Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: “Lá chắn thép” không cản được đoàn quân thần tốc

Anh Tuấn| 13/04/2010 06:53

(HNM) - Sau khi mất Đà Nẵng, quân đội Sài Gòn vội vã tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó thị xã Xuân Lộc, thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía Đông bắc là tâm điểm, nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường số 1 và đường số 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn.

Tướng Mỹ Uâyoen nói với Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy: Phải giữ cho được Xuân Lộc, "mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Một "Lá chắn thép" mới lại được dựng lên, nhiều đơn vị tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn được điều đến với tinh thần "tử thủ" được "bơm" vội vã hòng cản bước tiến như vũ bão của quân ta.

Đánh vào chỗ yếu phía sau "Lá chắn thép"

Khi chúng tôi tới, cựu chiến binh Đào Bá Lượng, ở xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh - người đã dẫn xe tăng ta vào và cắm cờ Giải phóng trước cửa dinh tỉnh trưởng Long Khánh trong ngày đầu của chiến dịch 11 ngày đêm giải phóng Xuân Lộc - đang bận rộn với khách hàng. Gần 70 tuổi, người chiến sỹ biệt động năm xưa nom còn khỏe lắm, tay ông xúc cát thoăn thoắt. Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi khách đến mua vật liệu xây dựng. "Lờ lãi chẳng được là bao, nên tớ làm "cửu vạn" luôn, khách đến là mình xúc đá, cát, khuân xi măng"… Ông Lượng cười rất tươi, lau mồ hôi nói.

Tượng đài chiến thắng Long Khánh.


- Về chuyện cắm cờ ở dinh tỉnh trưởng ngày ấy, có người khuyên tôi là cứ nhận đã cắm lên nóc nhà rồi, gần 10 ngày sau mới giải phóng Xuân Lộc, ai kiểm chứng đâu, nhưng mình thấy nói như thế là không đúng sự thật - Ông Lượng trả lời một cách dứt khoát khi được hỏi vì sao có những tài liệu viết khác nhau về việc cắm cờ trong trận mở màn chiến dịch.

Ông Lượng kể, ngày 9-4-1975 được phân công dẫn một mũi 7 xe tăng đánh vào trung tâm thị xã, ông ngồi trên chiếc xe tăng dẫn đường, trước khi vào trận chiến cấp trên cũng dặn nếu có cơ hội thì tìm cách cắm cờ lên dinh tỉnh trưởng. Nhưng khi đến đó, địch còn rất đông ở bên trong và bắn ra dữ dội, khi xe tăng chạy ngang qua dinh, ông vừa vươn người ra ngoài, định treo cờ vào cánh cổng thì bị bắn vào tay, đau quá, ông chỉ kịp ngoắc lá cờ lên hàng rào. Chiếc cờ đó đến ngày 21 giải phóng Xuân Lộc vẫn còn, nhưng bị địch bắn rách nhiều chỗ.

- Ngay ngày đầu tiên xe của tôi bị trúng đạn pháo 105mm bắn thẳng của địch. Xe đứt xích, một chiến sỹ quê Thái Bình hy sinh - Giọng ông Lượng rưng rưng. "Vì quá thương bạn, một chiến sỹ đồng hương trên xe tìm mọi cách không cho mang liệt sỹ ra ngoài để mai táng. Hai ngày liền chúng tôi liên tục đánh vào, rút ra nhiều lần, trên xe vẫn đủ năm người, bốn còn sống và một đã hy sinh. Khi nghỉ, liệt sỹ cũng được tắm rửa, mời cơm… như đang còn sống. Đến ngày thứ ba, cấp trên kiên quyết quá, anh chiến sỹ kia mới chịu cho mang xác bạn đi, khi chia tay nhau, anh khóc dữ lắm! Tình đồng chí, đồng đội, đồng hương trong chiến đấu thật sâu nặng" - Nói đến đây, ông Lượng xô ghế đi vội ra ngoài. Ông bảo có khách đến mua hàng, nhưng chúng tôi biết, ông muốn giấu những giọt nước mắt.

Bác Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động Long Khánh khi trò chuyện với chúng tôi lại tiếp cận những trận chiến ở Xuân Lộc theo một cách khác. Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt. Ba ngày quần nhau với địch, tuy đã chiếm được một số mục tiêu và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều, 6 xe tăng bị địch bắn hỏng và cháy, hầu hết pháo 85mm và 57mm bị hỏng vì bom đạn - Bác Mừng kể.

Xuất phát từ nhận định cơ bản: Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, cắt đường số 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Thực hiện chủ trương trên, mỗi sư đoàn chỉ để lại 1 tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch, những đơn vị còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động. Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B (vừa được trên tăng cường) tổ chức bao vây tiêu diệt Chiến đoàn 52 của địch, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai trên dải phía bắc Chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ đoàn 1 ngụy, không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để phối hợp với Trung đoàn 43 trong thị xã. Ngày 13, các đơn vị ta rút khỏi thị xã.

Mắt bác Mừng chợt sáng lên, giọng hào hứng: Sau này khi ta đã giải phóng Xuân Lộc, tàn binh địch kể, đạn dược, lương thực ở Xuân Lộc đủ cầm cự với "Việt Cộng" ba tháng. Nếu ta cứ nhằm chỗ mạnh của địch mà đánh sẽ khó thắng và thương vong sẽ lớn. Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền rùm beng về "chiến thắng Xuân Lộc", về "khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã được phục hồi" và hy vọng "còn đủ mạnh để giữ vững chế độ".

Quyết định tiến công cắt các cứ điểm, chia cắt Xuân Lộc của ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là táo bạo, sáng suốt và rất kịp thời. Chúng ta đã tránh chỗ mạnh, tìm ra chỗ yếu của địch mà đánh. "Lá chắn thép" cửa ngõ phía Đông Sài Gòn bị đập tan, tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn từ hướng Đông, một thế trận mới rất có lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đi lên từ "vùng đất chết"

Theo lời giới thiệu của Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng, chúng tôi bắt xe ôm đi giữa trời nắng như thiêu tìm đường vào xã Bàu Trâm. Trước năm 1975, Bàu Trâm là khu căn cứ cách mạng của Thị ủy Long Khánh. Vùng đất này quá cằn cỗi, nên người dân thường gọi là "Bàu Cằn". Từ năm 2004, sau khi được đổi tên thành xã Bàu Trâm, chính quyền và nhân dân xã quyết tâm vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Nhiều gia đình mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chôm chôm, sầu riêng, điều, cam, quýt; mở 14 cơ sở sản xuất gia công các mặt hàng sắt thép và chế biến nông sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; có 77 cơ sở làm dịch vụ, trong đó có những doanh nghiệp năm 2009 doanh thu lên đến 200 tỷ đồng, hàng chục biệt thự mới mọc lên, dân quanh vùng gọi Bàu Trâm là "xã biệt thự".

Một góc thị xã Long Khánh (trước đây là Xuân Lộc).


Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải cho chúng tôi biết: Những ngày đầu giải phóng, Long Khánh đứng trước vô vàn khó khăn, trước lúc tháo chạy, Mỹ - ngụy đã trút xuống hàng trăm tấn bom đạn hủy diệt, nhiều công trình công cộng bị phá hủy, các xã vùng ven bị bom đạn bắn phá tan nát, tỉnh lỵ Long Khánh chỉ còn là một vùng đất chết, xơ xác, hoang tàn.

Ngày 21-8-2003, Chính phủ đã quyết định đổi tên toàn bộ vùng Xuân Lộc xưa thành thị xã Long Khánh - đây là nhân tố quan trọng để lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và thị xã tập trung nguồn lực cho Long Khánh phát triển. Cả phố thị trở thành một đại công trường, đường sá được mở rộng, các công sở được xây mới, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, xây sửa nhà cửa. 5 năm gần đây, thị xã luôn giữ mức tăng trưởng GDP 15-16% và là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng đứng đầu của tỉnh Đồng Nai. "Chúng tôi đang tập trung hoàn chỉnh hạ tầng KCN Long Khánh, Suối Tre theo quy hoạch, xúc tiến kêu gọi đầu tư và định hướng chỉ ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp kỹ thuật cao" - Bí thư Nguyễn Văn Nải nói thêm.

Những ngày này, lãnh đạo và người dân Long Khánh bận rộn chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Long Khánh sẽ được tổ chức vào ngày 21-4. Bác Lượng, bác Mừng và nhiều cựu chiến binh khác trân trọng cài những tấm huân chương lên bộ quân phục, gọi điện hẹn nhau đi đặt vòng hoa, thắp hương ở các nghĩa trang liệt sỹ cho đồng đội đã anh dũng ngã xuống nơi cửa ngõ Sài Gòn - một việc không thể thiếu trong những ngày vui, thể hiện lòng tri ân của những người còn sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: “Lá chắn thép” không cản được đoàn quân thần tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.