Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: "Người Nhà nước" cần phải nêu gương

Minh Ngọc| 05/01/2017 06:51

(HNM) - Ở vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, TP Hà Nội là địa phương có các cơ quan, đơn vị hành chính đóng trên địa bàn nhiều nhất cả nước. Mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với công dân, giữa công dân với các cơ quan công quyền, giữa người dân với du khách… được bộc lộ, thể hiện rõ nét hơn bất cứ địa phương nào.


Khi chưa có Bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã chủ động xây dựng các QTƯX nội bộ. Các quy tắc này tuy mới triển khai ở phạm vi hẹp, song hiệu quả của nó đã lan rộng, thấm sâu.

Cán bộ phải đặt mình vào vị trí người dân

Vào những ngày cuối năm 2016, ai nấy đều hối hả giải quyết cho xong công việc của năm cũ để thảnh thơi đón năm mới. Số người đến giao dịch, làm việc tại bộ phận “một cửa” của các xã, phường, quận, huyện đông hơn hẳn ngày thường.

Tất bật giải quyết xong “núi” hồ sơ, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường cùng cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phường Quán Thánh (Ba Đình) xếp gọn tài liệu để nghỉ trưa, thì một số công dân vội vã đến xin chứng thực. Thấy kim đồng hồ chỉ gần 12h, những cán bộ “một cửa” phường vẫn nán lại giải quyết xong hồ sơ cho công dân. Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết: “Chúng tôi luôn xác định, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ phường nói chung, của bộ phận "một cửa" nói riêng là phục vụ nhân dân. Nhân dân tin tưởng thì họ mới tìm đến mình, bởi vậy trong mọi công việc chúng tôi đều đặt mình vào vị trí người dân. Hết giờ làm việc mà chưa rời công sở, thấy công dân đến, chúng tôi vẫn sẵn lòng giải quyết”.

Ông Võ Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh cho biết thêm, để tạo ra hình ảnh thân thiện tại bộ phận “một cửa”, con người là yếu tố quan trọng nhất. Quy định chung khá đầy đủ, nhưng nếu thiếu những con người có kiến thức, thái độ ứng xử hòa nhã, ân cần, trách nhiệm với công việc thì quy định chỉ là những văn bản hành chính. Cùng với chế độ khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, công khai, phường Quán Thánh đã xây dựng các QTƯX; đồng thời, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích cán bộ bộ phận “một cửa” học hỏi nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn trong nhiều lĩnh vực. “Năng lực của đội ngũ cán bộ và thái độ ứng xử của họ chính là yếu tố giúp bộ phận "một cửa" phường Quán Thánh hoàn thành gấp đôi công việc so với chỉ tiêu được giao” - ông Võ Hồng Vinh khẳng định.

Tại bộ phận “một cửa” quận Hà Đông, hàng chục thanh niên thường xuyên túc trực, sẵn sàng hướng dẫn công dân đến giao dịch. Lực lượng tư vấn này là những cán bộ trẻ thuộc các phòng, ban chuyên môn của quận, có thể hỗ trợ công dân ở tất cả các lĩnh vực liên quan. Nhờ đó, bộ thủ tục hành chính ở quận Hà Đông đã được đơn giản hóa tới 50% so với bộ thủ tục chung của TP Hà Nội; thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn từ 1 đến 7 ngày so với quy định. Đáng ghi nhận hơn, bộ phận “một cửa” các phường trên địa bàn quận luôn làm việc với tinh thần “Không được nổi nóng, quát tháo, sách nhiễu nhân dân trong bất kỳ trường hợp nào. Điều gì người dân chưa biết thì nhẹ nhàng giải thích, vụ việc nào vượt quá thẩm quyền thì hướng dẫn tận tình…”. Ngoài những “địa chỉ” kể trên, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở đa số các sở, ngành, địa phương của Hà Nội đều có quy định về thái độ, tác phong làm việc, cách thức ứng xử với công dân.

Bộ phận “một cửa” là nơi diễn ra các giao dịch sôi động, đa dạng nhất. Mối quan hệ, văn hóa ứng xử (VHƯX) giữa chính quyền với công dân và ngược lại cũng thể hiện rõ nhất. Do đó, việc các cơ quan hành chính chủ động xây dựng VHƯX qua đó tạo nét đẹp mới về hình ảnh "người Nhà nước" chính là nền móng vững chắc để Hà Nội thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017” cũng như việc triển khai rộng rãi Bộ QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô.

Văn hóa ứng xử - yếu tố làm nên thương hiệu

Cùng với các cơ quan “công quyền”, nhiều điểm đến trên địa bàn Thủ đô cũng để lại ấn tượng đặc biệt cho khách tham quan nhờ lối ứng xử văn minh, thanh lịch. Chị Đỗ Thị Thảo, đến từ phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương kể: “Liên hệ đưa khách đi tham quan, tôi bất ngờ khi thấy lực lượng bảo vệ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hướng dẫn vô cùng tận tình. Trong quá trình tham quan, tôi càng ngạc nhiên hơn khi du khách vừa được nghe giới thiệu về giá trị, ý nghĩa của di tích, vừa được phổ biến, hướng dẫn các quy định về nếp sống văn minh nơi thờ tự”.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người đầu tiên mà du khách tiếp xúc là những người trực tiếp phục vụ, hướng dẫn khách chứ không phải là đội ngũ cán bộ quản lý. Nói cách khác, lực lượng phục vụ là những người có vai trò quan trọng trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu của một điểm đến. Bởi vậy, Trung tâm đã ban hành quy chế làm việc của bộ phận bảo vệ, trong đó có những quy định rõ ràng về cách thức ứng xử, phục vụ du khách. Từ năm 2017, mọi bộ phận của Trung tâm đều có những QTƯX riêng, phù hợp với đặc thù công việc.

Đón tiếp và phục vụ du khách với thái độ trân trọng như tiếp khách quý đến nhà, Bảo tàng Hà Nội đã thu hút lượng khách tới tham quan, tìm hiểu trong năm 2016 lên tới hơn 110.000 lượt khách, trong đó có hơn 20% là khách nước ngoài, vượt xa so với dự kiến và so với những năm trước đó. “Trong quá trình hoàn thiện nội dung trưng bày, chúng tôi không thể thụ động chờ khách đến. Chúng tôi chủ động liên hệ với một số trường học, công ty du lịch, các tổ chức chính trị để giới thiệu về Bảo tàng Hà Nội và mời khách đến tham quan. Khi khách đến, chúng tôi ân cần, niềm nở tiếp đón họ. Ngay từ khi khách xuống xe, cán bộ của Bảo tàng đã ra đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách tìm hiểu nội dung trưng bày cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài sân vườn” - ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay. Sự thay đổi trong cách đón tiếp và ứng xử được đông đảo khách tham quan ghi nhận, rất nhiều người đã ghi lại cảm tưởng trong cuốn sổ lưu niệm đặt tại Bảo tàng Hà Nội với thái độ cảm kích.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy, thời gian gần đây, dư luận xã hội ít bức xúc với các bệnh viện hơn khi vấn đề xây dựng VHƯX, y đức của y, bác sĩ, nhân viên y tế được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đội ngũ nhân viên y tế. Những bản nội quy, ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh được treo, dán ở những vị trí dễ quan sát trong các bệnh viện. Đối với doanh nghiệp, VHƯX được coi là “bộ gen” quý. Tham luận của đại diện Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương tại hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” quận Đống Đa năm 2016 khẳng định: “Việc xây dựng VHƯX trong doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự tin, hội nhập. Xây dựng VHƯX trong doanh nghiệp cũng là cách để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu”.

Như vậy, khắp TP Hà Nội, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng cho đến khu vực miền núi, từ các điểm công cộng cho đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã, đang nỗ lực xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong các hoạt động, các mối quan hệ ứng xử thường nhật. Và Hà Nội đẹp hơn khi các "công bộc" của dân, những doanh nhân... cùng nêu gương nét đẹp văn hóa ứng xử, góp phần quan trọng vào hình thành nếp sống văn minh trong đời sống.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: "Người Nhà nước" cần phải nêu gương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.