(HNM) - Nghị trường không còn tính chất
Giám sát không còn là hình thức
Theo GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Quốc hội đã trải qua 13 khóa hoạt động. Nếu như trước đây, do điều kiện khách quan, do chiến tranh nên việc lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân còn có những hạn chế nhất định thì nay tiếng nói, ý kiến của nhân dân rất được Quốc hội chú trọng. Trước, sau mỗi kỳ họp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Đoàn ĐBQH các địa phương đều tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để các đại biểu trao đổi, lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi đến Quốc hội. Tại các cuộc giám sát chuyên đề, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được các ĐBQH phản ánh, kiến nghị phương án giải quyết. Cách chất vấn, theo dõi về hướng giải quyết, tiến độ thực hiện tháo gỡ khó khăn đối với những vấn đề dân sinh bức xúc sau giám sát cũng có nhiều đổi mới theo hướng thường xuyên, liên tục hơn. Tranh luận giữa ĐBQH với những "tư lệnh" ngành ngày càng sâu, rộng, đi đến tận bản chất các vấn đề thời sự nóng bỏng được đề cập. Đó là những bước rất dài trong dân chủ nghị trường mà trước đây chúng ta khó có thể thấy.
Dưới góc nhìn của người dân, cử tri, bà Nguyễn Thị Hương, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho rằng, Quốc hội đang ngày càng phát triển và mở rộng dân chủ. Các phiên chất vấn của Quốc hội được truyền hình trực tiếp đã tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia, giám sát, phản hồi chính kiến, thái độ. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội từ chỗ thưa thớt, thiếu sức nặng từ nội dung, hình thức và cách thức giám sát, 10 năm trở lại đây đã có nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm hơn, phản ánh được những vấn đề nhân dân thực sự quan tâm. Đó là công tác chống oan sai; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý cán bộ; tinh giản biên chế, chất lượng giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm… Thông qua các hoạt động giám sát, nhiều tiêu cực tham nhũng, lãng phí được phát hiện, rung lên những hồi chuông cảnh báo xác thực nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật trong tổ chức thực hiện. Vì thế, cùng với chất vấn, tái chất vấn, giám sát tối cao của Quốc hội đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước.
Thước đo hiệu quả hoạt động các "tư lệnh" ngành
Với mong muốn làm rõ hơn nữa trách nhiệm, lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, tăng cường "hậu" giám sát, tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn, giám sát tối cao xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. Tổng cộng đã có 54 lượt ĐB phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn. Trong đó, có 18 ĐB đặt 27 câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, một ĐB có câu hỏi đối với Chủ tịch Quốc hội, 6 ĐBQH đặt câu hỏi đối với các Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 ĐB đặt câu hỏi đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, khoảng 140 câu hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu, làm rõ thêm và trực tiếp trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐBQH về những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội trực tiếp trả lời 3 câu hỏi của một ĐBQH. Cách thức tiến hành chất vấn cũng có sự đổi mới. Đó là tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ với nhiều vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ. Theo đó, 16 Bộ trưởng, trưởng ngành, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã trả lời chất vấn và "chia lửa" với các bộ, ngành khác để làm rõ thêm những vấn đề cần phối hợp giải quyết. Đây là cơ hội để ĐBQH thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng đối với các vấn đề nhân dân quan tâm.
Qua báo cáo của các "tư lệnh" ngành và diễn biến phiên chất vấn, có thể thấy, ngoài những mặt tốt đã đạt được, một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện, nhưng còn chưa đạt được đầy đủ yêu cầu. Như việc ban hành nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp; việc xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài; việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp nữa, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, còn phát hiện một số vấn đề đã được chất vấn hoặc giám sát chuyên đề, nhưng trong thực tế chuyển biến còn chưa thật rõ nét, rất cần sự chỉ đạo, điều hành chung, quyết liệt hơn của Chính phủ, như tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, do đây là cách làm mới nên không tránh khỏi những điểm còn bất cập như việc chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để trình bày tại hội trường vẫn còn dài hơn so với quy định; một số báo cáo và trả lời chất vấn còn chưa nêu thật rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và thiếu giải pháp đột phá. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề để đánh giá về việc thực hiện nghị quyết của các cơ quan chịu sự giám sát, chỉ rõ những việc cần làm trong thời gian tới đây, đồng thời làm cơ sở để Quốc hội khóa XIV có cơ sở tiến hành giám sát, hậu giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.