Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nền tảng của giáo dục toàn diện

Hồng Hạnh| 17/11/2015 06:21

(HNM) - Không ít người đang đặt câu hỏi: Vì sao những bức xúc, lo lắng của dư luận xã hội vừa qua lại chỉ diễn ra chủ yếu ở môn Lịch sử, trong khi môn Lịch sử không phải là môn học duy nhất đối mặt với hoàn cảnh tách, nhập trong chương trình giáo dục phổ thông mới?


Có phải vì hàng triệu giáo viên dạy môn Lịch sử, nhà nghiên cứu lịch sử quá lo lắng cho sự nghiệp của mình? Hoàn toàn không phải. Điều căn bản khiến họ trăn trở chính là những hệ quả tiêu cực của những điều chỉnh trong chương trình giáo dục phổ thông mới đối với sự trưởng thành của thế hệ trẻ.

Lịch sử cần là môn học độc lập

Theo lý giải của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), nếu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh (HS) sẽ được học lịch sử với thời lượng nhiều hơn, HS được giáo dục lịch sử thông qua nhiều môn học, nhiều hình thức khác nhau, không thể coi giáo dục lịch sử chỉ là dạy sử. Đồng tình với cách tiếp cận này, song nhiều chuyên gia cho rằng, điều này còn đúng với nhiều môn khoa học khác nữa, nhưng có điểm khác là bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không thể có môn học nào thay thế cho Lịch sử ở giáo dục phổ thông được.

Ủy viên Thường vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: "Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương tích hợp các môn học để giảm tải số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn là một chủ trương đúng, cần được ủng hộ, chỉ có điều cách làm chưa ổn. Ban soạn thảo chương trình, Bộ GD-ĐT không coi nhẹ môn Lịch sử; hầu hết các thầy, cô giáo luôn hết lòng chăm chút cho môn học này. Tuy nhiên, môn Lịch sử vẫn còn nhiều bất cập cả về chương trình, nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy...

Những căn nguyên ấy thúc đẩy yêu cầu phải đổi mới môn Lịch sử, đó là chủ trương đúng đắn". Khẳng định vai trò và tầm quan trọng không thể thay thế của môn Lịch sử, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiến nghị: Lịch sử cần là môn học độc lập với một chương trình, một bộ sách giáo khoa và đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của đổi mới giáo dục. Điều căn bản nhất đối với môn Lịch sử lúc này là cần có nhận thức đúng về vị trí, ý nghĩa của môn học đối với sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của HS lứa tuổi phổ thông. Nghị quyết 29/NQ-TƯ đã chỉ rõ: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, tư duy, HS phải được phát triển toàn diện, trên nền kiến thức toàn diện, trong đó lịch sử và văn hóa truyền thống dân tộc là kiến thức không thể thiếu của mỗi công dân Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng trong thời đại toàn cầu hóa.

Nhiều năm nay, ngoài nội dung lịch sử theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường học của Hà Nội đều triển khai tài liệu giáo dục lịch sử địa phương. Hà Nội cũng là địa phương duy nhất cho đến nay đưa vào giảng dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho HS ở cả ba cấp học. Đây được coi là nền tảng của giáo dục toàn diện và được HS tích cực hưởng ứng, tạo chuyển biến trong nhận thức, phát triển nhân cách HS. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: "Tôi có niềm tin là không có người Việt Nam nào lại không yêu lịch sử và văn hóa dân tộc".

Yêu cầu cần thiết

Việc Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp Lịch sử vào thành một trong ba phân môn của môn Công dân với Tổ quốc (bao gồm Lịch sử, Đạo đức - giáo dục công dân và Quốc phòng - an ninh) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, các chuyên gia trong và ngoài ngành. Theo GS-TS Trần Thị Vinh (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), 3 môn học này có đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy khác nhau. Vì vậy, việc biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, học tập cho môn học "tổng hợp" này không thể thực hiện được. Tính khả thi của môn học cũng hoàn toàn khó, bởi các trường sư phạm ở Việt Nam và trên thế giới chưa từng đào tạo giáo viên dạy những môn học có kiến thức tổng hợp như vậy. Rõ ràng, việc tích hợp này chỉ đạt mục tiêu giảm số lượng môn học, chứ không đáp ứng được mục tiêu giáo dục phổ thông về phát triển toàn diện nhân cách con người.

Quay trở lại với bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT công bố tháng 8-2015, không khó để thấy rằng, cùng một dự thảo chương trình nhưng lại có hai quan điểm trái ngược nhau về khái niệm tích hợp. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã từng nói, nếu đặt Lịch sử là một môn học riêng sẽ có nội dung trùng với Quốc phòng - an ninh và Giáo dục công dân; nếu tách riêng sẽ không thực hiện được định hướng giảm môn học bắt buộc và tăng môn tự chọn. Như vậy, tích hợp được hiểu là ghép gộp những môn học hiện tại có những nội dung kiến thức trùng nhau thành một môn chung.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết rằng, giáo dục lịch sử cho HS không phải chỉ có ở môn Lịch sử mà còn có trong môn Ngữ văn, Địa lý, Âm nhạc, Đạo đức... Điều này có nghĩa là tích hợp còn được triển khai theo cách dùng các môn học khác để giáo dục lịch sử, mà không sợ sự trùng lặp nội dung kiến thức. Như ý kiến của PGS-TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), thì sự trái ngược quan điểm trong cùng một dự thảo thể hiện sự lúng túng trong xây dựng chương trình. Hiểu không đúng về khái niệm tích hợp đương nhiên dẫn đến mâu thuẫn trong tư duy xây dựng chương trình và nhận thức chưa đúng về vai trò môn Lịch sử.

Rõ ràng, một chương trình giáo dục tổng thể cần được xây dựng trên một tư duy tổng thể, dựa trên những cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn xác đáng. Đó là yêu cầu cần thiết của chương trình, để giáo dục phổ thông giai đoạn mới đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ.

Thượng tướng, PGS-TS Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng): 
Tích hợp môn Giáo dục quốc phòng - an ninh với các môn học khác là trái luật

Nghị định số 511-TTg ngày 11-11-1958 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký đánh dấu sự ra đời của một môn học mới trong các nhà trường - môn Quân sự, cơ sở của môn Giáo dục quốc phòng - an ninh ngày nay. Ngày 1-5-2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, quy định: Giáo dục quốc phòng là môn học chính khóa trong các trường, lớp đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, THPT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cũng được cụ thể hóa trong Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quốc phòng năm 2005, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013. Nội dung của môn học này có nhiều đặc thù, cả về nội dung, phương pháp và hình thức. Tương tự như lịch sử, đây cần là một môn học độc lập trong chương trình giáo dục với mọi công dân.

Thiếu tướng, TS-NGND Nguyễn Thiện Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD-ĐT): 
Lịch sử phải là môn học cốt lõi của các môn học cốt lõi 


Vị trí môn Lịch sử trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT phải được đặt đúng tầm quan trọng của nó, đó phải là môn học cốt lõi nhất trong các môn học cốt lõi. Vì thế, nó phải được hệ thống lại, bổ sung cho đủ nội dung, điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu giáo dục giai đoạn mới, không thể lồng ghép vào môn học khác. Bộ GD-ĐT và toàn xã hội phải cùng chung tay tìm giải pháp làm thế nào để học sinh, sinh viên tự giác học tập, yêu thích lịch sử Việt Nam, hiểu được cội nguồn dân tộc, nhận thức rõ giá trị của ngày hôm nay, từ đó có ý thức, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nền tảng của giáo dục toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.