Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Khoa học cơ bản… mất giá

Thế Dũng| 23/07/2012 06:44

(HNM) - Nhận xét của GS Lê Tuấn Hoa (Viện Toán học) cách đây vài năm rằng


Có một giai đoạn, khi nói đến KHCN, nhiều người chỉ quan tâm đến nghiên cứu ứng dụng tức là có "sản phẩm thật" chứ không quan tâm đến KHCB và KHXH&NV vốn trừu tượng, cao siêu và không dễ tiếp thu. Điều đó dẫn đến mức đầu tư cho hai lĩnh vực này trong nhiều năm chỉ ở khoảng 10-20% kinh phí nghiên cứu KHCN hằng năm. Đáng tiếc là những hậu quả của sự "thiên vị" ấy đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng mấy ai quan tâm khiến nay chúng đã dần thành sự thật.


Nghiên cứu xây dựng các phần mềm tại Trung tâm Quốc tế đào tạo về khoa học vật liệu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).Ảnh: Đình Na

Theo GS-TSKH Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học), có một thời nền toán học Việt Nam đã hình thành được các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ quốc tế như nhóm của GS Hoàng Tụy, nhóm "Kỳ dị" của GS Lê Dũng Tráng và Fedric Phạm... Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam đang hụt hẫng thế hệ 30-40 tuổi giỏi về toán. Để chọn được 3-4 người giỏi toán đã khó, tập hợp được vài người theo đuổi một lĩnh vực càng khó. Nhưng nguy cơ thiếu hụt nhân lực về toán không quan trọng bằng nguy cơ không có những người có trình độ đảm nhận việc giảng dạy toán tại các trường ĐH. Có thể thấy rõ điều đó qua tình trạng điểm chuẩn vào ngành toán và các ngành KHCB khác thường thấp hơn nhiều các ngành kinh tế, kỹ thuật ứng dụng, dù toán rất cần cho các ngành khoa học khác.

Đó là trong đào tạo, còn trong nghiên cứu thì sao? Trước năm 2010, Viện Toán tham gia nghiên cứu khoảng 25 đề tài, kinh phí trung bình là 40 triệu đồng/đề tài. "Hiện nay, những người làm toán chúng tôi chỉ cố gắng giúp những người trẻ tuổi theo nghề bằng việc cam kết cho họ đi nước ngoài đào tạo. Bằng cách đó có thể giúp họ có điều kiện mở rộng kiến thức và về nước làm việc" - GS Trung chia sẻ. Tại Viện KHCN Việt Nam, cơ quan nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về KHCB, số GS, PGS được phong gần đây không đủ bổ sung cho số người nghỉ công tác. Tình trạng thiếu đội ngũ kế cận hoặc làm việc kiểu "chân ngoài dài hơn chân trong" là có thật. Và sự thật này cũng dễ hiểu bởi vì nhìn vào chế độ đãi ngộ cho những người theo đuổi KHCB - ngành không thể kiếm được tiền ngoài nghiên cứu - rất thấp. Đó có lẽ là lý do chính khiến những ngành KHCB hiện nay không kiếm được sinh viên giỏi, cũng có nghĩa là không có người nghiên cứu giỏi.

"Không gian mờ ảo"

Không riêng gì KHCB, KHXH&NV cũng đang bị "ghẻ lạnh". Điểm chuẩn "đầu vào" ĐH thấp, hồ sơ ứng thí èo uột, khó kiếm việc làm trái nghề chứ chưa nói là đúng nghề... là hệ quả của sự thiếu chăm chút đối với lĩnh vực này. GS-TSKH Vũ Minh Giang (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, nước ta gần đây nổi lên nhiều vấn đề về dân tộc, văn hóa, tôn giáo, khoa học quản lý... nhưng thiếu các chuyên gia giỏi là sự thật cho thấy KHXH&NV đang bị xao nhãng. Ngoài chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, hoạt động hướng nghiệp chạy theo "tư duy ngắn hạn" thì còn "điểm nghẽn" nào khác khiến ngành KHXH&NV không có nhiều đột phá trong những năm qua ?

KHCN nói chung và các ngành KHXH&NV nói riêng có một vị trí quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách của đất nước. Quyền và nghĩa vụ phục tùng chính trị, phụng sự Tổ quốc và nhân dân của KHCN, trong đó có KHCB và KHXH&NV, được thống nhất trên nguyên tắc, nhưng trách nhiệm đó là thế nào lại không được làm rõ. Hơn nữa, hiện cũng chưa có một cơ chế minh bạch, quy định rõ phương thức tham gia, phạm vi và điều kiện tham gia của KHCN vào quá trình hoạch định chính sách. Các cơ quan, thiết chế của hệ thống chính trị cũng không được quy định phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, tổ chức KHCN làm việc đó. Minh chứng rõ nhất của thực trạng này là sau gần 30 lần thảo luận và nhiều năm chuẩn bị nhưng đến nay "Quy chế dân chủ trong hoạt động KHXH&NV" ở nước ta vẫn chưa được ban hành.

PGS-TS Trần Ngọc Vương (ĐH KHXH&NV) nhận định, ở một xã hội cụ thể, trạng thái yếu kém của các KHXH&NV sẽ dẫn đến những hệ quả to lớn, bởi chỉ qua các ngành KHXH&NV mà một xã hội tự trình hiện mình, tự ý thức về chính mình một cách đích thực nhất. Số phận của một cá nhân cho đến một tập đoàn kinh tế có thể được quyết định chỉ bởi một hay một vài sáng chế, phát minh khoa học. Nhưng số phận của một cộng đồng lại chỉ có thể được xác định thông qua hàng loạt những tương tác kinh tế, chính trị, văn hóa và đạo đức phức tạp, cả theo chiều hướng nội lẫn hướng ngoại.

Mục tiêu tối hậu của KHXH&NV là hướng tới cộng đồng, nghiên cứu con người và xã hội bằng hệ quy chiếu cộng đồng để phục vụ cộng đồng.

Một trong những đặc điểm của người làm khoa học là luôn có tư duy độc lập và có phần vượt trước so với tư duy phổ biến chung trong xã hội. Do đó, với đội ngũ này, vấn đề nhận thức và hành động chỉ có thể trao đổi bình đẳng dựa vào một hành lang pháp lý, một môi trường dân chủ đích thực trong khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Khoa học cơ bản… mất giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.