Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Lối nào thoát hiểm?

Y Linh| 16/05/2012 06:39

(HNM) - Trước tình trạng cung vượt cầu, tiêu thụ khó, hầu hết DN xi măng thua lỗ, câu hỏi đặt ra là phải chăng quy hoạch ngành có vấn đề? Hay DN thiếu tính toán trong đầu tư để rồi thua lỗ?


Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam Đỗ Đức Oanh lý giải, quy hoạch ngành xi măng được xây dựng dựa trên nhu cầu tăng trưởng 10-15%/năm. Nếu nhìn vào giai đoạn năm 2005-2010, quả thật việc đầu tư phát triển nhà máy xi măng là hoàn toàn chính xác. Năm 2005, sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước là 29 triệu tấn, năm 2006, sản lượng tăng lên 32,4 triệu tấn; năm 2007 là 36,4 triệu tấn và năm 2008 là 41 triệu tấn. Năm 2009 và 2010, bình quân mỗi năm sản lượng tăng khoảng 6 triệu tấn. Chỉ đến năm 2011, sản lượng tiêu thụ mới giảm, do lạm phát tăng cao, đầu tư công từ những công trình hạ tầng, công sở, đến những công trình dân dụng đều cắt giảm; thị trường bất động sản "đóng băng", hàng loạt dự án khu đô thị, nhà ở dừng khởi công, giãn tiến độ, thậm chí "đắp chiếu" ngừng thi công. Quan sát giai đoạn năm 2006-2010 có thể thấy, nhiều thời điểm thị trường xi măng "sốt nóng" do khan hàng vào mùa cao điểm xây dựng, nhất là tại thị trường phía Nam. Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, với vai trò là DN của Nhà nước, đồng thời giữ 30% thị phần, đã nỗ lực để kiểm soát, bình ổn thị trường. Dần dần từ chỗ cung không đáp ứng cầu, hằng năm phải nhập khẩu clinke, xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước, ngành xi măng đã có thể tự chủ, tiến tới xuất khẩu xi măng.

Tuy nhiên, bất ổn ở chỗ quy hoạch dự báo tăng trưởng chưa chuẩn và chưa lường cả những yếu tố bất lợi (như lạm phát, kinh tế sụt giảm) nên dẫn đến tiêu thụ khó, dư thừa, cung vượt cầu. Năm 2012, nếu có giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng, thị trường bất động sản ấm lại, dự kiến sản lượng tiêu thụ cũng chỉ bằng năm 2011, khoảng 49 triệu tấn, cộng với 8 triệu tấn dự kiến xuất khẩu, tổng sản lượng dư thừa sẽ vào khoảng 10 triệu tấn. Trong khi theo quy hoạch ngành xi măng, đến năm 2015, sản lượng xi măng sẽ tăng lên 94 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên tới 129 triệu tấn. Cái chưa được nữa là việc đầu tư theo phong trào của nhiều DN và địa phương. Hầu như địa phương nào có đá vôi là có dự án đầu tư nhà máy xi măng. Bài học từ dự án xi măng Đồng Bành cho thấy việc đầu tư không đồng bộ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu, không cân đối tài chính, thiếu nhân lực có chuyên môn đã dẫn đến hậu quả thua lỗ, phải dừng sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn, có DN "nhanh chân" sang nhượng dự án, nhà máy cho DN khác, nhưng cũng có DN đến thời điểm này muốn thoái vốn cơ cấu lại nợ cũng đành bó tay, nên đã lâm cảnh "bỏ thì thương vương thì tội".

Nói đi cũng phải nói lại, nếu xét trong bối cảnh năm 2005 (nhiều dự án được quyết định đầu tư ở giai đoạn này) tăng trưởng kinh tế của đất nước khá cao, thì số liệu dự báo tăng trưởng của ngành xi măng khá cao cũng là hợp lý. Mặt khác, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế còn được khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, dự án đầu tư đều có công nghệ hiện đại, có lợi thế cạnh tranh, lại phù hợp quy hoạch, nên trong khó khăn hiện tại cũng khó trách cứ các DN.

Nói về giải pháp, ông Đỗ Đức Oanh cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu chỉ mang tính tình thế, không phải là chủ trương của ngành, vì với giá 38USD-40USD/tấn xuất FOB sẽ không mang lại hiệu quả cho DN. Từ trước đến nay, chưa DN nào đặt vấn đề xuất khẩu xi măng. Tương tự, việc làm đường bằng bê tông xi măng cũng không phải là giải pháp căn cơ vì sản lượng tiêu thụ xi măng không lớn, chưa kể các yếu tố kỹ thuật về giao thông khác. Nên về lâu dài, để đẩy mạnh tiêu thụ vẫn phải phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Tức là hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục, kéo theo tăng trưởng về đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển khu đô thị… Bên cạnh đó, hiệp hội đã kiến nghị rà soát lại quy hoạch xi măng để thu hẹp khoảng cách giữa cung - cầu. Xóa nhà máy xi măng lò đứng (tổng công suất khoảng 3 triệu tấn) vì đây là nhà máy công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp và ô nhiễm môi trường. Dừng hẳn những dự án chưa đầu tư, không thu xếp được vốn. Theo quan điểm của hiệp hội, với những dự án đang đầu tư, đến năm 2015 sản lượng xi măng ước khoảng 80 triệu tấn (thay vì 94 triệu tấn như quy hoạch đề ra) là vừa đủ. Tuy nhiên, để giúp DN ngay trước mắt, hiệp hội cho rằng Chính phủ cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại danh mục nợ để tránh tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đang bế tắc. Đặc biệt, hạ lãi suất cho vay thương mại xuống mức 10-12%/năm thay vì loanh quanh mức 20% hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Lối nào thoát hiểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.