan đi bán bánh mỳ lấy tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Đặc biệt lúc đó ông đã tham gia việc nuôi giấu cán bộ từ vùng tự do đột nhập vào thị xã. Hầm bí mật đào ngay trong nhà (khu vực trung tâm, ấp 3, phố Mạc Thị Bưởi). Ông còn làm liên lạc giữa các cơ sở của ta nằm vùng trong thị xã và canh gác khi những cuộc họp bí mật diễn ra. Lớn hơn một chút, đêm đêm ông lặng lẽ viết truyền đơn và đem đi rải hay treo cờ cách mạng tại những nơi đông người qua lại. Tháng 5-1968, ông Lan được kết nạp Đảng CSVN, khi đó mới đang là học sinh (tương đương lớp 11 bây giờ). Rồi hoạt động bị lộ, anh em nhà ông Lan phải trốn ra chiến khu, tham gia đội biệt động. Sau ngày thị xã giải phóng, em ruột của ông Lan, ông Nguyễn Thanh Vân đã hy sinh.

Năm 1969, đội biệt động tổ chức thành một đại đội, gồm 3 trung đội áp sát thị xã. Ông Hồ Xuân Diêm, chỉ huy K2 cánh bắc của thị xã (khu vực xã Ea Ba, huyện Buôn Đôn) nhớ lại: Nhiệm vụ của chúng tôi là phục kích, tập kích chống địch đi càn, rồi đánh sâu vào nội thị, củng cố các cơ sở cách mạng, diệt ác trừ gian… Các chiến sĩ biệt động thị xã trong đó có không ít người thuộc phái tóc dài nhưng không hề "chân yếu tay mềm" đã làm cho địch mất ăn mất ngủ. Chúng đã treo thưởng rất cao những "chiếc đầu" của họ. Sau này, đơn vị K2 biệt động của Đắc Lắc đã 2 lần vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Là Thị đội trưởng, kiêm chính trị viên Thị đội Buôn Ma Thuột, ông Trần Duy Nai kể, hồi đó căn cứ của ta ngay ở Krông Ana bây giờ nhưng thịt không có mà ăn, địch thường xuyên lùng sục nên phải giữ bí mật. Chó, heo, gà trống hay gáy phải giết hết. Gà mái rồi cũng giết, vì nó ăn hột đùng đình ngứa cổ là cục tác… Năm 1975, sau Tết Nguyên đán, nhận lệnh triển khai ra phía trước bám ấp, bám đồn sẵn sàng đánh lớn. Lớn đến đâu chưa biết nhưng cứ sẵn sàng. Sau này mới hay nhờ chuẩn bị tốt nên không bị động, kết hợp được với chủ lực vào thành phố, họ tiến tiếp mình ở lại "dọn dẹp" để chủ lực "ấm lưng". Đơn vị tôi gọi là V12 được bổ sung 20 dân quân Ê đê, ém phía nam thị xã, đi với mũi chủ lực là một trung đoàn của sư 316.

Cả Buôn Ma Thuột ngày ấy nóng bỏng tiếng súng, ta và địch giành giật từng thước đất…

Ngổn ngang công việc sau ngày chiến thắng

Ông Ama H'Oanh tức Tô Tấn Tài được coi là một "già làng" của Buôn Ma Thuột thời cách mạng, hai lần làm bí thư thị ủy trước năm 1975, sau giải phóng lại hai lần nữa giữ cương vị đó. Ama H'Oanh kể: Sau khi Khu ủy phổ biến chủ trương đánh lớn, chúng tôi phải làm báo cáo rất chi tiết khi cùng quân chủ lực tiến vào thì làm những gì. Một đội công tác chính trị 53 người được thành lập, thuộc nhiều ngành nghề, trình độ, thông thuộc phố xá. Mọi người được cấp vũ khí nhẹ, loa pin, lời hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cờ… phân công cụ thể ai lo tuyên truyền, ai làm địch vận…

Vùng nội thị lúc này có 5,6 vạn dân. Khi lực lượng của địa phương có mặt thì mọi đường phố ngổn ngang vũ khí, quân trang, quân dụng và cờ ngụy mà địch vứt lại khi tháo chạy. Chưa hết, lợi dụng hoàn cảnh đó, tù thường phạm, toàn loại lưu manh trộm cắp ở nhà đày thoát ra tranh thủ hôi của, rồi còn gái điếm, xì ke ma túy… Hàng loạt công việc phải làm, ngập lên tận cổ. Ngụy quân, công chức chế độ cũ ra trình diện, cứ giấy vở 100 trang xé tư, viết "trích ngang" xong, cán bộ quân quản ký vào cho về. Điện mất, công nhân được tập hợp lại, phát lương thực ra thác Dray linh sửa máy, có bộ đội bảo vệ, đến ngày 16-3-1975 thị xã sáng điện. Ama H'Oanh còn kể một câu chuyện rất cảm động: Chiều ngày 12, một người đến trụ sở gặp tôi tự giới thiệu là Lê Văn Tiền (người Hà Nội), ba đời làm công nhân nhà máy nước. Bố con ông Tiền thuộc lòng hệ thống cấp nước thị xã, tình nguyện đi tìm chỗ bị hỏng vì pháo bắn. Tới ngày 14, thị xã có nước trở lại…

Còn nhiều câu chuyện thú vị khác của các nhân vật từng giữ vị trí then chốt thời đó hay những người dân tình nguyện theo cách mạng giờ đây lui về với các rẫy cà phê, hồ tiêu… mướt mát trên cao nguyên. Đáng tiếc là một số thành viên người dân tộc ở xa, không kịp về góp mặt dịp này.

Cuộc chiến mới với "giặc" đói, nghèo

Sau giải phóng, rất nhiều CCB giải ngũ trở về địa phương rồi cơ duyên đã đưa họ trở lại Đắc Lắc - mảnh đất mà chính họ góp một phần công sức để có ngày hôm nay. CCB Nguyễn Tất Xáng thuộc đại đội 18, Trung đoàn pháo binh 675 (một trong những đơn vị chủ lực tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột), sau ngày đất nước thống nhất được ra quân, trở về giảng đường Trường ĐH Sư phạm Vinh, nơi ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ra trường dạy học ở quê mình (huyện Đô Lương, Nghệ An) một thời gian, năm 1989 đã chuyển công tác về huyện Ea Kar. Sau đó làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho đến khi nghỉ hưu. Và nay con gái ông lại theo nghiệp bố, dạy học ở huyện Lắc. Câu chuyện chiến đấu ở đất này mấy tháng trời mỗi ngày chỉ ăn có 1 lạng gạo, giờ ông kể cho các con nghe như "cổ tích"…

Khác với ông Xáng, ông Nguyễn Xuân Lan (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) trầm ngâm, bố tôi đưa gia đình vào đây từ năm 1956 nên đất này như quê hương của tôi vậy. Năm 1986, ông Lan đã khai hoang rồi trồng gần 1ha cà phê. Nhưng ông cũng khổ vì chuyện này bởi thời điểm đó đất nước chưa bước vào những năm tháng của công cuộc đổi mới. Vậy là ông phải làm lại từ đầu. Năm 1992, ông xin nghỉ theo chế độ mất sức, về nhà nấu rượu, nuôi lợn, chạy xe thồ lo kinh tế gia đình. Nay cả 4 người con của ông Lan đều đã tốt nghiệp ĐH, có việc làm ổn định tại Đắc Lắc. Ông bảo, mình nhàn về "hậu vận". 98 CCB xã mình nay chỉ còn 2 hộ nghèo bởi sau chiến tranh anh em bệnh nặng quá, bây giờ đồng đội xúm vào cưu mang đùm bọc, cũng khá hơn rồi!

Giờ đất nước hòa bình nhưng với từng thước đất ở đây, cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo vẫn đang quyết liệt từng ngày…

Cuộc chiến trong thị xã

Đêm 10-3-1975, chiến sự tạm lắng. Các đơn vị QLVNCH còn lại trong thị xã co cụm trong các cứ điểm còn giữ được như Sở chỉ huy sư đoàn 23, khu nhà ga sân bay Hòa Bình, Đài phát thanh.

Sáng 11-3-1975, các đơn vị quân giải phóng tiếp tục tấn công trong làn mưa bom từ các máy bay A-37 của không quân VNCH trút xuống thị xã. Lúc 7 giờ 55, một tốp A-37 trong khi ném bom ngăn chặn 10 xe tăng của quân giải phóng đã đánh hai quả bom trúng hầm chỉ huy và truyền tin Sở chỉ huy sư đoàn 23. Bộ tư lệnh quân đoàn II QLVNCH mất liên lạc hoàn toàn với Bộ Tư lệnh sư đoàn 23 kể từ giờ phút đó. Mất sở chỉ huy, đồng thời bị vây đánh từ nhiều phía, các đơn vị còn sống sót của QLVNCH cố gắng chống cự chờ viện binh nhưng đến 11 giờ ngày 11-3, các đơn vị của sư đoàn 316 quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những anh hùng cao nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.