(HNM) - Là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, trong nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND các tỉnh, thành phố đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân.
Một buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh. Ảnh: Thái Hiền |
Đặc biệt, tại Hà Nội, hầu hết nghị quyết HĐND ban hành đều sát thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về cơ chế, chính sách với từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo là mục tiêu không có điểm dừng.
Xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô
Đã từng có nhiều ý kiến tranh cãi nên bỏ hay giữ HĐND cấp cơ sở, song ý kiến đại bộ phận cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII đều đánh giá cao và ghi nhận vai trò của HĐND thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Đó là, HĐND đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, nguyên tắc tập trung dân chủ được tôn trọng, dân chủ trong sinh hoạt được phát huy, tính hình thức trong hoạt động của HĐND giảm dần, chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND có chất lượng, bảo đảm đúng luật và phù hợp với tình hình địa phương; chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát từng bước nâng lên.
Cụ thể, tại Hà Nội, HĐND thành phố đã tổ chức tốt các kỳ họp, thảo luận, ban hành các nghị quyết phù hợp với tình hình, điều kiện Thủ đô. Đặc biệt, ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô. Đây là dấu mốc quan trọng tạo lập những cơ sở pháp lý ổn định lâu dài, vững chắc, giúp cho Hà Nội phát triển đúng tầm vóc trong tương lai. Để cụ thể hóa Luật Thủ đô, HĐND thành phố đã ban hành 13 nghị quyết; xác lập cơ chế đặc thù cho Thủ đô ở 7 lĩnh vực, gồm: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai; kinh tế - tài chính và an ninh, an toàn xã hội. Đây đều là những vấn đề lớn, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp quá trình phát triển Thủ đô cả trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành tăng cường quản lý, phát huy tiềm năng, thế mạnh.
Cùng với đó, HĐND thành phố còn ban hành 37 nghị quyết về công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là bước quan trọng để xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế, trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, HĐND thành phố còn ban hành 69 nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế. Nổi bật là Nghị quyết số 04 (ban hành ngày 5-4-2012) về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016, đã tạo nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp Thủ đô.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện và phường, thực hiện Đề án 04/ĐA-TU của Thành ủy, HĐND TP Hà Nội đã mạnh dạn tăng cường cán bộ chuyên trách, bố trí thêm chuyên viên có chất lượng giúp việc cho thường trực và các ban chuyên môn. HĐND nhiều quận, huyện, thị xã bố trí trưởng hoặc phó ban hoạt động chuyên trách, phân công một phó chánh văn phòng HĐND - UBND và một chuyên viên văn phòng giúp việc chuyên trách cho thường trực và các ban. Đội ngũ cán bộ được bổ sung này đều được đào tạo, bồi dưỡng đúng chuyên ngành, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Giám sát có chiều sâu
Chính từ sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách nên hoạt động của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016 có nhiều ấn tượng, nhất là việc đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể đối với hoạt động giám sát của HĐND.
Đó là chọn trúng những nội dung cần tập trung giám sát; cụ thể hóa chương trình giám sát theo nghị quyết của HĐND thành kế hoạch giám sát của thường trực, các ban trong từng quý, tháng để thường trực chỉ đạo, điều hành hoạt động chung; kết hợp chặt chẽ giữa giám sát hai kỳ họp với giám sát tại các kỳ họp HĐND. Đồng thời, thực hiện chủ trương giám sát đến cùng bằng việc tổ chức các cuộc tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát trước đây. Đáng lưu ý, HĐND TP Hà Nội công bố công khai các kết luận giám sát của Thường trực HĐND và các ban HĐND lên trang thông tin điện tử của cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội.
Nhờ chuẩn bị chu đáo nên hơn 100 cuộc giám sát của thường trực và các ban HĐND thành phố trong và ngoài kỳ họp đều tập trung vào những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm. Các kết luận giám sát có chất lượng hơn, không những chỉ ra khó khăn cần tháo gỡ, tồn tại, yếu kém cần khắc phục mà còn tổng kết những cách làm hay. "Hoạt động giám sát của HĐND các cấp không chỉ góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng các kỳ họp mà còn kịp thời thông tin, đề xuất với UBND và các sở, ngành, quận, huyện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo; kịp thời đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương những điểm yếu, thiếu trong các quy định pháp luật và các cơ chế, chính sách trong từng lĩnh vực" - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đánh giá.
HĐND các cấp TP Hà Nội sắp bước sang một nhiệm kỳ mới. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính quyền địa phương. Trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, HĐND các cấp sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động, để làm tròn trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.