(HNM) - Kể từ khi việc xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ được cụ thể hóa bằng chế tài tạm giữ phương tiện, cũng là lúc hàng loạt vấn đề đau đầu xung quanh sự tồn đọng của các phương tiện vô chủ được đặt ra với cơ quan chức năng.
Trong quá trình thu thập tài liệu cho bài viết này, một câu hỏi khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn: Ngoài nguyên nhân do thủ tục xác minh, đấu giá quá rườm rà, nhiêu khê, phải chăng lâu nay khối tài sản lớn này đã bị một số cơ quan chức năng quên lãng?
Cảnh sát giao thông Công an huyện Ứng Hòa thống kê các phương tiện vi phạm bị thu giữ. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều xe "đắp chiếu", cảnh sát cũng bức xúc
Cho đến bây giờ, chưa ai thống kê chính xác Hà Nội có bao nhiêu xe vô chủ. Song có một điều chắc chắn, trên hàng trăm điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ và các bãi trông giữ xe tư nhân trên địa bàn thành phố, đã có cả vạn phương tiện bị tồn đọng trong những năm qua do người vi phạm chưa đến giải quyết. Chưa kể, một số lượng không nhỏ xe vô chủ đang chất đống tại các điểm trông giữ xe tại các bệnh viện, dưới gầm cầu… mà hầu hết trong số đó là xe gian. Năm 2010, Trung đoàn Cảnh sát cơ động đã ra quyết định tạm giữ hơn 1.000 xe máy, chủ yếu vi phạm các lỗi nặng như đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, bốc đầu… gây mất trật tự ATGT. Trong số đó, khoảng 800 xe đã được chủ phương tiện đến nhận, 57 xe được làm thủ tục thanh lý, số còn lại đang được trung đoàn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để làm các thủ tục thanh lý theo quy định. Tại Đội CSGT số 1, hiện vẫn còn 106 phương tiện vô chủ "đắp chiếu" nhiều năm qua, chưa kể 45 phương tiện bị tạm giữ trong 6 tháng đầu năm đã quá thời hạn nhưng chủ xe vẫn "mất hút". Một lãnh đạo Trung đoàn Cảnh sát cơ động bức xúc: Để gửi một chiếc xe máy bị lập biên bản tạm giữ, chúng tôi phải tìm bãi tập kết bảo đảm an toàn cho phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm lui tới giải quyết… Ngặt một nỗi, phần lớn các điểm tập kết phương tiện vi phạm bị tạm giữ đều chưa được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như: mái tôn che mưa nắng, dụng cụ phòng chống cháy nổ, diện tích lại quá chật chội… Vì thế, xe bị tạm giữ ít ngày đã nhanh chóng "xuống cấp" do dầm mưa, dãi nắng. Nhiều chủ phương tiện khi lấy được xe ra đã "bắt đền" lực lượng chức năng vì xe của họ không còn giữ nguyên hiện trạng ban đầu…
Thủ tục thanh lý rườm rà, thiếu sự phối hợp
Kể từ khi thực hiện quy định tạm giữ xe vi phạm năm 2003, đến nay số lượng xe vô chủ trên địa bàn Hà Nội tăng chóng mặt. Theo lãnh đạo một số đội CSGT, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn đọng xe vô chủ là do thủ tục xác minh, thanh lý, đấu giá phương tiện quá rườm rà, gây tốn kém cả về thời gian, tiền bạc. Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết, để thanh lý được một phương tiện vi phạm "vô chủ", ít nhất phải mất khoảng 6 tháng, qua rất nhiều bước theo quy định. Sau 10 ngày bị tạm giữ phương tiện vi phạm theo quy định nếu chủ xe không quay lại, bước đầu cơ quan chức năng phải xác minh chủ sở hữu phương tiện, đối chiếu số khung, số máy trên xe. Tiếp đó, làm công văn gửi Phòng Kỹ thuật hình sự để giám định số khung, số máy… Sau 3 lần gửi giấy mời, nếu chủ sở hữu xe vẫn không có mặt, cơ quan chức năng phải đăng tải thông tin 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai danh sách xe "vô chủ" tại trụ sở cơ quan. Sau một tháng không có người đến nhận, hồ sơ phương tiện mới được chuyển sang cơ quan chức năng chờ làm thủ tục thanh lý. Hồ sơ phương tiện được bán đấu giá cũng bao gồm cả chục loại văn bản, giấy tờ. Chỉ sau khi Sở GTVT tiến hành định giá phương tiện, Phòng Công sản thuộc Sở Tài chính mới chính thức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức bán đấu giá theo quy định.
"Phức tạp nhất là khâu xác minh chủ phương tiện. Để thực hiện nhiệm vụ này, cơ quan công an buộc phải gặp chủ phương tiện để biết chính xác phương tiện đã được bán, bị mất hay vẫn đang được chính chủ sử dụng. Nhiều trường hợp xe được mua đi, bán lại nhiều lần, chúng tôi lặn lội suốt 4-5 tháng trời vẫn không gặp được chủ phương tiện do họ đã chuyển sang định cư tại nước ngoài hoặc đã mất…" - ông Tòng cho biết thêm.
Sở dĩ khâu xác minh chủ phương tiện gặp nhiều khó khăn, phức tạp là do các cơ quan thẩm quyền chưa kiểm soát được việc sang tên, đổi chủ. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ khi mua xe đã qua sử dụng, chủ phương tiện buộc phải sang tên, đổi chủ. Song vấn đề ở chỗ, luật không có điều khoản nào cấm người điều khiển được mượn phương tiện của người khác. Lợi dụng "kẽ hở" này, hầu hết người điều khiển phương tiện sau khi bị xử lý vi phạm do mang giấy tờ xe không mang tên chính chủ đều trả lời đang mượn xe để tham gia giao thông, vì vậy lực lượng chức năng không thể xử phạt.
Thủ tục thanh lý quá rườm rà, mất nhiều thời gian, phần lớn xe "vô chủ" đều bị nằm phơi sương phơi nắng, nên giá trị còn lại không đáng kể. Đây cũng là một nguyên nhân khiến việc thanh lý gặp khó khăn do giới buôn xe không mấy mặn mà với việc đấu giá loại xe này. Anh Nguyễn Hùng Hải - chủ cửa hàng chuyên sửa chữa xe máy tại quận Hai Bà Trưng kể rằng: Phần lớn xe hóa giá đều hoen gỉ, gẫy nát và thiếu nhiều bộ phận. Tùy theo chất lượng từng loại xe, nhưng phần lớn chỉ được mua với giá vài trăm nghìn đồng/chiếc. Có nhiều xe khi mua xong chỉ lấy được vài bộ phận hoặc phần khung. Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, có một thực tế mà nhiều lãnh đạo đội CSGT "ngại" nhắc đến, đó là sự thiếu quan tâm của các ngành có liên quan trong việc phối hợp định giá tài sản, bán đấu giá xe vô chủ. "Có thời điểm, với lượng lớn xe máy vô chủ tồn đọng tại các điểm trông giữ, cơ quan công an đề nghị Sở Tài chính tiến hành làm thủ tục thanh lý, nhưng không hiểu vì lý do gì, sau 4 năm vẫn chưa thể thanh lý được số xe này…" - một cán bộ thuộc Công ty Khai thác điểm đỗ xe tiết lộ. Đó là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải mất hàng năm trời, cơ quan chức năng mới tiến hành xong một đợt thanh lý phương tiện "vô chủ". Còn theo một cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, sau khi chuyển giao mô hình trông giữ xe cho doanh nghiệp tư nhân, phía bệnh viện đã tiến hành kiểm kê, lên danh sách xe "vô chủ". Tiếp đó, bộ phận hành chính của bệnh viện đã vài lần gửi công văn đến chính quyền cơ sở, phản ánh hiện tượng này và đề nghị phối hợp giải quyết. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đả động tới việc này.
Làm gì để giải quyết tình trạng tồn đọng xe “vô chủ”, giảm tải cho các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước? Đó là bài toán mà cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra lời giải. Từ thực tiễn tìm hiểu bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một vài kiến nghị.
Việc đầu tiên cơ quan chức năng cần làm là giảm thiểu những thủ tục không cần thiết trong quy trình xác minh, định giá và thanh lý phương tiện vi phạm "vô chủ". Cụ thể, sau 3 lần viết giấy mời và 1 lần đăng tải thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng chủ phương tiện hoặc người đại diện hợp pháp không có mặt, cơ quan chức năng cần tiến hành thanh lý luôn phương tiện vi phạm. Bởi lẽ, công việc này càng được tiến hành thông thoáng, càng góp phần giải tỏa sức ép trong quản lý, trông giữ xe vi phạm. Biện pháp này còn hạn chế tối đa thất thoát tài sản khi phương tiện vi phạm càng để lâu, giá trị thanh lý càng giảm xuống. Về lâu dài, để chấm dứt tình trạng tồn đọng xe "vô chủ" tại các điểm trông giữ xe, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, sửa đổi quy định theo hướng phạt nặng với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thay cho việc tạm giữ phương tiện như hiện nay. Biện pháp này có tính răn đe, phòng ngừa cao với những người có ý định vi phạm hoặc tái phạm. Cuối cùng, đã đến lúc ngành GTVT cần phải có biện pháp kỹ thuật nhằm xóa bỏ tình trạng mô tô, xe máy cũ nát tham gia giao thông trên, vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông, vừa hạn chế tối đa tình trạng chủ phương tiện vi phạm "bỏ của chạy lấy người".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.