(HNM) - Học tập, nghiên cứu, quán triệt là khâu mở đầu quan trọng trong việc đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống...
Nghiêm túc ngay từ khâu triển khai học tập
- Hội nghị của thành phố về quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã được tổ chức nghiêm túc và chất lượng trong hai ngày 21 và 22-12. Yêu cầu của Trung ương trong việc quán triệt, triển khai Nghị quyết lần này rất cao. Thành ủy có chỉ đạo gì đối với các cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ này, thưa đồng chí?
- Thành ủy đã chỉ đạo, đợt quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII lần này nhằm giúp cấp ủy các cấp chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch và triển khai mở các lớp nghiên cứu, học tập, quán triệt tới các cán bộ, đảng viên với những nội dung, hình thức phù hợp đối với từng đối tượng, bao gồm cả các lớp cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Các lớp học, quán triệt phải giúp người học nắm vững các luận điểm cơ bản và vận dụng vào thực tế công tác. Sau hội nghị này, thành phố cũng sẽ tổ chức 4 hội nghị quán triệt cho bốn nhóm đối tượng, trong đó có nhóm đối tượng là cán bộ quản lý báo chí, xuất bản; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thành phố. Toàn thành phố phấn đấu hoàn thành việc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII trước ngày 25-1-2017.
Các đại biểu dự Hội nghị cán bộ chủ chốt TP Hà Nội học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.Ảnh: Viết Thành |
- Lần này, Trung ương chỉ đạo rõ: Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm báo cáo viên quán triệt Nghị quyết. Theo đồng chí, việc này có ý nghĩa như thế nào?
- Đây là yêu cầu phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là những đồng chí chưa có nhiều kinh nghiệm làm báo cáo viên. Nhưng tôi cho rằng vấn đề quan trọng là nắm vững và truyền đạt được những nội dung cơ bản của Nghị quyết chứ không phải nói hay về Nghị quyết. Điều này các đồng chí bí thư cấp ủy của Hà Nội sẽ làm được, nhất là việc cụ thể hóa Nghị quyết vào công việc của cơ quan, đơn vị mình.
- Vậy, Thành ủy có yêu cầu gì đối với cá nhân mỗi cán bộ chủ chốt về nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII?
- Thành ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp thành phố phải xây dựng chương trình hành động, bám sát thực tiễn cơ sở nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch hành động cá nhân thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao. Chương trình hành động phải thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động là khâu ưu tiên, phải được tập trung thực hiện tốt và phải hoàn thành ngay sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết... Về vấn đề này, Thành ủy đã nghiêm túc thực hiện, đó là cùng với việc học Nghị quyết, Thành ủy đã xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII.
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng
- Trung ương đã nhận diện một cách rất đầy đủ về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, trước tiên chúng ta phải nhận diện được những biểu hiện này ở mỗi tập thể, cá nhân. Quan điểm của đồng chí về điều này ra sao?
- Đây là việc làm có ý nghĩa, khâu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu không nhận diện được ở đâu, ở con người cụ thể nào có những biểu hiện đó thì sẽ không thể ngăn chặn, đẩy lùi được. Do đó, quan điểm chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội là làm thật tốt việc nhận diện các biểu hiện mà Nghị quyết đã chỉ ra thông qua việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ quyết định những cách làm, quy trình tiến hành cụ thể ngay trong thời gian tới. Từ kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI cho thấy, ngoài việc giao quyền chủ động cho các cấp ủy tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thì cấp ủy cấp trên cũng cần gợi ý những vấn đề nhận thấy cần phải tập trung làm rõ và đề ra được hướng khắc phục trong thời gian tới.
- Xin đồng chí cho biết suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của Ngành Tuyên giáo thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII? Đâu là trọng tâm, trọng điểm mà ngành lựa chọn để tập trung thực hiện thời gian tới?
- Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực hiện Nghị quyết đạt chất lượng, hiệu quả là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; đòi hỏi nỗ lực của các cấp, các ngành. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, Ban Tuyên giáo Thành ủy nhận thấy nhiệm vụ đặt ra đối với ngành trong triển khai, thực hiện Nghị quyết lần này là hết sức nặng nề, đòi hỏi nỗ lực cao của đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra, có nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên, hết sức quan trọng là “Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình” với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện của Ngành Tuyên giáo.
Thực hiện Nghị quyết, trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao hiệu quả nắm bắt tình hình dư luận xã hội, nắm chắc diễn biến tư tưởng tình cảm trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức tốt hệ thống này nên chúng tôi tiếp tục tập trung duy trì và cố gắng sẽ cải tiến hơn nữa, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tham mưu đúng, trúng cho Thành ủy và cấp ủy các cấp có biện pháp xử lý kịp thời với những diễn biến bất thường, diễn biến mới, không để bị động, bất ngờ, không để mất kiểm soát trên mặt trận tư tưởng. Tăng cường lực lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp nhằm phản bác kịp thời và hiệu quả đối với những luận điệu xuyên tạc, những biểu hiện sai trái, những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, đặc biệt là trên môi trường mạng. Song song với phát huy vai trò của báo chí, chúng tôi xác định phải phối hợp tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội.
Ban Tuyên giáo Thành ủy đã và đang thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin thường xuyên và đột xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy để nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động hơn nữa trong thời gian tới. Ngành Tuyên giáo cũng sẽ tập trung tham mưu với Thành ủy và cấp ủy các cấp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với vận dụng trong thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.