Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nghịch lý và hệ lụy

Nhóm PV Nội chính| 26/08/2014 06:06

(HNM) - Không chỉ tại những sở, ngành, quận, huyện được Thường trực HĐND TP Hà Nội giám sát đợt này mà theo báo cáo của Sở Nội vụ, hầu hết đơn vị đang tồn tại tình trạng chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế nhưng lại sử dụng số lao động hợp đồng (LĐHĐ) vượt quá quy định.


Hệ lụy là LĐHĐ làm việc của công chức (CC), thời gian lao động không rõ ràng, chế độ tiền lương mỗi nơi một kiểu. Nếu không sớm khắc phục, đây chính là rào cản hạn chế hiệu quả công việc.

Không sử dụng hết chỉ tiêu được giao

Tại 11 sở, ngành, quận, huyện được Thường trực HĐND TP Hà Nội tiến hành giám sát, cơ bản đều trong tình trạng chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế hành chính được giao.

Năm 2014, biên chế sự nghiệp cho các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT được giao là 11.672 chỉ tiêu, số có mặt tại thời điểm này là hơn 11.500 người, nhưng không có hiện tượng thiếu giáo viên. Đơn cử như Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có tổng số biên chế được giao là 182 CCVC sự nghiệp, hợp đồng theo Nghị định 68/ 2000/NĐ-CP nhưng hiện tại mới có 165 người (thiếu 17 người). Theo Hiệu trưởng Lê Thị Oanh, sở dĩ nhà trường chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế là do nhiều giáo viên nghỉ hưu, trong khi tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên cho trường chuyên đòi hỏi rất cao nên không thể tuyển dụng đồng loạt. Báo cáo với đoàn giám sát, Hiệu trưởng Lê Thị Oanh bày tỏ sự tiếc nuối khi một tiến sĩ Vật lý học tại Pháp và một thạc sĩ tốt nghiệp tại Anh đang làm giáo viên hợp đồng tại trường đã không vượt qua được kỳ xét tuyển VC. Bà Oanh kiến nghị, cần có cơ chế riêng để thu hút những đối tượng này, bởi họ có thực tài nhưng theo quy chế về tuyển dụng thì không thuộc diện đặc cách, còn khi xét tuyển thì họ không nằm trong nhóm có số điểm cao do sự khác nhau về đào tạo trong nước và nước ngoài.

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh: Chỉ tiêu biên chế không thực hiện hết là do giao chỉ tiêu không sát, do tính vống chỉ tiêu lên để thực hiện khoán chi hoặc không có nguồn để tuyển.

Tại quận Hà Đông, hiện biên chế sự nghiệp giáo dục mới có 2.722 VC trong khi tổng số biên chế được giao là 2.948. Ngành còn được giao chỉ tiêu 196 hợp đồng theo Nghị định 68 nhưng hiện tại quận chỉ thực hiện được 26 hợp đồng. Lý do, theo Chủ tịch UBND quận Lê Cường, vì mức lương khởi điểm quá thấp (bằng 1,5 mức lương cơ bản) nên người lao động không mặn mà. Trả lời đoàn giám sát về việc vì sao 3 năm liền không tuyển đủ chỉ tiêu biên chế, chủ tịch quận cho biết, tỷ lệ thi đỗ CCVC của quận đạt thấp so với số cần tuyển dụng. Đây cũng là tình hình chung ở Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), huyện Mê Linh, huyện Đông Anh và nhiều đơn vị khác. Đơn cử, năm 2013, huyện Mê Linh tuyển dụng CC hành chính có 4 thí sinh trúng tuyển/14 chỉ tiêu; VC giáo dục có 324 thí sinh trúng tuyển/338 chỉ tiêu; VC huyện có 22 thí sinh trúng tuyển/28 chỉ tiêu. Tại huyện Đông Anh, từ năm 2011 đến nay, ở cả khối hành chính và sự nghiệp, số biên chế thực hiện đều thiếu so với số được giao (năm 2014, khối hành chính huyện có 129/140 biên chế được giao), khối sự nghiệp cũng đang thiếu hàng trăm biên chế. Năm nào huyện cũng tuyển nhưng có một số vị trí dù số lượng tham gia khá đông mà nhiều năm liền vẫn không tuyển được trường hợp nào.

Một nghịch lý nữa là nhiều đơn vị thiếu CC nhưng chưa đăng ký tuyển dụng. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, một trong những nguyên nhân chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao là vì Sở không kịp tuyển dụng cán bộ bù đắp cho số người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Trong 3 năm (2011, 2012, 2013), sở này không thi tuyển CCVC. Theo tổng hợp của Sở Nội vụ, năm 2014, Hà Nội được giao 10.234 biên chế hành chính, số thực hiện là 9.728.

Lao động hợp đồng làm việc của công chức

Đối lập với tình trạng chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao, hầu hết đơn vị đều có số LĐHĐ vượt quá quy định. Thạch Thất là một trong những huyện sử dụng LĐHĐ nhiều nhất, chủ yếu trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, GPMB, tạp vụ... Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Nguyên, lý do huyện Thạch Thất sử dụng nhiều LĐHĐ là nhiệm vụ GPMB các dự án trên địa bàn rất lớn. Tương tự, do khối lượng công việc được giao khá nặng nề nên Thanh tra Sở GT-VT phải ký thêm 54 LĐHĐ.

Có một thực tế là lâu nay, bộ, ngành TƯ giao thêm nhiệm vụ cho các cơ quan và cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhưng lại không giao thêm biên chế. Các đơn vị phải cân đối trong tổng chỉ tiêu biên chế hiện có và phải ký thêm LĐHĐ.

Thống kê của Sở Nội vụ, năm 2014 khối cơ quan hành chính tự ký 1.128 LĐHĐ; đơn vị sự nghiệp tự ký 9.243 LĐHĐ. Các đơn vị ký LĐHĐ nhiều là: Thạch Thất (112); Hai Bà Trưng (83); Thanh Xuân (56); Mỹ Đức (59); Hoàn Kiếm (52); Quốc Oai (56); Chương Mỹ (50)...

Lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định, việc số LĐHĐ vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao là do các đơn vị tự ký, không báo cáo Sở. Việc trả lương cho LĐHĐ cũng "mỗi nơi một kiểu". Nơi thì trả theo quỹ tiền lương khoán biên chế (từ số biên chế mà họ tuyển chưa đủ); nơi thì điều tiết cân đối cho các phòng, ban ký hợp đồng. Về chế độ, có quận, huyện thì trả theo bằng cấp, nơi trả bằng 85% lương, lại có nơi trả theo mức lương tối thiểu... Trước thực trạng này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đặt câu hỏi: Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Nội vụ có biết những điều này không và có chế tài nào không? Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp cho biết: Sở có biết và thường xuyên kiểm tra. Sau khi kiểm tra 6 sở và 6 quận, huyện trong năm 2013, Sở đã có kết luận, báo cáo UBND thành phố và kiến nghị, trong đó có nội dung yêu cầu rà soát, chấm dứt các HĐLĐ do phòng chuyên môn tự ký và trả lương bằng kinh phí từ ngân sách. Hiện, các sở, ngành, quận, huyện đang thực hiện rà soát. Đồng tình đây là việc cần thời gian để rà soát, song Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định Sở Nội vụ đã quá lỏng lẻo trong công tác quản lý.

Thực trạng này dẫn đến hệ lụy: LĐHĐ làm công tác chuyên môn của CC. Đơn cử, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Đê điều và PCLB Sở NN&PTNT đang có một số lượng lớn VC làm nhiệm vụ của CC. Có 60 người trong tổng số 450 biên chế VC của 3 đơn vị được tuyển dụng từ trước năm 1993 đang được giao nhiệm vụ như CC khác trong cùng cơ quan. Cùng làm một nhiệm vụ như nhau nhưng chế độ
đãi ngộ của CC cao hơn VC nên Sở NN&PTNT đề nghị được tiếp nhận các CC không qua thi tuyển đối với những trường hợp tuyển dụng trước năm 1993 thay cho CC nghỉ hưu hoặc chuyển công tác và để các VC làm nhiệm vụ như CC được hưởng chế độ phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, việc VC hưởng chế độ phụ cấp công vụ như CC lại chưa có quy định, hướng dẫn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nghịch lý và hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.